06:55 10/05/2025

Kết nối tín dụng xanh, phát triển xanh hóa các khu công nghiệp

Ngô Anh Văn

Tốc độ tăng trưởng bình quân dư nợ “tín dụng xanh” giai đoạn 2017-2024 ở Việt Nam đạt trên 22%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chung cho nền kinh tế. Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, tỷ lệ tín dụng xanh trên tổng dư nợ tín dụng mới chiếm khoảng 4,6%, cho thấy tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chiều ngày 9/5/2025, tại Đà Nẵng, Thời báo Ngân hàng tổ chức Diễn đàn “Kết nối Tín dụng Xanh– Khu công nghiệp Xanh” với sự tham dự của hơn 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo các tỉnh; chuyên gia quốc tế và trong nước; đại diện tổ chức tín dụng và các khu công nghiệp…

Khai mạc diễn đàn, bà Lê Thị Thúy Sen, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng, khẳng định: Diễn đàn lần đầu tiên do Thời báo Ngân hàng tổ chức trên địa bàn Đà Nẵng. Việc lựa chọn Đà Nẵng làm nơi khởi đầu xuất phát từ thực tế đây là một trong những địa phương tiêu biểu trong nỗ lực xanh hóa các khu công nghiệp. Hiện nay, các vấn đề ô nhiễm môi trường, hệ sinh thái và khí hậu thay đổi đang ngày càng có những biểu hiện rõ nét và trở thành vấn đề nóng toàn cầu.

XÂY DỰNG MỘT KHU CÔNG NGHIỆP XANH ĐÒI HỎI NHỮNG KHOẢN ĐẦU TƯ KHÔNG NHỎ

Chủ đề "Kết nối Tín dụng Xanh- Khu công nghiệp Xanh" đã được lựa chọn cho diễn đàn lần này. Đây là một chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước trong mục tiêu phát triển kinh tế xanh.

“Chúng ta liên tục nghe thấy cụm từ "xanh" trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế xanh, chuyển đổi xanh đến tín dụng xanh,... tất cả đều hướng tới mục tiêu tối thượng là bảo vệ môi trường và thực hiện cam kết của Chính phủ tại COP 26 về giảm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero). Một trong những nhiệm vụ cấp bách mà chúng ta đang đối mặt là bảo vệ môi trường sống, hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải đầy thách thức này”, bà Sen nhấn mạnh.

Bà Sen mong muốn, Diễn đàn sẽ là nơi tập hợp những ý kiến tâm huyết của các nhà quản lý, các chuyên gia, các đại diện doanh nghiệp; cùng nhau trao đổi, thảo luận những cơ hội, thách thức, cũng như các giải pháp tài chính và chính sách để thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả giữa các tổ chức tín dụng và các khu công nghiệp trong hành trình xanh; thúc đẩy quá trình “xanh hóa” các khu công nghiệp một cách tiết kiệm và bền vững. 

 
Bà Lê Thị Thúy Sen, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng.
Bà Lê Thị Thúy Sen, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng.

Để xây dựng một khu công nghiệp xanh đòi hỏi những khoản đầu tư không nhỏ vào hạ tầng đồng bộ, hệ thống vận chuyển thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, các giải pháp xử lý, thu gom và tái chế chất thải tiên tiến, cùng chương trình quản lý và vận hành xanh...

Việt Nam qua hơn 30 năm từ khi phát triển khu công nghiệp cho thấy nhiều vấn đề tồn tại trong quá trình phát triển, quy hoạch và hiệu quả trên các mặt kinh tế, xã hội, môi trường của các khu công nghiệp.

Bà Sen cho biết từ năm 2014 một số tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Cần  Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai... đã có chủ trương chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp xanh. 

Đến nay đã có nhiều khu công nghiệp tham gia và triển khai thành công. Trong số 290 khu công nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, có khoảng 1-2% đang thực hiện các bước trở thành khu công nghiệp sinh thái, xanh và con số này vẫn tiếp tục tăng lên.

Riêng tại Đà Nẵng, hiện có 6 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.100 ha. Đà Nẵng đang xây dựng tăng trưởng xanh tại các khu công nghiệp, thí điểm chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 2- 3 khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chuẩn quốc gia.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã chuyển đổi sang các mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn, cải tiến quy trình quản lý và vận hành, đổi mới công nghệ sản xuất để giảm nguồn gây ô nhiễm, thực hiện cộng sinh công nghiệp...

Tuy nhiên, theo bà Sen, để xây dựng một khu công nghiệp xanh đòi hỏi những khoản đầu tư không nhỏ vào hạ tầng đồng bộ, hệ thống vận chuyển thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, các giải pháp xử lý, thu gom và tái chế chất thải tiên tiến, cùng các chương trình quản lý và vận hành xanh... Đây là những khoản đầu tư chiến lược, mang tầm nhìn dài hạn, đặt ra không ít thách thức về tài chính cho các doanh nghiệp tiên phong.

TÍN DỤNG XANH TẠI VIỆT NAM VẪN CÒN KHIÊM TỐN SO VỚI TIỀM NĂNG

Để hỗ trợ các khu công nghiệp trong quá trình xanh hóa, thời gian qua, với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, ngành ngân hàng đang tích cực thúc đẩy tín dụng xanh để các khu công nghiệp có thêm nguồn lực nâng cao, cải tiến công nghệ, chuyển đổi sản xuất xanh bền vững.

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, tín dụng xanh tại Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi, cơ hội để phát triển, nhờ có các định hướng, quy định rất rõ ràng. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hàng loạt chính sách và văn bản hướng dẫn nhằm khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của tín dụng xanh.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước còn tích cực hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế để xây dựng danh mục 12 lĩnh vực xanh ưu tiên, tạo ra một khung tham chiếu rõ ràng cho các hoạt động tín dụng xanh… 

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát  biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Ngô Anh Văn
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát  biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Ngô Anh Văn

Phó Thống đốc thông tin, từ chỗ chỉ có 15 tổ chức tín dụng tham gia năm 2017, đến nay đã có 50 đơn vị phát sinh dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân dư nợ “tín dụng xanh” giai đoạn 2017-2024 đạt trên 22%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chung cho nền kinh tế.

Đáng chú ý, một số ngân hàng còn chủ động nghiên cứu, cập nhật các chuẩn mực tiên tiến của quốc tế về tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường – xã hội và rủi ro khí hậu, từng bước tiệm cận với các thông lệ tốt nhất trên thế giới. 

Tuy nhiên tỷ lệ tín dụng xanh trên tổng dư nợ tín dụng mới chiếm khoảng 4,6%, cho thấy tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng. Việc thúc đẩy tín dụng xanh hỗ trợ sự hình thành và nhân rộng các khu công nghiệp xanh vẫn còn đối diện với không ít thách thức do các điều kiện để được công nhận là khu công nghiệp xanh hiện nay chưa được hướng dẫn cụ thể.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia đánh giá tình hình triển khai các mô hình khu công nghiệp xanh hiện nay, chỉ ra những thành công và thách thức. Các chuyên gia cũng đánh giá toàn diện về tình hình triển khai tín dụng xanh cho khu công nghiệp xanh tại Việt Nam thời gian qua; nhận diện những điểm nghẽn và khuyến nghị giải pháp phát triển các khu công nghiệp xanh, thúc đẩy tín dụng xanh...

Các  đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh Ngô Anh Văn
Các  đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh Ngô Anh Văn

Các chuyên gia đều nhận thức rõ rằng các khu công nghiệp hiện nay đang là một trong những nguồn phát thải lớn, gây ra những tác động không nhỏ đến môi trường. Do đó, việc xanh hóa các khu công nghiệp không chỉ là một giải pháp mà còn là một hành động thiết thực, góp phần bảo vệ môi trường, hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Về phía ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng đã và đang không ngừng đẩy mạnh hoạt động tín dụng xanh. Đây là một nỗ lực, thể hiện sự chung tay của ngành ngân hàng trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ môi trường và mục tiêu giảm phát thải ròng về 0.

Lãnh đạo BIDV cho rằng thách thức lớn nhất mà nhiều doanh nghiệp gặp phải trong tiến trình chuyển đổi là gánh nặng chi phí đầu tư xanh và hạn chế trong tiếp cận các nguồn tài chính phù hợp.

Tài chính xanh, với vai trò là nền tảng hỗ trợ thiết yếu, sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua rào cản này thông qua các nguồn vốn trung dài hạn ưu đãi, mở ra cơ hội đầu tư vào các dự án phát triển bền vững.

Ngân hàng, với vai trò trung tâm của hệ sinh thái tài chính xanh, không chỉ cung cấp nguồn vốn mà còn tạo lập mối liên kết chặt chẽ, đồng hành cùng doanh nghiệp trên hành trình hướng tới một tương lai bền vững.

Là ngân hàng tiên phong trong tài chính xanh, hiện BIDV đã triển khai ba định hướng chiến lược trọng yếu: Chuyển đổi toàn diện và tinh giản quy trình; phát triển bền vững và thực hành ESG (môi trường, xã hội và quản trị); đổi mới sáng tạo và xây dựng hệ sinh thái số.

Lộ trình ESG được BIDV thực hiện từ năm 2018, với việc xây dựng định hướng tín dụng xanh và tiên phong áp dụng Khung quản lý rủi ro môi trường - xã hội. Khung quản lý này được phát triển dựa trên Chỉ thị số 03/CT-NHNN và các khuyến nghị quốc tế, nhằm đảm bảo các dự án và khách hàng tiếp cận nguồn vốn quốc tế đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn về ESG.

Phát triển tín dụng xanh không chỉ là một chiến lược kinh doanh mà còn là sứ mệnh chính trị cao cả của ngành ngân hàng, thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội và môi trường.

Thông qua các sản phẩm tài chính xanh và sáng kiến bảo vệ môi trường, các chuyên gia tin tưởng với sự nỗ lực chung của doanh nghiệp và các đối tác trong hệ sinh thái tài chính sẽ cùng tạo dựng một tương lai phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên.