Thị trường chứng khoán sẽ ra sao nếu kinh tế Mỹ không suy thoái?
Có thể nói rằng cuộc suy thoái được nhiều người dự báo này là động lực lớn nhất cho thị trường chứng khoán trong năm 2023. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu kinh tế Mỹ không suy thoái?
Kể từ tháng 1 đến nay, từ “suy thoái” đã xuất hiện hơn 300.000 lần trên truyền thông tại Mỹ. Nhiều nhà phân tích tin chắc rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng suy thoái trong năm nay, đến nỗi đây được xem là cuộc suy thoái được dự báo nhiều nhất trong lịch sử.
Theo tờ Telegraph, có thể nói rằng dự báo về suy thoái là động lực lớn nhất cho thị trường chứng khoán trong năm 2023. Bởi giới đầu tư hi vọng rằng suy thoái kinh tế sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chấm dứt chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ và bắt đầu hạ lãi suất. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu kinh tế Mỹ không suy thoái?
Nếu xem xét kỹ hơn các chỉ báo làm cơ sở cho dự báo suy thoái kinh tế Mỹ mà giới phân tích đưa ra, có thể thấy đa số các dữ liệu đều là dữ liệu “mềm”.
Chỉ báo được nói đến nhiều nhất đến nay là sự đảo ngược của đường cong lợi suất. Điều này xảy ra khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm cao hơn lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm. Điều này đã xảy ra trong gần một năm và được nhiều người tin rằng là một chỉ báo sớm cho suy thoái kinh tế.
Trước đây, sự đảo ngược đường cong lợi suất là một dự báo chính xác về suy thoái. Tuy nhiên, vì chỉ số này đã rất thành công trong việc dự báo suy thoái, nên đây có thể là lời tiên tri tự ứng nghiệm. Bản thân sự đảo ngược đường cong lợi suất có thể thay đổi hành vi của nhà đầu tư và ảnh hưởng trực tiếp tới các dữ liệu mềm. Trong số các dữ liệu mềm còn có Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Mỹ của ISM (ISM Manufacturing PMI) - một chỉ số đã báo hiệu sự suy thoái trong lĩnh vực sản xuất từ tháng 10/2022. Tuy nhiên, chỉ số này thường phản ánh tâm lý nhiều hơn là thực tế.
Bên cạnh đó, theo Telegraph, nhiều chỉ báo thực tế khác (dữ liệu cứng) cho thấy nền kinh tế Mỹ hoàn toàn chưa rơi vào suy thoái. Trong mọi cuộc suy thoái kể từ sau Thế chiến thứ hai tại Mỹ hay Anh, tỷ lệ thất nghiệp đều ở mức trên 6%. Trong khi đó, tỷ lệ này trên thực tế đang thấp hơn nhiều so với mức đó.
Nhiều người lập luận rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên khi nền kinh tế bắt đầu suy thoái. Nhưng tình trạng tạo việc làm ở Mỹ - được đo lường bằng Bảng lương phi nông nghiệp (số lượng lao động được tuyển dụng bởi các công ty sản xuất, xây dựng và hàng hóa) - thường bắt đầu giảm tốc khoảng 12 tháng trước một cuộc suy thoái. Nhưng trên thực tế, điều này chưa hề xảy ra ở thời điểm hiện tại.
Theo Telegraph, nếu không xảy ra suy thoái tại Mỹ, các nhà đầu tư đang xem cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 như một cẩm nang đầu tư có thể sẽ thấy bối rối.
Thay vào đó, mọi thứ có thể sáng tỏ hơn nếu nhìn vào thời điểm cuối những năm 1990. Khi đó xảy ra nhiều bất ổn tài chính, giống như cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực ở Mỹ gần đây, với sự sụp đổ của Long-Term Capital Management (LTCM) - một trong những quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới thời điểm đó - và các ngân hàng bị thắt chặt điều kiện cho vay. Nỗi lo rằng bất ổn tài chính lan rộng và điều kiện cho vay bị siết hơn nữa sẽ kìm hãm tăng trưởng khiến Fed khi đó phải giảm lãi suất 3 lần.
Tuy nhiên, hiện tại, cuộc khủng hoảng ngân hàng đã được kiểm soát và các điều kiện cho vay bị thắt chặt cũng không kéo tụt tăng trưởng. Ở thời điểm này, Fed được dự báo sẽ không hạ lãi suất. Rất có thể sau cuộc khủng hoảng ngân hàng, Fed sẽ không tăng lãi suất mạnh như dự kiến hồi đầu năm, do lo ngại gây ra bất ổn tài chính hơn nữa và việc thắt chặn hơn nữa các tiêu chuẩn cho vay có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng.
Nếu đúng như vậy và không có cuộc suy thoái nào xảy ra, thì rủi ro là lãi suất ở Mỹ sẽ không đủ cao để kìm hãm lạm phát, khiến lạm phát cao ở Mỹ có thể kéo dài lâu hơn. Đây là một kịch bản xấu đối với thị trường chứng khoán, vì Fed có thể phải tăng lãi suất thêm, hoặc giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn.
Trong những giai đoạn lạm phát cao, các cổ phiếu chu kỳ - thường được gọi là cổ phiếu giá trị - như các mã dầu mỏ, khai khoáng và công nghiệp, ngân hàng - thường tăng giá, còn các cổ phiếu tăng trưởng như công nghệ thường có xu hướng giảm giá. Điều này có thể ảnh hưởng tới toàn bộ thị trường khi các chỉ số gồm những mã cổ phiếu chu kỳ (như FTSE 100) khởi sắc trong khi các chỉ số theo dõi cổ phiếu tăng trưởng (như Nasdaq) lao đao.
Dù năm ngoái thị trường đã chứng kiến sự dịch chuyển từ phong cách đầu tư tăng trưởng sang giá trị, nhưng nếu rủi ro suy thoái giảm đi thì xu hướng này có thể quay lại.
Theo nhận định của Telegraph, điều nghịch lý là yếu tố lớn nhất có thể thúc đẩy thị trường chứng khoán Anh - nhưng lại kìm hãm đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ - là việc kinh tế Mỹ không suy thoái.