08:03 14/01/2011

Thảo luận văn kiện Đại hội XI: Đổi mới mô hình tăng trưởng

Hoa Huyền

Quan điểm phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 là “phát triển nhanh gắn với phát triển bền vững”

Ông Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội thay mặt đoàn chủ tịch điều hành phiên thảo luận tại hội trường chiều 13/1 - Ảnh: TTXVN.
Ông Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội thay mặt đoàn chủ tịch điều hành phiên thảo luận tại hội trường chiều 13/1 - Ảnh: TTXVN.
Đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững là vấn đề trọng tâm của nhiều tham luận tại phiên làm việc của Đại hội Đảng XI, chiều 13/1.

Một trong 5 quan điểm phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 đã được trình bày tại phiên khai mạc Đại hội là “phát triển nhanh gắn với phát triển bền vững”.

Báo cáo chính trị của Đại hội cũng nêu rõ, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là tiền đề quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, là một trong ba đột phá chiến lược trong 10 năm tới.

Nhất trí cao với những nội dung này, nhiều giải pháp cũng đã được các đoàn đại biểu, các vị đại biểu đề xuất để thực hiện đạt kết quả cao nhất.

Phát triển kinh tế tri thức một cách hiệu quả

Bên cạnh những thành công nổi bật, mô hình tăng trưởng kinh tế mà chúng ta đang áp dụng đã bộc lộ những bất cập, không đáp ứng được những yêu cầu phát triển mới khi bối cảnh quốc tế và điều kiện trong nước đã thay đổi sâu sắc, tham luận của đoàn đại biểu thành phố Hà Nội nêu rõ.

“Tiếp tục mô hình đó, đất nước ta sẽ phải trả giá đắt về môi trường, phải hy sinh các cơ sở tăng trưởng dài hạn, nghĩa là dành lại phần rủi ro cho các thế hệ tương lai. Và nguy hiểm hơn, sự tiếp tục đó không cho phép Việt Nam thành công trong cạnh tranh và hội nhập vào mạng lưới phát triển toàn cầu, đẩy nền kinh tế tụt hậu và tụt hậu xa hơn”, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh.

Với chủ đề “Đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững”, đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đã đề xuất 7 giải pháp góp vào việc khởi động triển khai nhiệm vụ chiến lược để Việt Nam phát triển nền kinh tế tri thức một cách hiệu quả.

Trong đó nhấn mạnh giải pháp xây dựng chương trình phát triển nền kinh tế tri thức mang tầm cỡ quốc gia, coi đây là “trục” của chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, đưa nước ta thành nước công nghiệp hiện đại.

Nhà nước không “cầm tay chỉ việc”cho doanh nghiệp

Kiến nghị một số giải pháp nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, tham luận của đoàn đại biểu Tp.HCM đã cụ thể hóa và nhấn mạnh 5 vấn đề.

Đó là đổi mới tư duy về chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước thông qua việc sử dụng công cụ kế hoạch hóa phù hợp với sự vận hành của cơ chế thị trường.

Theo đó, trong chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cần thực hiện theo nguyên tắc: Nhà nước sử dụng các chính sách,biện pháp và công cụ để tác động vào thị trường theo định hướng của Nhà nước. Chính thị trường sẽ tác động vào sự định hướng đầu tư của doanh nghiệp, chứ không “cầm tay chỉ việc”cho doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, sẽ xác định rõ hơn quyền hạn và tráchh nhiệm của chính quyền địa phương trong việc sử dụng các công cụ hỗ trợ thị trường.

Các giải pháp tiếp theo là sử dụng hiệu quả công cụ chính sách kinh tế - tài chính để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nội bộ các ngành kinh tế; Sử dụng các tổ chức kinh tế của Nhà nước như công cụ để khắc phục và hạn chế những khuyết tật của thị trường; Chuyển từ cơ cấu kinh tế địa phương sang cơ cấu kinh tế vùng.

Đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền đô thị trong khuôn khổ tổ chức hệ thống chính quyền địa phương theo hướng mở rộng tính tự chủ và chịu trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao là giải pháp cuối cùng được nhấn mạnh tại tham luận này.

Đây được coi là giải pháp nhằm tránh sự đùn đẩy trách nhiệm, chồng chéo, lẫn lộn, cản trở trong hoạt động giữa các cấp chính quyền trong phạm vi một địa phương với nhau.

Cần để lại dấu ấn quan trọng về công tác quy hoạch

Bên cạnh tham luận của hai đoàn đại biểu Hà Nội và Tp.HCM, Đại hội cũng đã nghe một số tham luận khác. Trong đó, có ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Vẫn liên quan đến phát triển bền vững, trong bốn bài học chủ yếu rút ra để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020, Ban cán sự Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu bài học: “ Đặc biệt coi trọng chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng”.

Với vấn đề bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đề nghị: “Nghị quyết Đại hội XI cần để lại dấu ấn quan trọng về công tác quy hoạch”.

Vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng phải được thể hiện rõ trong quy hoạch. Bởi, theo Bộ trưởng Nguyên, “tình trạng suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu mà nước ta là một trong số ít nước chịu tác động nặng nhất, có thể sẽ là những biến số lớn trong tiến trình phát triển của đất nước trong những thập niên tới”.

Vị “tư lệnh” ngành môi trường cũng đề xuất tám giải pháp để Đại hội thảo luận. Trong đó, tiến tới xây dựng bộ luật môi trường, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng thống nhất, công bằng, hiện đại và hội nhập, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, không rõ trách nhiệm, bỏ trống trách nhiệm và thiếu khả thi.

Theo chương trình nghị sự, cả ngày 14/1, Đại hội sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường về các văn kiện Đại hội.