09:00 25/08/2024

Thị trường tín chỉ carbon: Chưa có hệ sinh thái chính sách

Nguyệt Hà

Việt Nam dự kiến sẽ thí điểm thị trường carbon vào năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, sự chậm trễ ban hành các điều kiện, quy định để phát triển thị trường carbon đang khiến cho mục tiêu này có nguy cơ khó hoàn thành đúng thời hạn đề ra...

Thị trường tín chỉ carbon là yếu tố quan trọng để tiến tới Netzero
Thị trường tín chỉ carbon là yếu tố quan trọng để tiến tới Netzero

Tại Tọa đàm “Thị trường carbon – đường hướng đến Net Zero” do báo Đại biểu nhân dân tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đã chỉ ra những cái “thiếu” liên quan đến sự hình thành và phát triển của thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam.

TRIỂN VỌNG THỊ TRƯỜNG LỚN

Nhìn nhận về triển vọng phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn và Dịch vụ Đổi mới khí hậu KLINOVA Nguyễn Phương Nam cho biết theo đánh giá của quốc tế cũng như vị trí địa lý, Việt Nam có hai tiềm năng lớn.

Một là, Việt Nam nằm ở vùng nhiệt đới nên tiềm năng năng lượng tái tạo, sinh khối rất lớn, do đó tiềm năng hấp thụ carbon rất cao. Hai là, tiềm năng từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Còn theo thông tin từ GS. Hoàng Văn Sâm, Trường Đại học Lâm nghiệp, hiện tại quốc tế có nhiều cơ chế liên quan đến đăng kí tín chỉ carbon, đặc biệt là cơ chế thị trường tự nguyện.

Thống kê cho thấy thời gian qua Việt Nam đã tạo ra và bán được hơn 40 triệu tín chỉ carbon từ rừng. Việt Nam cũng tham gia những cơ chế như CAM, cơ chế tiêu chuẩn vàng (GS)… và một số hoạt động khác trong lĩnh vực lâm nghiệp, liên quan đến trồng rừng và tái trồng rừng. Với lợi thế về rừng (đặc biệt là rừng ngập mặn), nền sản xuất nông nghiệp... Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển thị trường carbon.

Riêng trong lĩnh vực lâm nghiệp, ông Trần Hiếu Minh, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết nhờ những nỗ lực bảo vệ, phát triển, khôi phục rừng, đến nay, diện tích và chất lượng rừng đã tăng lên đáng kể, với tỷ lệ che phủ đạt 42,02%.

Theo tính toán của Chương trình hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, tăng cường trữ lượng carbon và quản lý tài nguyên rừng bền vững của Việt Nam giai đoạn 2014 - 2018, tổng lượng giảm phát thải lĩnh vực lâm nghiệp tạo ra là gần 57 triệu tấn CO2.

“Triển khai Thỏa thuận chi trả giảm phát thải với Ngân hàng Thế giới (WB) cho 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, chúng tôi đã hoàn thành và chuyển giao cho WB 10,3 triệu tín chỉ, thu về 51,5 triệu USD cho 6 tỉnh này”, ông Trần Hiếu Minh cho biết đồng thời xác nhận nguồn thu từ giảm phát thải rất quan trọng, giúp tái đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng, tạo việc làm, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, góp phần thực hiện Net Zero.

Thị trường carbon được xem như cơ hội để thúc đẩy phát triển công nghệ ít carbon, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cả lãnh đạo về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế.

"Vận hành thị trường các bon hiệu quả không chỉ giúp tăng thu thập cho người trồng rừng, bảo vệ rừng mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Việc Việt Nam chúng ta cam kết đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050 cũng được nhìn nhận như một cơ hội vàng cho tăng trưởng xanh, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sang một mô hình kinh tế mới ít gây ô nhiễm hơn, không chỉ cải thiện vị thế cạnh tranh mà còn thu hút người tiêu dùng và nhà đầu tư, là cơ hội cho sự phát triển bền vững kinh tế công bằng xã hội"

HỆ SINH THÁI CHÍNH SÁCH “CHẬM” VÀ “THIẾU”

Đánh giá về cơ chế, chính sách cho phát triển thị trường carbon, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cho rằng Việt Nam đã có nhiều động thái từ rất sớm.

Theo đó, từ năm 2013, tại Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã nêu vấn đề này. Tiếp đến, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định “nghiên cứu, xây dựng chính sách thuế carbon thích hợp đối với việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch”…  

Về mặt pháp luật, từ năm 2014, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường đã có quy định phát triển thị trường carbon. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tiếp tục khẳng định, quy định cụ thể hơn về nội dung này. “Có thể nói, các chính sách đó đã bước đầu tạo ra khung khổ pháp lý để thúc đẩy phát triển thị trường carbon”, ông Thi bình luận.

Dù vậy, đại diện Cục Lâm nghiệp thừa nhận để phát triển thị trường tín chỉ carbon khung chính sách vẫn còn thiếu vắng rất nhiều quy định liên quan quyền sở hữu hay chuyển nhượng tín chỉ carbon, trao đổi thương mại, quản lý và sử dụng nguồn thu này.

Chia sẻ với băn khoăn về sự chậm trễ ban hành chính sách, bà Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cho rằng thị trường carbon là vấn đề mới, khó. Cũng chính bởi thế, cơ chế, chính sách hiện vẫn chưa hoàn chỉnh.

“Cần phải tạo hệ sinh thái, cơ sở pháp lý để doanh nghiệp hoạt động. Đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước", bà Nguyên nhấn mạnh, đồng thời mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành sớm hoàn thiện Đề án phát triển thị trường carbon; tiếp tục nghiên cứu, rà soát, xây dựng mới, sửa đổi văn bản cho phù hợp để bảo đảm mục tiêu đề ra.

Thừa nhận hiện chúng ta ban hành các chính sách pháp lý chậm, Cố vấn chiến lược Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu, Hội Nước sạch và Bảo vệ môi trường Việt Nam Phạm Hồng Quân nhận hy vọng đây là “chậm” nhưng “chắc”.

“Nhưng không được chậm quá. Phải làm sao những nguồn tài chính liên quan đến giảm phát thải giữ lại trong nước và không bị không để thất thoát khi tham gia vào cơ chế tín chỉ carbon”.

DOANH NGHIỆP SẴN SÀNG, CHỈ ĐỢI HÀNG LANG PHÁP LÝ

Kiểm kê khí nhà kính là bước khởi đầu để giúp các doanh nghiệp, tổ chức, quốc gia “đặt chân” vào thị trường tín chỉ carbon. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng (Ban IV) Bùi Thanh Minh, mặc dù Chính phủ đã có yêu cầu với danh mục cụ thể các doanh nghiệp phải kiểm kê khí nhà kính, song việc thực hiện vẫn gặp rất nhiều thách thức.

Nguyên nhân do doanh nghiệp không có thông tin; có thông tin nhưng đang chờ đợi xem đã có ai làm chưa; thông tin sai.

Cũng theo TS. Bùi Thanh Minh muốn có thị trường thì phải có hàng hóa, hàng hóa muốn trao đổi được phải có quyền sở hữu.

“Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là hiện nay, dù doanh nghiệp có hiểu biết, có nguồn lực và sẵn sàng đầu tư nhưng họ chưa dám tham gia bởi không rõ tín chỉ carbon thuộc quyền sở hữu của ai.

Chẳng hạn, trong ngành lúa, thì tín chỉ carbon đó thuộc về Nhà nước hay doanh nghiệp, hay nông dân? Khi họ không chắc chắn về quyền sở hữu thì sẽ không thể thực hiện. Vì thế, cần phải có hành lang pháp lý rõ ràng về quyền, trách nhiệm của từng bên,”

Đồng tình với đại diện Ban IV, ông Nguyễn Phương Nam cũng nói rằng doanh nghiệp muốn tham gia đầu tư tín chỉ carbon không chỉ “vướng” về tiền bạc mà cả về thông tin khi các văn bản chưa rõ ràng.

Theo ông Nam, tín chỉ carbon hay quyền carbon cần nhìn ở góc độ pháp luật, vì đây là tài sản vô hình và cần được pháp luật bảo vệ. Việc hình thành tài sản này phải được quy định trong pháp luật. Đó là tài sản của doanh nghiệp hay của người lao động, hay của pháp nhân thương mại, hay của từng cá nhân, pháp luật cần phải làm rõ.