18:39 07/05/2023

Tháo gỡ khó khăn cho công nhân, TP.HCM sẽ triển khai loạt hỗ trợ

Ban Mai

Những vấn đề về khó tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi, nhiều công nhân lại không được hưởng ở nhà lưu trú, khó khăn khi mua nhà ở xã hội... sẽ được chính quyền TP.HCM tháo gỡ sớm nhất, giúp ổn định cuộc sống cho công nhân...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Nhiều vấn đề mà các công nhân, nhất là công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP.HCM đang cần hỗ trợ là nhà ở, bảo hiểm xã hội… đã được nêu trong cuộc gặp gỡ và tiếp xúc với cử tri là công nhân lao động trên địa bàn quận 7 và công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận, cũng như ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM vào chiều 06/5/2023.

KHÓ TIẾP CẬN GÓI VAY ƯU ĐÃI

Đề cập đến vấn đề nhà ở, theo chị Trần Thị Hồng Phượng, công nhân tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 7, hiện nay đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà lưu trú công nhân chỉ có những lao động là công nhân, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Trong khi đó, còn rất nhiều công nhân lao động đang làm việc bên ngoài cũng rất mong muốn được hỗ trợ chính sách về nhà ở. Không nên có sự phân biệt về này.

Cử tri Trần Thị Hồng Phượng, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 7, nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: VD.  
Cử tri Trần Thị Hồng Phượng, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 7, nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: VD.  

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Tấn Thuận, công nhân Công ty TNHH MiTek Việt Nam, cho rằng không chỉ người lao động trong khu chế xuất muốn được hưởng chế độ nhà lưu trú mà cả công nhân ở ngoài cũng mong muốn.

Theo anh Thuận, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi, bổ sung - Điều 97), quy định giá cho thuê nhà lưu trú công nhân phải phù hợp với mức sống và thu nhập của người lao động, giá thuê phải thấp hơn so với mặt bằng chung thuê nhà ở bên ngoài. Do đó, không nên giao cho nhà đầu tư tự xác định giá mà phải có sự can thiệp, hỗ trợ của nhà nước. Như vậy mới thu hút người lao động ở nhà lưu trú.

Đối với việc vay vốn ưu đãi, chị Phạm Thị Mai Thảo, công nhân Công ty Mỹ Châu, cho biết Nhà nước đã ban hành gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ công nhân vay tiền với lãi suất thấp để mua nhà ở xã hội, song rất khó tiếp cận nguồn vốn vay trên.

Thông tin về chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, chị Trần Thị Hồng Phượng cho biết, dự thảo Luật quy định các đối tượng như người có thu nhấp thấp, công nhân lao động trong các khu công nghiệp phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân mới được hưởng chính sách. Chị Phượng cho rằng tiêu chí này chưa công bằng, chưa thỏa đáng khi dùng để đánh giá phân loại đối tượng cần được hỗ trợ.

Theo bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vay mua nhà ở xã hội của Chính phủ, khi được ban hành, anh chị em công đoàn rất phấn khởi. Tuy nhiên, thực chất đến thời điểm này thì không những cán bộ công đoàn mà ngay cả người lao động cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận được gói vay này.

Cụ thể, theo bà Vân, 4 ngân hàng thực hiện việc cho vay chưa triển khai chương trình đến các tổ chức công đoàn để hướng dẫn người lao động mà yêu cầu công nhân phải ra trực tiếp để thực hiện thủ tục vay. Tuy nhiên, công nhân đi làm từ thứ hai đến thứ bảy, trong khi giao dịch ngân hàng phải thực hiện giờ hành chính. Nếu các công nhân phải nghỉ việc để đi giao dịch ngân hàng thì sẽ bị trừ lương, trừ chuyên cần… Cần có phương án hỗ trợ để công nhân dễ dàng tiếp cận được gói vay tín dụng ưu đãi.

Bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch Công đoàn các KCX-CN TP.HCM. Ảnh: VD. 
Bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch Công đoàn các KCX-CN TP.HCM. Ảnh: VD. 

Ngoài ra, bà Vân cho rằng tại Khu chế xuất Tân Thuận, trên 75% công nhân đều ở các tỉnh khác, vì vậy, điều kiện trả trước 50% tiền mua nhà ở xã hội là rất khó, 50% còn lại cho vay với lãi suất 8,2%/năm cũng không thể coi là thấp. Do đó, việc cần nhất hiện nay là Tp.HCM nên quan tâm về nhà lưu trú, nhà cho thuê giá rẻ và có giải pháp hỗ trợ để động viên công nhân tiếp tục gắn bó với địa bàn.

Với gói vay tiêu dùng 20.000 tỷ đồng dành cho công nhân, bà Vân cho biết đến thời điểm này mới chỉ biết trên văn bản bằng giấy, thực tiễn triển khai thì chưa được tiếp cận.

Nêu ý kiến về giá cả thị trường tăng, ảnh hưởng đến cuộc sống khi giá nhà trọ tăng theo. Các cử tri cho biết, lương công nhân có khung quy định nhưng giá thị trường thì không. Nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm và giá nhà trọ tăng giá theo giá xăng nhưng lại không giảm khi giá xăng giảm.

Cử tri kiến nghị nhà nước có biện pháp quy định tối đa mức giá nhà trọ. Đồng thời lập nhiều kênh để bình ổn giá, kiểm soát giá của những mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết cho người lao động.

Ngoài ra, góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các ý kiến xoay quanh việc hưởng lương hưu. Các cử tri kiến nghị đại biểu Quốc hội có ý kiến về quy định trường hợp người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội được 20 năm mà chưa đủ tuổi về hưu theo quy định tại thời điểm đó, nếu có nguyện vọng thì được lập thủ tục để hưởng lương hưu.

Theo các cử tri, mức hưởng lương hưu là 75% là thấp theo quy định tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi - Điều 72). Mức lương hưu phải đảm bảo được mức sống tối thiểu. Bảo hiểm xã hội không thể áp dụng mức trích nộp lúc ban đầu tham gia để tính bình quân cho mức đóng hiện tại; không thể áp dụng mức đóng của năm 2000 để tính mức sống của năm 2023.

 SẼ HỖ TRỢ TIỀN NHÀ TRỌ CHO CÔNG NHÂN

Ghi nhận các ý kiến của cử tri, công nhân tại buổi tiếp xúc, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết đối với các ý kiến của cử tri liên quan đến các luật, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM sẽ tổng hợp và báo cáo lên cơ quan thẩm quyền.

Về tiền thuê nhà, hiện thành phố đang xử lý cục bộ, chưa thành chính sách, tuy nhiên, qua ý kiến của các cử tri, thành phố sẽ nghiên cứu để đề xuất chính sách hỗ trợ tiền nhà trọ cho công nhân, đặc biệt là những người bị ngừng việc, giảm việc, giảm thu nhập.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM: "Thành phố đang tập trung và sẽ có chính sách về đất đai, về tín dụng để phát triển nhà lưu trú công nhân..." - Ảnh: VD.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM: "Thành phố đang tập trung và sẽ có chính sách về đất đai, về tín dụng để phát triển nhà lưu trú công nhân..." - Ảnh: VD.

Ngoài ra, qua khảo sát cho thấy không phải nhà giá rẻ, nhà ở xã hội chiếm tỷ trọng lớn mà đó là nhà lưu trú, nhà cho thuê. Thành phố đang tập trung và sẽ có chính sách về đất đai, về tín dụng để phát triển nhà lưu trú công nhân; có chính sách để công nhân có thể tiếp cận các nhà trọ.

Cụ thể, thành phố sẽ rà soát các quỹ đất, tính toán lại quy hoạch để phát triển các khu nhà lưu trú, nhà trọ ở gần các khu công nghiệp, hoặc những khu nhà máy, xí nghiệp có đông công nhân.

Về quản lý giá nhà trọ cho thuê, thành phố sẽ nghiên cứu để có quy định về việc này, có chính sách hỗ trợ nhà trọ về môi trường sống và giá cả.

Đối với ý kiến cử tri về việc khó tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội và gói 20.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng, từ đầu năm, thành phố đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, các ngân hàng thương mại để khẩn trương công khai điều kiện, quy trình tiếp cận các gói tín dụng này.

Thành phố đã đề nghị các ngân hàng xem xét công nhân có việc làm ổn định, thu nhập tương đối thì có thể vay để mua nhà; nghiên cứu áp dụng chính sách thấu chi để công nhân không phải vay tín dụng đen. Hiện đã có một số ngân hàng thực hiện chính sách này. 

Về nhà ở xã hội, Chính phủ giao cho TP.HCM 69.000 căn, nhưng chương trình phát triển nhà ở của thành phố trước đó đã đề ra là 83.000 căn. TP.HCM vẫn giữ chỉ tiêu cao hơn mức của Chính phủ giao. Thành phố cũng sẽ chú ý lại về đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội.