Thị trường cà phê đặc sản có “đất phát”, giá bán lên cả triệu đồng/kg
Sản phẩm đoạt giải nhất tại Vietnam Amazing Cup 2024 là Arabica Natural Pun Coffee trồng tại Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), đã trúng được giá cao nhất 1,2 triệu đồng/kg tại phiên đấu giá cà phê đặc sản ngon nhất Việt Nam năm 2024. Qua phiên đấu giá, giá bán cà phê đặc sản đã được nâng lên gấp 5 - 7 lần so với giá cà phê thông thường, khẳng định giá trị rất lớn của cà phê đặc sản Việt Nam…
Công ty Simexco Đắk Lắk và Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột vừa tổ chức Phiên đấu giá cà phê đặc sản ngon nhất Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 tại Hà Nội. Đây là những lô cà phê đặc biệt được chọn lọc kỹ từ cuộc thi Vietnam Amazing Cup 2024, gồm 9 lô cà phê Robusta và 6 lô cà phê Arabica.
Theo Ban tổ chức, mỗi đơn vị có cà phê đấu giá sẽ mang đến thông điệp riêng từ nông trại, từ việc nâng cao giá trị cà phê Việt Nam lan tỏa những ly cà phê ngon nhất đến người tiêu dùng.
GIÁ CAO NHẤT LÊN ĐẾN 1,2 TRIỆU ĐỒNG/KG CÀ PHÊ
Phiên đấu giá thu hút được hàng ngàn lượt khách tham gia (là nhà rang xay, nhà pha chế, người tiêu dùng…) trong nước và quốc tế. Trong phiên đấu giá này, lần đầu tiên, cà phê đặc sản có buổi livestream đấu giá trực tiếp tại Tiktok. Phiên livestream đã tiếp cận 1,7 triệu người, trong đó có 20.000 người vào xem trực tiếp, 1 người chốt đấu giá thành công qua kênh online.
Kết quả, sản phẩm cà phê Robusta Natural của Công ty Nông nghiệp thực phẩm hữu cơ Việt Nam (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), giá khởi điểm được đưa ra tại phiên đấu giá là 250.000 đồng và được khách hàng trả với giá cao nhất là 720.000 đồng/kg. Đây là giá cao nhất trong các lô cà phê Robusta đem đấu giá.
"Các sản phẩm đấu giá có giá khởi điểm thấp nhất là 180.000 đồng/kg và cao nhất là 360.000 đồng/kg. Kết quả giá trúng cao nhất là 1,2 triệu đồng/kg với dòng Arabica và 720.000 đồng/kg với dòng Robusta".
Theo Ban tổ chức Phiên đấu giá cà phê đặc sản ngon nhất Việt Nam năm 2024
Đặc biệt, lô cà phê Arabica của Công ty TNHH Pun Coffee, được trồng ở đồi Pun, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị có giá khởi điểm 350.000 đồng/kg và đã được một khách hàng trả giá lên đến 1,2 triệu đồng/kg (lô 30kg) - cao nhất trong các lô cà phê Arabica tại phiên đấu giá. Đây là cà phê ở vùng trồng có độ cao trung bình 580 m. Được biết, loại cà phê này có các hương vị cay (bạc hà, gừng, hạt ngò, quế), vị cam chanh, quả hạch (mơ, mận), trái cây nhiệt đới (mít, ổi, chuối, xoài, chanh dây, dứa), vị quả mọng (phúc bồn tử, dâu đen), vị socola, hoa, rượu.
Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk, cho biết phiên đấu giá nhằm tôn vinh và quảng bá những sản phẩm cà phê chất lượng cao nhất từ các vùng trồng cà phê trên cả nước, bên cạnh đó kết nối trực tiếp nhà rang xay với các đơn vị sản xuất cà phê đặc sản, từ đó tạo động lực cho người trồng cà phê nâng cấp chất lượng sản phẩm.
"Những lô hàng này không chỉ là kết quả của quá trình lao động miệt mài của người nông dân mà còn là thành quả của sự sáng tạo và đam mê trong việc nâng tầm hương vị cà phê Việt", ông Huy nhấn mạnh.
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Mê Thuột chia sẻ, cà phê đặc sản tại Việt Nam mới phát triển khoảng 10 năm trở lại đây. Để sản xuất được cà phê đặc sản thì cần phải quan tâm đến người sản xuất ra loại cà phê này. Nhưng quan trọng hơn là khi đã sản xuất ra thì việc đưa ra thị trường sẽ như thế nào. Đó là sự kết nối với các nhà rang xay, nhà thương mại trong nước và trên thế giới.
"Đấu giá là hình thức nâng cao giá trị, danh tiếng của các vùng sản xuất cà phê đặc sản. Thường đấu giá với sản lượng không lớn, song giá rất cao, tăng 6-7 lần so với giá cà phê thông thường. Việc tham gia đấu giá vừa tăng giá trị vừa tăng uy tín của các chủ sở hữu, qua đó cũng giới thiệu với khách hàng quốc tế biết rằng Việt Nam có các lô hàng cà phê rất đặc sắc. Đây là động lực để người nông dân phát triển sản xuất cà phê đặc sản", ông Trịnh Đức Minh cho hay.
PHÁT TRIỂN CÀ PHÊ ĐẶC SẢN GIÁ TRỊ CAO
Trước đó, Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2024 - Vietnam Amazing Cup 2024 được thực hiện bởi Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của UBND tỉnh Đắk Lắk. Cuộc thi Cà phê đặc sản năm 2024 có sự góp mặt của 81 đơn vị tham gia, (tăng 72% so với Vietnam Amazing Cup lần thứ nhất - 2023), đến từ 8 tỉnh trồng cà phê trên cả nước với 144 mẫu/lô hàng dự thi (tăng 71% so với cuộc thi năm 2023), tổng sản lượng 255 tấn, tăng 40%, trong đó Robusta 168 tấn và Arabica 87 tấn.
Cuộc thi Cà phê đặc sản năm 2024 vẫn tuân thủ nguyên tắc đánh giá “mù” qua mã hóa, diễn ra hai vòng gồm sơ kết và chung kết, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá theo quy định của Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới (SCA) và Viện Chất lượng cà-phê quốc tế (CQI).
Kết quả cuộc thi, về cà phê Robusta, Công ty trách nhiệm hữu hạn nông nghiệp Thực phẩm hữu cơ Việt Nam, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đạt 84,82 điểm, đoạt giải Nhất; Phan Em Coffee, xã Cư DliêM’nông, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk đạt 84,79 điểm, đoạt giải Nhì; Công ty cổ phần The Espresso Farm, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đạt 84,5 điểm, đoạt giải Ba.
Về cà phê Arabica, Công ty trách nhiệm hữu hạn Pun Coffee, xã Hướng Phủng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đạt 85,29 điểm, đoạt giải Nhất; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Rẫy Rừng, xã Đắk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đạt 85,18 điểm, đoạt giải Nhì; Công ty trách nhiệm hữu hạn Pun Coffee, xã Hướng Phủng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đạt 85,14 điểm, đoạt giải Ba.
Nhằm góp phần phát triển thị trường cà phê đặc sản bền vững và minh bạch, ông Trịnh Đức Minh chia sẻ, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột đã cho ra đời Chi hội cà phê đặc sản vào năm 2019 nhằm hướng đến mục tiêu mang lại lợi ích công bằng và thỏa đáng cho các bên tham gia chuỗi giá trị cà phê đặc sản; không ngừng cải thiện chất lượng cà phê; góp phần nâng cao uy tín thương hiệu cà phê Việt Nam.
Đến nay qua qua 5 năm hoạt động, tuy tuổi đời còn rất non trẻ, nhưng Chi hội Cà phê đặc sản Buôn Ma Thuột đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó, đang phối hợp với dự án V-SCOPE và Công ty Simexco Đắk Lắk tổ chức nhiều chương trình tập huấn cho nông dân quy trình canh tác cà phê để cho sản phẩm chất lượng cao.
Ngoài ra, còn tập huấn, nâng cao kỹ thuật rang, xay và phê, nâng cao kỹ năng cảm quan và thử nếm cà phê. Trong một thời gian dài, ngành sản xuất cà phê chỉ phát triển dựa vào khai thác lao động và tài nguyên. Dự án V-SCOPE nhằm mục đích nâng cao sinh kế của các hộ sản xuất cà phê Việt Nam thông qua việc cải thiện thực hành canh tác và chuỗi giá trị cà phê bền vững.
Bằng các mô hình can thiệp thí điểm mang tính toàn diện nhằm cải thiện chuỗi giá trị, dự án thử nghiệm các lộ trình chuyển đổi từ sản xuất cà phê phân khúc thấp sang sản xuất cà phê chất lượng cao/cà phê đặc sản. Nhờ đó, đã nâng cao giá bán cà phê lên cao gấp nhiều lần so với sản xuất cà phê thông thường, nâng cao thu nhập cho nông dân trồng cà phê.