"Tháo gông" cho tài sản bảo đảm là sản phẩm trí tuệ
Nghị định 21 có hiệu lực kể từ ngày 15/5 tới, cho phép định giá tài sản bảo đảm theo thị trường đối với sản phẩm trí tuệ
Ngày 15/4, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Nghị định bao gồm 5 chương, 62 điều, quy định sát với hoạt động tín dụng, giao dịch tài sản bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm… của các ngân hàng, đặc biệt là các sản phẩm trí tuệ.
Cụ thể, tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ gồm: tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm.
Đó là, tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu; tài sản thuộc đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ bị vi phạm đối với biện pháp cầm giữ; tài sản thuộc sở hữu toàn dân trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định.
Trước đây, các tổ chức tín dụng áp dụng Nghị định 163/2006/CP-NĐ về giao dịch bảo đảm và Nghị định 11/2012/NĐ-CP bổ sung, sửa đổi Nghị định 163.
Năm 2015, Bộ luật dân sự được ban hành mới và hoạt động giao dịch bảo đảm vẫn được thực hiện theo nghị định cũ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho hay, có nhiều bất cập, vướng mắc trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xung quanh vấn đề xử lý tài sản bảo đảm.
Chẳng hạn, có nhiều trường hợp bỏ hàng tỷ đồng để nghiên cứu sáng chế, sau đó, dùng sáng chế này để vay vốn ngân hàng, phát triển sáng chế đó lên mức cao hơn, có giá trị hơn nhưng đều bị các ngân hàng từ chối.
Bởi vậy, Nghị định 21 sắp có hiệu lực tới đây sẽ quy định cơ chế pháp lý xác định, mô tả tài sản bảo đảm; cơ chế pháp lý giải quyết việc đầu tư vào tài sản bảo đảm và cơ chế pháp lý giải quyết biến động về tài sản bảo đảm. Đây được coi là hành lang pháp lý cực kỳ quan trọng xử lý bất đồng giữa chủ nợ và con nợ trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm.
Một vấn đề khác, mặc dù Nghị định 21 không quy định về thu giữ tài sản bảo đảm do hạn chế văn bản ở mức nghị định; tuy nhiên, để tháo gỡ vướng mắc này, Nghị định 21 quy định: khi xử lý tài sản bảo đảm, chỉ cần thực hiện theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng, không cần có văn bản ủy quyền hoặc văn bản đồng ý của bên bảo đảm.
Chia sẻ thêm một số nội dung cơ bản cần quan tâm trong áp dụng, thi hành Nghị định 21, ông Nguyễn Hồng Hải cho rằng: Nghị định 21 đã thể chế hóa cách tiếp cận vật quyền của Bộ luật dân sự 2015 như quyền truy đòi. "Điều 7 Nghị định 21 quy định việc chuyển dịch tài sản bảo đảm dù đã phát sinh hiệu lực pháp lý với người thứ ba thì không làm thay đổi hoặc chấm dứt quyền truy đòi của bên nhận bảo đảm đối với tài sản trừ trường có sự thỏa thuận khác hoặc Bộ luật dân sự 2015 hoặc luật khác liên quan có quy định", ông Hải nói.
Ngoài ra, Bộ luật dân sự 2015 đã tách bạch thời điểm có hiệu lực của hợp đồng và hiệu lực đối kháng với người thứ 3 nhằm đảm bảo quyền lợi của bên nhận tài sản bảo đảm.
Theo đó, hợp đồng thế chấp tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Việc thế chấp tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký. Theo đó, sau khi giao kết hợp đồng thế chấp, bên nhận thế chấp cần phải đăng ký giao dịch bảo đảm để đảm bảo quyền lợi. Bất kỳ một bên thứ 3 nào khác trước khi tham gia giao dịch đối với tài sản này buộc phải biết tình trạng pháp lý tài sản. Nếu bên thứ ba chấp nhận giao dịch thì khi có tranh chấp phát sinh về tài sản thế chấp bên nhận thế chấp được quyền ưu tiên trong việc xử lý tài sản thế chấp.