Tiêm 20 triệu mũi vaccine/ngày, vì sao Trung Quốc vẫn đóng cửa biên giới?
Hơn 40% dân số của Trung Quốc đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine nội, nhưng nước này vẫn chưa mở cửa
Trung Quốc đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 với tốc độ 20 triệu mũi tiêm một ngày. Tuy nhiên, trong lúc nhiều quốc gia khác đã bắt đầu mở cửa trở lại với thế giới, Trung Quốc có vẻ như chưa vội hành động tương tự.
Theo hãng tin Bloomberg, đến hiện tại, hơn 40% dân số của Trung Quốc đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine nội. Sau một thời gian người dân ngại tiêm và nguồn cung vaccine bị thiếu, Trung Quốc giờ đây đã tiêm được hơn 660 triệu mũi vaccine, đưa quốc gia 1,4 tỷ dân tiến gần hơn tới ngưỡng miễn dịch cộng đồng chỉ sau vài tháng.
SỰ THẬN TRỌNG CỦA TRUNG QUỐC
Tại thủ đô Bắc Kinh, hơn 80% dân số đã được tiêm ít nhất 1 mũi – theo dữ liệu từ cơ quan y tế địa phương được truyền thông Trung Quốc trích dẫn.
Dù kiểm soát virus thành công và đã đạt tới một tỷ lệ lớn dân số được tiêm chủng, Trung Quốc vẫn chưa phát tín hiệu nào cho thây sẽ sớm dịch chuyển khỏi các biện pháp chống dịch đã áp dụng bấy lâu nay, gồm đóng cửa biên giới, cách ly nghiêm ngặt người nhập cảnh vào nước ngoài, và mạnh tay phong toả mỗi khi có dịch bùng phát. Trong vòng 13 tháng qua, Trung Quốc chỉ ghi nhận duy nhất 1 ca tử vong vì Covid, nhưng các quan chức cấp cao của nước này vẫn thường xuyên nhấn mạnh về những rủi ro mà virus đặt ra.
“Chừng nào đại dịch vẫn còn chưa được kiểm soát bên ngoài biên giới của chúng ta, thì virus cũng có thể bùng lên tại bất kỳ đâu ở Trung Quốc, cho dù đã bao lâu không có ca nhiễm cộng đồng nào”, ông Wu Zunyou – trưởng dịch tễ thuộc Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bện (CDC) Trung Quốc – nói trong một cuộc họp báo hồi tháng 5. “Bởi vậy, chúng ta vẫn phải thực thi đầy đủ các biện pháp chống dịch”.
Khi số ca nhiễm mới bùng mạnh ở tỉnh Quảng Đông trong tuần này, do biến chủng Ấn Độ và biến chủng Anh, nhà chức trách ngay lập tức ra lệnh phong toả những khu dân cư có ca nhiễm và tiến hành xét nghiệm trên diện rộng. Ổ dịch gồm 50 ca nhiễm tại thành phố 18,7 triệu dân Quảng Châu đã dẫn tới việc huỷ một nửa số chuyến bay ra khỏi sân bay Bạch Vân – phi trường đông đúc nhất thế giới năm 2020. Các biện pháp này được triển khai cho dù tỷ lệ tiêm chủng đã đạt 36% dân số Quảng Châu.
Trái lại, nhiều quốc gia với tỷ lệ tiêm chủng đạt tương tự hoặc thậm chí thấp hơn Trung Quốc đã bắt đầu cắt giảm các hạn chế, mở cửa cho hoạt động đi lại và cho phép người dân bỏ khẩu trang. Điều này đồng nghĩa chấp nhận Covid-19 đã trở thành một bệnh thường gặp (endemic) chừng nào phần lớn người dân không bị ốm nặng nhờ tiêm chủng. Mỹ dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng sau khi 45% dân số được tiêm chủng đầy đủ - một dấu hiệu cho thấy quốc gia có số ca tử vong vì Covid nhiều nhất thế giới đang dịch chuyển theo hướng mở cửa trở lại.
LÝ DO TRÌ HOÃN MỞ CỬA
Tháng trước, ông Zhong Nanshan, một cố vấn cấp cao về chống Covid của Chính phủ Trung Quốc nói rằng để nước này đạt tới miễn dịch cộng đồng, tỷ lệ dân số cần được tiêm đầy đủ là 72,9%. Tuy nhiên, ước tính này dựa trên cơ sở vaccine đạt hiệu quả 80% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm. Trong khi đó, mới chỉ có 1 trong số 6 loại vaccine Covid mà Trung Quốc đang tiêm đạt được hiệu quả như vậy trong thử nghiệm lâm sàng.
Đây có thể chính là lý do tại sao Trung Quốc còn chưa muốn nới lỏng các hạn chế khác.
Bên cạnh đó, cấu trúc của nền kinh tế Trung Quốc giúp nước này có thể trì hoãn sự ở cửa. Với thị trường tiêu dùng nội địa khổng lồ và xuất khẩu tăng trưởng mạnh, Trung Quốc có thể chịu được một thời gian đóng cửa lâu dài hơn so với những nền kinh tế khác như Hồng Kông hay Singapore vốn có độ phục thuộc cao vào kết nối và đi lại. Dù đóng cửa biên giới, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất của thế giới tăng trưởng trong năm 2020.
Trong lúc người tiêu dùng Trung Quốc về cơ bản không thể ra nước ngoài du lịch và mua sắm vì lệnh cách ly nghiêm ngặt khi trở về, các thương hiệu hàng xa xỉ quốc tế đang chạy đua tìm cách tăng doanh số ở thị trường Trung Quốc. Du lịch nội địa ở Trung Quốc cũng chứng kiến nhu cầu tăng mạnh.
Theo ông Huang Yanzhong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu y tế toàn cầu thuộc Đại học Seton Hall, Mỹ, cho rằng phương pháp chống dịch Covid của Trung Quốc sẽ chỉ thay đổi khi có sự thay đổi lớn trong tư duy của các nhà hoạch định chính sách. “Trung Quốc chỉ có thể nối lại hoạt động đi lại quốc tế hay nới các hạn chế khác khi họ đã học được cách sống chung với virus. Họ cần phải chấp nhận rằng một số đợt dịch bùng phát nhỏ và rải rác sẽ không biến thành dịch lớn”, ông Huang nói.