11:24 12/01/2011

Khai mạc Đại hội XI: Thể chế kinh tế vẫn là điểm yếu

Minh Thúy

Sáng nay (12/11), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được khai mạc trọng thể tại Hà Nội

1.377 đại biểu đã tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng - Ảnh: LQP.
1.377 đại biểu đã tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng - Ảnh: LQP.
Sáng nay (12/11), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được khai mạc trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 1.377 đại biểu.

Tại diễn văn khai mạc Đại hội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định, kết quả trong 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội X đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2001 - 2010) và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

“Đại hội XI có trách nhiệm lịch sử to lớn trước toàn dân tộc, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đề cao tinh thần tự phê bình nghiêm túc, để kiểm điểm đánh giá khách quan, toàn diện những thành tựu và yếu kém, khuyết điểm, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện nghị quyết Đại hội X của Đảng, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010), tổng kết chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001 - 2010) và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” diễn văn nêu rõ.

Sau diễn văn khai mạc của Chủ tịch nước, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã trình bày báo cáo của Ban chấp hành Trung ương khóa X về các văn kiện Đại hội XI của Đảng.

Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X, Tổng bí thư nêu rõ những thành tựu nổi bật là: nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, cơ bản giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, các ngành đều có bước phát triển, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá và các lĩnh vực xã hội có tiến bộ; bảo vệ tài nguyên, môi trường được chú trọng hơn; đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng, vị thế, uy tín quốc tế của nước ta được nâng cao; phát huy dân chủ có tiến bộ, khối đại đoàn kết dân tộc tiếp tục được củng cố; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh, hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tăng cường, đạt một số kết quả tích cực.

Tổng bí thư cũng nhấn mạnh một số chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội X đề ra chưa đạt được. Kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm, các cân đối vĩ mô chưa thật vững chắc; chế độ phân phối còn nhiều  bất hợp lý.

“Thể chế kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là điểm yếu cản trở sự phát triển. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chưa được phát huy đầy đủ. Một số mặt công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân chuyển biến chậm. Còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị - xã hội”, báo cáo nêu rõ.

Những hạn chế, yếu kém nói trên có nguyên nhân khách quan, nhưng chủ yếu do nguyên nhân chủ quan, Tổng bí thư nhấn mạnh.

“Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước trên một số lĩnh vực và một số vấn đề lớn chưa tập trung, kiên quyết, dứt điểm; kỷ  luật, kỷ cương không nghiêm, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu”, Ban chấp hành trung ương đánh giá.

Chiều nay, các đại biểu thảo luận tại đoàn về các văn kiện  Đại hội. VnEconomy sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin mới nhất.