11:49 12/03/2024

Lựa chọn quy mô phù hợp để vận hành thí điểm thị trường carbon

Song Hà

Thị trường carbon tại Việt Nam sẽ vận hành thí điểm vào năm 2025 và chính thức vào năm 2028. Thời gian không còn nhiều, trong khi cơ chế chính sách chi tiết cho vấn đề này cũng như sự chuẩn bị sẵn sàng của doanh nghiệp hiện vẫn còn chưa “sôi động”. Theo các chuyên gia, để cơ chế này hoạt động có hiệu quả, cần quyết tâm chính trị và sự tham gia tích cực của nhiều bên...

Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) chính thức vận hành vào năm 2028.
Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) chính thức vận hành vào năm 2028.

Theo khảo sát 537 doanh nghiệp trong lĩnh vực công thương, xây dựng, xử lý chất thải và giao thông trên cả nước, có phát thải ước tính trên 10.000 tấn CO2 tương đương của Công ty cổ phần Tư vấn năng lượng và môi trường (VNEEC), số doanh nghiệp đã thực hiện kiểm khí nhà kính mới chiếm trên 35%, 57,38% doanh nghiệp đang chuẩn bị xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính, gần 28% đã có kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính.

Điều đáng nói, trên 50% doanh nghiệp có nghe qua về Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) và thị trường carbon nhưng không biết về nguyên tắc hoạt động cơ bản; một số ít không biết về ETS và thị trường carbon; chỉ có 1,27% doanh nghiệp hiểu cách ETS và thị trường carbon hoạt động.

ÁP DỤNG DỮ LIỆU LỊCH SỬ CHO GIAI ĐOẠN THÍ ĐIỂM

Bà Đặng Hồng Hạnh, Trưởng nhóm, Chuyên gia về chính sách biến đổi khí hậu, Đồng sáng lập VNEEC, cho biết thị trường carbon Việt Nam đã được quy định trong các văn bản pháp lý, như: Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra khung pháp lý cơ bản cho việc hình thành thị trường carbon và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn (năm 2022), Quy định chi tiết Điều 91 “Giảm phát thải khí nhà kính, và Điều 139 “Hình thành và phát triển thị trường carbon” của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Ngoài ra, Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (năm 2022), danh sách đối tượng tham gia vào thị trường carbon theo Điều 5 khoản 1 của Nghị định số 06, Quyết định này sẽ được cập nhật 2 năm một lần. Hiện nay, danh sách có 1.912 doanh nghiệp có nghĩa vụ phải báo cáo về kiểm kê khí nhà kính, nhưng sang năm 2024 lên gần 3.000 cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Chúng ta cũng đã có những công cụ quản lý giảm phát thải khí nhà kính là công cụ định giá carbon ETS thí điểm 2025 – 2027 và cơ chế tín chỉ, thí điểm 2025 - 2027) và công cụ phi thị trường (quy định kiểm soát phát thải trực tiếp; hỗ trợ công nghệ, tài chính, tăng cường năng lực).

Theo quy định, lộ trình phát triển thị trường carbon tại Việt Nam: từ 2021-2024 là giai đoạn chuẩn bị, 2025-2027 là thực hiện thí điểm – thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, từ năm 2028 sẽ vận hành đầy đủ thị trường carbon.

Ba đối tượng chính tham gia thị trường carbon ở Việt Nam là: (i) tổ chức tham gia thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước (tự nguyện); (ii) cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính, như: nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp, công ty vận tải hàng hóa, tòa nhà thương mại… có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hàng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương trở lên, cơ sở xử lý chất thải rắn công suất từ 65 ngàn tấn trở lên; (iii) tổ chức cá nhân khác liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Để thực hiện hiệu quả và đúng lộ trình, bà Đặng Hồng Hạnh đề xuất: năm 2024 lựa chọn phương án cho giai đoạn thí điểm và thiết kế ETS, đồng thời ban hành các văn bản pháp luật cho giai đoạn thí điểm và thiết kế ETS đầy đủ, trong đó bao gồm xác định hạn mức và phân bổ hạn ngạch phát thải.

Sang năm 2025, thực hiện hoạt động thí điểm, chuẩn bị các thiết kế cho ETS đầy đủ; ban hành bổ sung các văn bản pháp luật cho giai đoạn thí điểm và thiết kế ETS đầy đủ. Năm 2026-2027, thực hiện hoạt động thí điểm, chuẩn bị các thiết kế cho ETS đầy đủ; ban hành bổ sung các văn bản pháp luật cho giai đoạn thí điểm và thiết kế ETS đầy đủ. Năm 2028, vận hành ETS đầy đủ.

Để thành công, theo bà Hạnh, điều quan trọng là cơ sở dữ liệu quốc gia phải bao gồm dữ liệu kiểm kê của các cấp - chỉ khi có được những dữ liệu này chúng ta mới phân bổ được hạn ngạch. Hiện nay trong Nghị định 06 quy định phương pháp phân bổ hạn ngạch dựa trên phát thải trung bình của ngành, nhưng khi tham vấn ngành thép của Hàn Quốc hay EU, họ mất 7 năm để ra được dữ liệu kiểm kê của ngành thép.

Vì thế, các chuyên gia khuyến nghị trước tiên nên áp dụng dữ liệu lịch sử cho giai đoạn thí điểm; đồng thời, xác định đúng quy trình phân bổ hạn ngạch. Theo bà Hạnh, cơ sở dữ liệu phát thải khí nhà kính của 3 cấp (doanh nghiệp, địa phương, bộ ngành) đóng vai trò vô cùng quan trọng, vì nếu không biết ngành của chúng ta ở đâu thì không thể phân bổ hạn ngạch chính xác cho doanh nghiệp, không có cơ sở để phân bổ cho doanh nghiệp.

DOANH NGHIỆP CẦN CÓ KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CỤ THỂ

Liên quan tới việc điều phối hoạt động và ổn định thị trường carbon, bà Hạnh cho rằng cần xác định biện pháp can thiệp điều phối ổn định thị trường là gì, tình huống nào sẽ có can thiệp? Như Hàn Quốc ban đầu không can thiệp, nhưng khi mức giá cao hoặc thấp quá trong quá trình vận hành thị trường bắt buộc phải can thiệp bằng việc điều chỉnh chính sách.

Nhóm tư vấn VNEEC cho rằng thời gian từ nay đến thí điểm (năm 2025) rất ngắn, trong khi các nước có thời gian thí điểm từ 3-6 năm. Vì vậy, đòi hỏi quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam, cần các văn bản chi tiết hơn nữa cũng như sự tham gia tích cực của nhiều bên. Chúng ta cần làm song song nhiều nhiệm vụ và chọn lựa quy mô thí điểm phù hợp. Đặc biệt, vấn đề ETS có rất nhiều yêu cầu kỹ thuật và quản trị mới, vì thế cần đào tạo nguồn lực và ban hành nhiều văn bản pháp quy, các hướng dẫn thực hiện trong năm 2024, đây là nhiệm vụ rất nặng nề.

Đối với ETS, thách thức nhất là khó vận hành khi chưa có đủ cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp phát thải lớn (hạn báo cáo lần đầu tháng 3/2025). “Chúng ta cần thí điểm ở quy mô khả thi nhất, như Thái Lan bắt đầu với 7 doanh nghiệp, Indonesia với 32 doanh nghiệp, trong đó 75% là doanh nghiệp trong lĩnh vực điện năng”, bà Hạnh gợi ý; đồng thời, bà nhấn mạnh, thị trường carbon biến động rất lớn, vì vậy cần chính sách linh hoạt, điều chỉnh liên tục.

Nhìn dưới góc độ doanh nghiệp, ông Björn Fondén, Hiệp hội Giao dịch phát thải quốc tế (IETA), cho rằng lợi ích với doanh nghiệp là: được tham gia vào thị trường carbon trong nước và quốc tế, có thể mang lại doanh thu bổ sung; giúp thu hút nguồn vốn đầu tư xanh, nâng vị thế cạnh tranh từ hoạt động sáng tạo sản phẩm công nghệ tiên tiến...; tăng khả năng đổi mới công nghệ, thâm nhập thị trường mới; giảm rủi ro tài chính và hoạt động sản xuất – kinh doanh…

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 11-2024 phát hành ngày 11/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Lựa chọn quy mô phù hợp để vận hành thí điểm thị trường carbon - Ảnh 1