13:49 30/10/2010

Góp ý văn kiện Đại hội XI: Cần khẳng định “phát triển bền vững”

TS. Trần Văn

Trọn ngày thứ Năm (28/10) vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã tập trung góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XI của Đảng

TS. Trần Văn góp ý kiến về dự thảo văn kiện Đại hội XI của Đảng.
TS. Trần Văn góp ý kiến về dự thảo văn kiện Đại hội XI của Đảng.
Tiếp tục chương trình của kỳ họp Quốc hội thứ tám, trọn ngày thứ Năm (28/10) vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã tập trung góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XI của Đảng. Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm, góp ý là xây dựng Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiên đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. VnEconomy xin giới thiệu ý kiến đóng góp của TS. Trần Văn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau về nội dung này.

Dự thảo cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) có ghi: “Từ nay đến khoảng giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiên đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.


Chỉ cần một lần 25 năm nữa

Nếu dựa theo những chỉ tiêu kinh tế, xã hội trong dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, phải đến năm 2020 nước ta mới ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp trong khối ASEAN, tính theo thu nhập bình quân đầu người, và phải đến khoảng năm 2030, chúng ta mới bằng Malaysia hiện nay. Trong khi các nhóm nước này vẫn tiếp tục phát triển và khoảng cách giữa ta với họ vẫn không thu hẹp được bao nhiêu.

Bên cạnh đó, nếu xét về mức độ tham gia chuỗi giá trị hàng hóa và dịch vụ toàn cầu, dự báo đến năm 2020 chúng ta vẫn chưa thể thoát khỏi công nghiệp gia công, lắp ráp thuần túy như hiện nay cho dù công nghiệp phụ trợ có góp phần tăng đáng kể tỷ lệ nội địa hóa.

Tuy nhiên, ở cấp độ tạo giá trị gia tăng cao hơn trong khâu lưu thông, tiêu thụ hàng hóa trên quy mô toàn cầu, cũng phải đến năm 2030 chúng ta mới tiếp cận được, đồng nghĩa với việc khi đó xuất hiện những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ “made in Việt Nam” với thương hiệu toàn cầu. Và tới khoảng năm 2040, chúng ta mới tiến tới làm chủ được khâu thiết kế sản phẩm, sáng tạo công nghệ kỹ thuật cao.  

Khi bắt đầu sự nghiệp “đổi mới” đến nay vừa tròn 25 năm, nước ta đã có những chuyển biến vượt bậc, thoát khỏi ngưỡng quốc gia nghèo, thu nhập thấp, bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình thấp. Nay, thế và lực của đất nước đã khác trước nhiều, xuất phát điểm cũng cao hơn, do đó việc xác định cần tới 40 năm để trở thành “nước công nghiệp hiện đại”, bằng với các quốc gia Đông Á trong nhóm OECD hiện nay, phải chăng là do chúng ta chưa đánh giá hết các yếu tố tích cực và lợi thế so sánh của mình để rút ngắn con đường phát triển?

Các quốc gia Đông Á trong nhóm OECD hiện nay trước đó cũng chỉ cần khoảng trên 30 năm để đứng vào hàng ngũ các nước công nghiệp mới, trong khi nhiều yếu tố tích cực của ta hiện nay khi đó họ không có được. Từ những suy nghĩ như vậy, tôi thấy quãng thời gian khoảng 40 năm như đã được xác định trong dự thảo cương lĩnh quá dài. Chúng ta chỉ cần một lần 25 năm nữa như khoảng thời gian “đổi mới” đã qua. Chặng đường này dài hay ngắn phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực chủ quan của chúng ta.

Vì vậy, tôi đề nghị thay cụm từ: “Từ nay đến khoảng giữa thế kỷ XXI…” thành “Trong nửa đầu thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Cần khẳng định “phát triển bền vững”

Việc đặt “con người là trung tâm của chiến lược phát triển” trong dự thảo cương lĩnh chính trị là bước đi mạnh mẽ, định hướng phát triển đất nước bền vững theo lý thuyết tam giác phát triển bền vững, với ba đỉnh là kinh tế, xã hội và môi trường, mà tâm điểm của tam giác chính là chất lượng cuộc sống của con người.

Văn kiện của Đảng cũng đã chỉ ra yêu cầu “đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn như: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ...”.

Đây cũng chính là quan điểm, định hướng và mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Tuy nhiên, khác với dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, mà trong phần viết về quan điểm phát triển, đã chỉ rõ “Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược”, dự thảo cương lĩnh đã không sử dụng cụm từ “phát triển bền vững”.

Tôi cho rằng ngay trong dự thảo cương lĩnh, chúng ta nên sử dụng cụm từ này, vì thực sự toàn bộ nội dung của dự thảo cương lĩnh đã làm sáng tỏ điều này, đồng thời cũng là để tạo sự thống nhất, đồng bộ, nhất quán các văn kiện của Đảng vì đây là quan điểm và mục tiêu phát triển lâu dài cho đất nước.

Chỉ rõ yêu cầu “đổi mới”

Tôi cho rằng trong quá trình “đổi mới” chúng ta đã có “khoán 100”, rồi “khoán 10” trong nông nghiệp, giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, làm cho nước ta từ một nước  nhập khẩu lương thực, trở thành một quốc gia không chỉ tự đảm bảo an ninh lương thực mà còn trở thành quốc gia đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu lương thực.

Bài học kinh nghiệm của 25 năm đổi mới là Đảng ta đã chọn được khâu đột phá để tập trung nguồn lực của đất nước giải quyết các vấn đề then chốt trong phát triển. Trong ba khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thì “cơ sở hạ tầng yếu kém” có lẽ là nan giải nhất cả về nguồn vốn, công nghệ và nguồn nhân lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Vậy tại sao chúng ta lại không thể có được những đột phá kiểu “khoán 100”, “khoán 10” trong chiến lược phát triển 10 năm tới để giải quyết bài toán nguồn vốn “xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn”?

Theo tôi, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 cần chỉ rõ yêu cầu “đổi mới” về cơ chế, chính sách, hình thức nhằm huy động mọi nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ngang tầm với “khoán 100”, “khoán 10” trước đây trong nông nghiệp thay vì chỉ nêu chung chung “Chính sách tài chính quốc gia phải động viên hợp lý, phân phối và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội”, hay “Bằng mọi hình thức đầu tư, khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài tham gia phát triển kết cấu hạ tầng”.

Ví dụ, đổi đất lấy hạ tầng; nhà nước cấp đất để tổ chức, cá nhân xây dựng các công trình hạ tầng, cơ sở, trụ sở cơ quan nhà nước và cho thuê lại trong thời hạn nhất định (theo hình thức BOT, BT, BO), hợp tác công - tư (PPP); khoán kinh phí hoạt động, nguồn thu cho các đơn vị hành chính, sự nghiệp trong điều kiện có thể để chủ động về tài chính để đầu tư, bổ sung sửa chữa cơ sở hạ tầng của mình; thay đổi từ nhận thức đến việc làm là không nhất thiết công việc của nhà nước phải do nhà nước làm trong xây dựng cơ sở hạ tầng…

Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ thực hiện được khâu đột phá quan trọng này, đồng thời giải quyết được bài toán vừa bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, vừa có thể tập trung ngân sách nhà nước cho các mục tiêu an sinh xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng.