22:12 17/08/2021

Thực hiện cải cách tiền lương và loại bỏ các cơ chế đặc thù từ 1/7/2022

Quang Trung

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, hiện nay, việc thực hiện cải cách tiền lương đã được khẳng định là từ thời điểm 1/7/2022, trong đó có hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm và cơ cấu tiền lương mới...

Phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV chiều 17/8 - Ảnh: Quochoi.vn
Phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV chiều 17/8 - Ảnh: Quochoi.vn

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ hai, chiều 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến và biểu quyết thông qua Nghị quyết ban hành về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022.

Trình bày tờ trình của Chính phủ về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết tỷ lệ điều chỉnh định mức phân bổ theo tiêu chí dân số các lĩnh vực năm 2022, dự kiến mức tăng chung là 50% so với năm 2017. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường, mức tăng này là khá lớn, đặc biệt trong bối cảnh cần phải cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình của Chính phủ - Ảnh: VGP
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình của Chính phủ - Ảnh: VGP

Các ý kiến tại phiên họp cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh và tình hình kinh tế hiện nay cần đánh giá kỹ về khả năng đáp ứng của nguồn lực ngân sách Nhà nước, cũng như khả năng bảo đảm mục tiêu phấn đấu giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60% như Kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm đã đặt ra. Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cân nhắc các khả năng thắt chặt chi tiêu, điều chỉnh giảm thêm tỷ lệ này ở các lĩnh vực khác để có nguồn thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác.

Bên cạnh đó, các ý kiến tại phiên họp chỉ ra rằng tờ trình của Chính phủ chưa thấy tính toán đến việc thực hiện cải cách tiền lương, tiêu chí định mức phân bổ ảnh hưởng như thế nào đến tỉ lệ phân chia ngân sách.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, hiện nay, việc thực hiện cải cách tiền lương đã được khẳng định là từ thời điểm 1/7/2022, trong đó có hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm và cơ cấu tiền lương mới. Vì vậy, Chính phủ cần giải trình rõ hơn về vấn đề này để bảo đảm tính khả thi và phù hợp giữa mục tiêu thực hiện cải cách tiền lương và các nội dung dự thảo về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên của thời kỳ ổn định ngân sách 2022 - 2025.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chấm dứt cơ chế đặc thù đối với một số cơ quan, đơn vị trước ngày 1/7/2022 để thực hiện cải cách tiền lương. 

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh phải quyết tâm áp dụng cải cách tiền lương và cương quyết bỏ các cơ chế đặc thù. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính và Hội đồng cải cách tiền lương tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm hợp lý.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết ban hành về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022 với 100 thành viên tán thành.