15:44 17/03/2023

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phát triển nhà ở xã hội

Phan Nam

Để định hướng giải quyết các vấn đề và tháo gỡ các khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, Ban Kinh tế Trung ương được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng Đề án “Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp”...

Vừa qua, Thường trực Tổ Biên tập Đề án “Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp” đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo 19 công ty, doanh nghiệp bất động sản phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp tại TP.HCM.

CÁC CƠ CHẾ ƯU ĐÃI CÒN CHẬM VÀ NHIỀU VƯỚNG MẮC

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Tổ trưởng Tổ Biên tập  nhấn mạnh nội dung Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XIII đã định hướng về phát triển nhà ở dành cho công nhân: “Ưu tiên quỹ đất, vốn và có các chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi cho triển khai xây dựng đến năm 2030 được ít nhất 1 triệu nhà ở xã hội cho công nhân và người có thu nhập thấp”;

Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã đề cập đến nội dung phát triển nhà ở xã hội: “Rà soát, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, thủ tục hành chính về nhà ở xã hội; Đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp; Đưa các chỉ tiêu về phát triển nhà ở, trong đó có chỉ tiêu bắt buộc phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm của cả nước và từng tỉnh, thành phố; các tỉnh, thành phố bảo đảm bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.”

Theo nhận định của Ban Kinh tế Trung ương, thời gian qua đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn. Cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, tổng diện tích hơn 7.790.000 m2. Tuy nhiên, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp vấn còn nhiều hạn chế, tồn tại, chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của người dân thuộc đối tượng.

Nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển phân khúc nhà ở xã hội nhà ở cho người có thu nhập thấp còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ và kịp thời; nhiều địa phương chưa thực sự tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp.

“Đến nay, việc thể chế hóa thành các luật, chính sách ưu đãi và việc triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở cho người có thu nhập thấp còn chậm trễ và có nhiều vướng mắc”, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định.

CÁC DOANH NGHIỆP LIÊN TỤC BỊ THANH TRA, KIỂM TOÁN

Cùng chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm nên đặc biệt quan tâm đa dạng hóa sản phẩm nhà ở. Bên cạnh sản phẩm nhà ở cao cấp, nhà ở trung cao cấp thì rất cần thiết bổ sung sản phẩm nhà ở thương mại giá trung bình, nhất là nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội để vừa xây dựng uy tín thương hiệu; vừa tăng tính thanh khoản và hạn chế “rủi ro” trong kinh doanh khi thị trường bất động sản có biến động; vừa góp phần tái cấu trúc và phát triển thị trường bất động sản minh bạch, an toàn, lành mạnh và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho tầng lớp “yếu thế” trong xã hội là người có thu nhập trung bình thấp và người có thu nhập thấp đô thị, nông thôn. 

Bày tỏ ý kiến về công tác này, đại diện các doanh nghiệp, công ty bất động sản phát triển đã nêu ra những khó khăn trong việc điều chỉnh quy hoạch để phát triển nhà ở xã hội; trong huy động và ưu đãi vốn; trong việc xác định những người đủ tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội; trong việc thực hiện các ưu đãi đối với doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội do sự khác biệt về quy định giữa quy định pháp luật về phát triển nhà ở xã hội và các văn bản Luật hiện hành trong quá trình áp dụng. Rồi viẹc thiếu quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội…

Ngoài ra còn có vấn đề là các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội bị thanh tra, kiểm toán liên tục khiến doanh nghiệp lo lắng, tốn kém trong quá trình thanh tra, kiểm toán.

Hầu hết các doanh nghiệp đều nhận định, cơ chế, chính sách ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội đã có nhưng cần phải triển khai thực hiện trên thực tế để chính sách đi vào cuộc sống. Đồng thời cần thúc đẩy phát triển nhà ở thương mại có giá phải chăng để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho nhân dân vì không phải người dân nào cũng có đáp ứng đủ các tiêu chí để mua nhà ở xã hội...

 

Mục đích của đề án “Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp” là làm rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp; Làm rõ thực trạng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng các cấp trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp; Làm rõ kết quả đạt được và những hạn chế về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp giai đoạn từ năm 2010 đến nay; Làm rõ bối cảnh trong nước và quốc tế tác động đến nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp; Đề xuất các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp…