17:23 05/04/2023

Nhà ở xã hội vẫn thiếu quỹ đất để phát triển

Thanh Xuân

Việc phát triển nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Mà một trong những nguyên nhân là do thiếu quỹ đất để xây dựng loại hình nhà ở này…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại hội thảo về “Phát triển nhà ở xã hội – Góc nhìn doanh nghiệp”, Tổng hội Xây dựng Việt Nam thông tin, tính đến cuối năm 2022, cả nước hoàn thành 301 dự án nhà ở khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn với tổng diện tích 7.790.000 m2. Kết quả này đã giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp, hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện về nhà ở xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì vẫn còn một số hạn chế.

MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG CHƯA QUAN TÂM ĐÚNG MỨC

Trong đó, về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết: Thông qua các báo cáo thì chúng ta đang thiếu quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Mà nguyên nhân phải kể đến là, ở một số địa phương hiện nay chưa quan tâm đúng mức đến việc chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Đặc biệt, chưa chủ động dành đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội khi phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu nghiên cứu đào tạo theo quy định của Luật Nhà ở. Thậm chí, có địa phương chỉ trông chờ vào 20% quỹ đất dành cho nhà ở xã hội có được, thông qua phát triển các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị.

Theo vị này, bản thân quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, thông qua dự án phát triển nhà ở thương mại, phát triển khu đô thị thường hạn chế, do có những chủ đầu tư dự án bố trí quỹ đất 20% ở vị trí không thuận lợi, hoặc bố trí ở nơi khó giải phóng mặt bằng, hoặc trì hoãn việc hoàn thành đầu tư hạ tầng. Thêm nữa với quy định của pháp luật về nhà ở xã hội, chủ đầu tư được phép nộp tiền thay cho việc dành quỹ đất theo quy định.

Ngoài ra, “một số điểm còn bất cập khi quy định phải dành 20% quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, là chưa quan tâm đúng mức đến mức độ phát triển kinh tế, tính chất vùng miền dẫn đến tình trạng lãng phí đất đai, hoặc thiếu khả thi, phá vỡ không gian, kiến trúc, cảnh quan chung của dự án, giảm sức hút đối với dự án thương mại, gây khó cho đối tượng nhà ở xã hội khi phải trả chi phí dịch vụ cao”, chuyên gia phân tích.

Liên quan tới quy định về phát triển nhà ở xã hội trong quỹ đất 20%, của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nêu: Có ý kiến cho rằng quy định này trong thực tế không thực sự hiệu quả, do việc điều tiết nhà ở xã hội, thông qua các chính sách hỗ trợ như hiện nay không đủ hấp dẫn, khó thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nên một số chủ đầu tư giữ đất nhiều năm nhưng chưa chịu triển khai xây dựng. Mặt khác, việc quy định quỹ đất 20% gắn với các khu đô thị, khu dân cư mới cũng đang gây khó khăn trong công tác xây dựng nhà ở xã hội lẫn phát triển nhà ở thương mại. Vì nhiều chủ đầu tư e ngại, xây dựng nhà ở xã hội đồng thời với nhà ở thương mại, ở cùng dự án sẽ làm giá trị của dự án, giá bán căn hộ thương mại xuống thấp”.

PHẢI CÔNG KHAI, GIỚI THIỆU QUỸ ĐẤT ĐẦU TƯ

Đưa ra ý kiến, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, cho rằng trước hết các bộ, ngành cần tập trung sửa đổi ngay những văn bản quy phạm thuộc thẩm quyền còn chồng chéo nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thông thoáng...

Về phía địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương hoàn thành công tác lập, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, nhất là làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Người đứng đầu địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng; lập, phê duyệt kế hoạch cần triển khai cụ thể đối với việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội, theo từng năm và từng giai đoạn từ nay đến năm 2030, sao cho đảm bảo nhu cầu của địa phương. Đồng thời có giải pháp đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng dự án đang triển khai thực hiện, dự án đã có chủ trương đầu tư, hay việc quy hoạch, bố trí quỹ đất đã giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Đảm bảo đến năm 2030 hoàn thành đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ trên phạm vi cả nước.

Đặc biệt, “địa phương có trách nhiệm công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư. Quy hoạch, bố trí dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại vị trí phù hợp, thuận tiện có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…”, ông Hưng nhấn mạnh.

Trong khi đó, KTS. Trần Ngọc Chính cho rằng Luật Nhà ở sửa đổi lần này cần theo hướng Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi về đất đai, hạ tầng, tài chính cũng như cơ chế, chính sách đủ mạnh để phát triển nhà ở xã hội.

Các chuyên gia đánh giá, đây là điều cần thiết giúp phát triển nhà ở xã hội. Nhà ở xã hội có thể không sinh lời trực tiếp nhưng những lợi ích cùng tác động gián tiếp cho nền kinh tế lại vô cùng to lớn. Bởi đi đôi với công ăn việc làm thì cần ổn định chỗ ăn ở, sinh hoạt cho người công nhân nói riêng và người lao động nói chung. Từ đó, nhà đầu tư mới yên tâm đẩy mạnh sản xuất. Sự phát triển bền vững chỉ có được khi mọi mặt của hệ sinh thái công nghiệp – đô thị - dịch vụ được chăm lo, mà ở đó người lao động là nhân tố quan trọng được đảm bảo về cuộc sống.