12:20 03/04/2023

Tháo gỡ vướng mắc để triển khai nhanh xây nhà lưu trú công nhân

Mộc Minh

Đến nay, nguồn cung nhà lưu trú cho công nhân tại TP.HCM mới chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu. Việc xây dựng loại hình nhà ở này trong các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập….

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Theo Ban quản lý Khu công nghiệp và khu chế xuất TP.HCM (Hepza), từ năm 2003, đơn vị này đã chủ động phối hợp cùng các sở, ngành thành phố, các công ty đô thị và kinh doanh cơ sở hạ tầng các khu chế xuất, khu công nghiệp đề xuất tham mưu UBND TP.HCM cho thực hiện đầu tư xây dựng Nhà lưu trú công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Điều kiện bắt buộc để hình thành hoặc mở rộng khu chế xuất, khu công nghiệp là phải đáp ứng chuỗi hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội… phân bố dân cư, nhà ở và các công trình xã hội phục vụ công nhân làm việc trong khu công nghiệp… được quy định tại Nghị định 188/2013/NĐ-CP (ngày 20/11/2013) và Nghị định 100/2015/NĐ-CP (ngày 20/10/2015) của Chính phủ; Nghị định 49/2021/NĐ-CP (ngày 01/4/2021) về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2015/NĐ-CP (giai đoạn 2).

Đến nay, TP.HCM đã hoàn thành 16 công trình nhà lưu trú công nhân phục vụ người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, với tổng số phòng 3.743 phòng và đáp ứng 14.577 chỗ ở. Dù vậy, nguồn cung nhà lưu trú công nhân mới chỉ  đáp ứng được khoảng 15% tổng số người lao động có nhu cầu.

Hepza cho rằng việc hạn chế này là do triển khai trong thực tế vẫn còn những bất cập.

Cụ thể, không còn quỹ đất chưa khai thác, sử dụng để điều chỉnh quy hoạch xây dựng thành đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân, các công trình phục vụ tiện ích người lao động khác trong ranh khu chế xuất, khu công nghiệp.

Hệ thống công trình tiện ích phục vụ người lao động như trường mầm non dành cho con công nhân tiếp nhận nguy cơ cao về môi trường (không khí, khói bụi, tiếng ồn, nước thải, rác thải từ khu chế xuất, khu công nghiệp); hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông, các phương tiện giao thông cỡ lớn di chuyển mật độ dày ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống và điều kiện sức khỏe của chính những người thụ hưởng.

Việc điều chỉnh quy hoạch đối với các dự án nhà lưu trú công nhân, công trình phục vụ tiện ích người lao động còn mất rất nhiều thời gian, công sức của Nhà đầu tư do quy trình thủ tục phức tạp. Nhiều trường hợp phải rà soát lại các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tại các phân khu quy hoạch khác.

Ngoài ra, còn có một số vướng mắc khác liên quan đến Nghị định 35/2022/NĐ-CP (ngày 28/5/2022) của Chính phủ, như: tại Khoản 5 Điều 22 xác định: “Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật về xây dựng nhà ở xã hội và quy định khác của pháp luật có liên quan”. 

Dựa vào cơ sở trên, Hepza cho rằng nhà lưu trú công nhân mà đối tượng phục vụ là người lao động dù nằm trong hay ngoài ranh cần phải được xem là nhà ở xã hội nhằm thống nhất một đối tượng dự án để hướng dẫn và quản lý. Điều khác biệt ở đây là nhà lưu trú công nhân không dùng để bán mà chỉ cho thuê.

Do đó, cần quan tâm đến ưu đãi mà nhà đầu tư được hưởng. Cụ thể, theo quy định về chính sách nhà ở xã hội thì đất xây dựng nhà lưu trú công nhân được miễn tiền sử dụng đất.

Tuy nhiên, doanh nghiệp xây dựng nhà lưu trú công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã phải thuê và thanh toán tiền thuê đất cho các Công ty hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất. Cần phải có hướng dẫn cụ thể để cho doanh nghiệp được hỗ trợ trả lại tiền hoặc trừ vào nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp.

Ngoài ra, nhà lưu trú công nhân cũng “được tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất lên tối đa 1,5 lần so với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành do cơ quan có thẩm quyền ban hành… Nhưng việc áp dụng điều này chưa thể thực hiện được một cách trực tiếp mà phải thông qua điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng của khu công nghiệp, khu chế xuất, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án của nhà đầu tư.

Theo Hepza, vấn đề trên cần phải được tháo gỡ ngay nhằm khuyến khích nhà đầu tư nâng cao mật độ xây dựng, hiệu quả sử dụng đất đối với các dự án phục vụ nhu cầu chỗ ở đối với người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

“Cần đẩy nhanh phát triển nhà lưu trú công nhân để đảm bảo chủ trương, chính sách của Nhà nước được đi vào thực tiễn, hướng đến việc đảm bảo điều kiện về chỗ ở cho người lao động ngày một tốt hơn”, Hepza nhận định.