Thêm cơ hội cho người lao động an cư lạc nghiệp
Nhiều lao động nhập cư từ tỉnh lên thành phố lập nghiệp, dù ở trọ đã lâu nhưng do thường xuyên chuyển chỗ nên không nơi nào cư trú đủ một năm trở lên. Vì vậy, khi Luật mới giảm bớt thủ tục, nhất là về nơi cư trú sẽ giúp người có nhu cầu thêm cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội…
Theo Luật Nhà ở năm 2014, người muốn mua, thuê mua nhà ở xã hội phải đáp ứng 3 điều kiện: nhà ở, cư trú, thu nhập. Tuy nhiên, Luật Nhà ở sửa đổi vừa được thông qua bỏ điều kiện cư trú, nghĩa là người dân muốn mua nhà loại này không cần có đăng ký thường trú, hoặc tạm trú từ một năm trở lên tại địa phương nơi có công trình. Thông tin trên khiến nhiều người phấn khởi vì gỡ được nút thắt bấy lâu.
NHU CẦU MUA NHÀ Ở XÃ HỘI TĂNG CAO
Chị Thu Hiền, công nhân điện tử khu công nghiệp ở TP. Hà Nội kể, năm 2021, chị từng làm hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội nhưng bất thành bởi không đáp ứng tiêu chí nơi cư trú. Hai vợ chồng chị vốn xuất phát là lao động nhập cư từ Nam Định lên Hà Nội lập nghiệp, dù nhiều năm đi ở trọ song lại thường xuyên chuyển chỗ nên không nơi nào cư trú đủ một năm trở lên. “Luật mới giảm bớt thủ tục không cần thiết sẽ giúp người có nhu cầu như tôi thêm cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội”, chị Hiền chia sẻ.
Theo chị, có một căn chung cư Hà Nội là ước mơ của cả gia đình, bởi ròng rã những năm qua vì mưu sinh, anh chị phải gửi con cho ông bà. Nay các con chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học, chị luôn mơ ước về một căn nhà ở xã hội đủ rộng để đón con lên ở cùng, cũng vừa tạo điều kiện cho con học tập tại Thủ đô. “Đối với tôi và nhiều người làm công nhân, chúng tôi chưa bao giờ mơ đến nhà ở thương mại. Các căn hộ này giá quá cao so thu nhập. Chúng tôi chỉ cần một mái ấm bình thường, những căn chung cư bình dân, nhà ở xã hội và được hưởng chính sách ưu đãi lãi suất từ Nhà nước. Bởi đè nặng lên vai khi mua nhà không chỉ tiền lãi, gốc ngân hàng mà còn cơm áo, gạo tiền của các con”, chị Hiền giãi bày.
Tương tự, anh Vũ Tuấn quê Hải Dương đang làm việc ở Hà Nội cũng vướng điều kiện cư trú nên hụt suất mua nhà ở xã hội. Anh cho biết, vợ chồng thuê trọ được hơn 5 năm, đến khi đăng ký mua nhà ở xã hội thì giấy tạm trú sắp hết hạn. Mặc dù rất khẩn trương hoàn tất nhưng gặp trục trặc nên giấy tạm trú không kịp gia hạn theo quy định, phải đăng ký lại từ đầu. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ ý định mua nhà ở xã hội, do đó, vô cùng phấn khởi khi nghe điều kiện này bị bãi bỏ.
Anh Tuấn nhận xét, gia đình anh còn may mắn vì trước khi Luật Nhà ở sửa đổi thông qua, bạn anh chỉ vì không thể xác nhận cư trú đã mua lại nhà ở xã hội của người khác với số tiền chênh không nhỏ. “Sau nhiều năm thuê trọ, bạn tôi có tích góp một khoản và muốn mua nhà ở xã hội ở Hà Nội để an cư lạc nghiệp. Nhưng không đáp ứng điều kiện cư trú nên không mua được, dù gia đình thuộc trường hợp dưới mức chịu thuế thu nhập cá nhân. Cuối cùng, trước nhu cầu quá bức thiết, đành "cắn răng" mua lại từ người khác, chênh lệch khoảng 50 triệu đồng/căn-một khoản tiền không dễ kiếm với người thu nhập thấp”, anh Tuấn nói.
KHÔNG PHÙ HỢP VỚI TÌNH HÌNH MỚI
Bộ Xây dựng cho biết, ngay tại Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách, nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp, Bộ đã nhấn mạnh, việc quy định điều kiện cư trú phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này, để đảm bảo nguồn lực hỗ trợ của các địa phương có dự án nhà ở xã hội chăm lo nhà ở cho người dân, người lao động làm việc trên địa bàn, đã không còn phù hợp trong tình hình mới.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, nhận xét quy định cũ về điều kiện cư trú làm khó người dân và không phù hợp với Luật Cư trú, làm phát sinh thủ tục không cần thiết. Theo ông, Luật Nhà ở 2023 bỏ quy định này là hợp lý khi thực tế luôn có sự dịch chuyển và thu hút lao động giữa các vùng miền, địa phương. Qua đó, giúp người dân, đặc biệt là công nhân mua được nhà nhằm an cư và gắn bó cùng doanh nghiệp.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, trước đây, các đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội cần đảm bảo đủ 3 điều kiện và được cơ quan có thẩm quyền thẩm định về đối tượng, điều kiện… Điều này dẫn đến người dân lẫn chính quyền phải thực hiện nhiều thủ tục, giấy tờ, gây khó khăn trong công tác xác nhận các điều kiện.
Giảm bớt yêu cầu khi mua nhà ở xã hội là cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu đối với nhà ở xã hội, có thể tiếp cận dễ dàng hơn việc mua nhà. Đặc biệt khi Luật Cư trú hiện nay bỏ quy định về sổ hộ khẩu, chúng ta cũng phải dần thích ứng. Nếu thỏa mãn tiêu chí chưa có nhà ở và thu nhập thì hoàn toàn chấp nhận được. Mặt khác, chúng ta thực hiện như thế, vô hình chung giấy tờ thủ tục sẽ văn minh hơn, đặc biệt trong điều kiện đang tích cực đẩy mạnh công nghệ số.
Dẫu vậy, chuyên gia lưu ý, cắt giảm thủ tục cần có phương án giúp hạn chế tình trạng nhà ở xã hội lọt vào tay đầu cơ. “Lâu nay, dù mua nhà ở xã hội khó ở đầu vào nhưng vẫn xuất hiện tình trạng bán không đúng đối tượng, thậm chí có tình trạng đầu cơ nhà ở xã hội. Do đó, giữa bối cảnh hiện nay, ngoài tạo sự thông thoáng, quan trọng nhất là hậu kiểm và buộc người mua cam kết đúng đối tượng, nếu sai sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm”, chuyên gia nhấn mạnh.