10:00 11/04/2024

Dự kiến sau năm 2027 sẽ vận hành chính thức thị trường carbon

Đỗ Mến

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết dự kiến từ 2025 có thể thực hiện thí điểm và sau năm 2027 sẽ vận hành chính thức thị trường carbon...

Ông Tăng Thế Cường phát biểu tại phiên thảo luận chiều 10/4. Ảnh: Việt Dũng.
Ông Tăng Thế Cường phát biểu tại phiên thảo luận chiều 10/4. Ảnh: Việt Dũng.

Chiều 10/4, Diễn đàn Nhịp cầu phát triển lần thứ tư, năm 2024 với chủ đề “Tiến trình Việt Nam phát triển kinh tế xanh và bền vững: Từ chính sách của Chính phủ tới các sáng kiến, giải pháp của địa phương và doanh nghiệp” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao và UBND TP. Hải Phòng được tổ chức tại Hải Phòng.

Tại phiên thảo luận về các nỗ lực thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề cập đến vai trò quản lý của nhà nước và những việc doanh nghiệp cần làm để tham gia thị trường tín chỉ carbon.

Theo ông Cường, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà có bài phát biểu nêu bật vấn đề Việt Nam đã tham gia các điều ước quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu.

Thể chế hóa Nghị quyết 04/2013, Luật bảo vệ môi trường năm 2020 thể hiện rõ tư tưởng chuyển từ “nâu” sang “xanh”. Các tiêu chuẩn môi trường cùng với công tác ứng phó khí hậu đã được đưa vào luật, trong đó có Nghị định 06/2022/TT-CP ngày 7/1/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn và các quy định liên quan. Việt Nam cũng phải thực hiện cam kết của COP26. Hiện nay, có trên 150 quốc gia tuyên bố đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và Việt Nam không nằm ngoài cuộc.

“Con đường chúng ta đã lựa chọn là như vậy. Chúng ta phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính. Những việc này phải xuất phát từ khối doanh nghiệp và các hoạt động sản xuất của người dân", ông Cường cho biết.

Diễn đàn Vietnam Connect 2024 đã ghi nhận những ý kiến thảo luận, trao đổi vào các vấn đề trọng tâm, cấp bách về hoạt động chuyển đổi xanh của các địa phương, doanh nghiệp. Ảnh: Việt Dũng.
Diễn đàn Vietnam Connect 2024 đã ghi nhận những ý kiến thảo luận, trao đổi vào các vấn đề trọng tâm, cấp bách về hoạt động chuyển đổi xanh của các địa phương, doanh nghiệp. Ảnh: Việt Dũng.

Theo Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, trên cơ sở đó, hiện nay, theo Nghị định 06 và Luật Bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục lĩnh vực, các cơ sở thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Chúng ta thực hiện kiểm kê và có kế hoạch giảm phát thải; từ đó, có hạn ngạch để trao đổi trên thị trường carbon.

Đối với thị trường tự nguyện, các doanh nghiệp đã tạo tín chỉ như là tín chỉ rừng, tín chỉ từ năng lượng tái tạo hay tín chỉ giảm phát thải như đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao. Việt Nam có rất nhiều nguồn tạo tín chỉ trên các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Từ những năm 1990 đến nay, Việt Nam đứng thứ 5 của các nước trên thế giới trao đổi các dự án theo cơ chế phát triển sạch. Thông qua các dự án này, Việt Nam có 41 triệu tín chỉ. Và hiện nay có doanh nghiệp đã trao đổi tín chỉ quốc tế.

“Trên thị trường tự nguyện, chúng ta đã có tín chỉ từ hoạt động năng lượng tái tạo, chuyển đổi kể cả tín chỉ carbon và có giao dịch. Theo Điều 6 Thỏa thuận Paris, một số quốc gia, các đối tác quốc tế muốn ký với Việt Nam để trao đổi tín chỉ carbon. Theo Thỏa thuận Paris, hiện nay, chúng ta phải thực hiện các mục tiêu giảm phát thải quốc gia. Những vấn đề này đòi hỏi phải có cơ chế quốc tế. Quốc tế đã và đang có hướng dẫn đầy đủ nội dung Thỏa thuận Paris”, ông Cường cho biết thêm.

Theo ông Tăng Thế Cường, Việt Nam chưa có thị trường hạn ngạch carbon. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường và các bộ, ngành đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát triển thị trường carbon.

Đề án này quy định đầy đủ tất cả vấn đề cần thiết để Việt Nam có thể triển khai sớm nhất, dự kiến từ 2025 có thể thực hiện thí điểm và sau năm 2027 sẽ vận hành chính thức thị trường này. Tất nhiên điều này phải đòi hỏi sự cố gắng bởi vì các nước đã thực hiện trong cả một quá trình và có lịch sử lâu đời.

Xuất phát từ việc lấy tín chỉ carbon, nhu cầu trao đổi tín chỉ carbon quốc tế, nhu cầu thiết yếu của việc phát triển thị trường carbon để các doanh nghiệp trong nước trao đổi với nhau, Bộ Tài nguyên Môi trường đang rà soát, sửa đổi Nghị định 06 nhằm đưa vào các quy định mới về quản lý tín chỉ carbon và phát triển thị trường carbon.

Bộ Tài nguyên Môi trường đã đăng tải dự thảo trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương trên cả nước.