Tiếp tục "xóa" thuế nhập khẩu linh kiện, viết tiếp giấc mơ ô tô Việt
Bộ Tài chính đề xuất duy trì ưu đãi thuế 0% đối với linh kiện ô tô buộc phải nhập khẩu. Doanh nghiệp cũng được chọn kỳ xét ưu đãi là 12 tháng hay 6 tháng, nếu cả năm vẫn đạt tổng sản lượng ô tô sản xuất theo quy định...
Chương trình ưu đãi thuế đối với sản xuất, lắp ráp ô tô đã được Bộ Tài chính hoàn thiện và công bố lấy ý kiến tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.
GIA HẠN CHƯƠNG TRÌNH ƯU ĐÃI THUẾ SAU 2022
Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Chương trình ưu đãi thuế đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Một là, tiếp tục thực hiện Chương trình ưu đãi thuế sau năm 2022. Hiện Chương trình được áp dụng kể từ ngày 16/11/2017 đến ngày 31/12/2022.
"Hiện nay, một số doanh nghiệp đang có kế hoạch tiếp tục đầu tư thêm các dây chuyền sản xuất mới tại Việt Nam và dự kiến chuyển một số hoạt động từ các nước trong khu vực về Việt Nam nếu như Chương trình ưu đãi thuế được tiếp tục áp dụng sau 2022", Bộ Tài chính cho biết.
Hiện các doanh nghiệp ô tô đang phải chuẩn bị kế hoạch sản xuất từ 2023 trở đi.
Trong bối cảnh hàng rào thuế quan đối với xe ô tô nguyên chiếc từng bước được xóa bỏ theo các Hiệp định FTA và trên cơ sở các kết quả đạt được từ việc thực hiện Chương trình giai đoạn vừa qua, theo Bộ Tài chính, việc tiếp tục thực hiện Chương trình ưu đãi thuế là cần thiết và là căn cứ quan trọng để các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trong các năm tiếp theo.
Hai là, sản lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp sẽ là một trong các điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô được tham gia Chương trình ưu đãi thuế và được áp dụng thuế nhập khẩu 0% đối với linh kiện, phụ tùng để sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP và Nghị định 125/2017/NĐ-CP.
Trước khó khăn về tiêu thụ sản phẩm hiện nay, VAMA và một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đã có kiến nghị xoá bỏ điều kiện về sản lượng tối thiểu để tham gia Chương trình ưu đãi thuế hoặc thực hiện điều chỉnh giảm mức sản lượng cho phù hợp với bối cảnh...
Tuy nhiên, Bộ Tài chính thấy rằng việc yêu cầu đáp ứng điều kiện về sản lượng là cần thiết để đảm bảo các doanh nghiệp tham gia Chương trình ưu đãi phải đầu tư và đảm bảo quy mô, nâng cao năng lực sản xuất, lắp ráp xe.
Theo đó, tại hồ sơ xin ý kiến các Bộ, ngành Bộ Tài chính đề nghị không bỏ quy định điều kiện về sản lượng mà sửa đổi quy định này cho phù hợp thực tế nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Về sản lượng chung tối thiểu cho từng nhóm xe và sản lượng riêng tối thiểu cho ít nhất 1 mẫu xe, qua xem xét số liệu sản xuất của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng nhận thấy, sản lượng 02 kỳ trong năm có sự chênh lệch do việc bán hàng còn dựa vào các chu kỳ Tết và diễn biến thị trường. Tính chung cả năm sản lượng cả năm có thể có trường hợp đạt mức sản lượng theo yêu cầu nhưng tính theo từng kỳ 06 tháng thì có kỳ thiếu.
Do vậy, Bộ Tài chính trình Chính phủ nới điều kiện, cho phép doanh nghiệp được lựa chọn một trong hai phương án là kỳ xét ưu đãi 6 tháng hoặc kỳ xét ưu đãi 12 tháng. Trong đó, doanh nghiệp được chọn phương án kỳ xét ưu đãi 12 tháng đối với trường hợp có 01 kỳ không đạt tiêu chí về sản lượng nhưng tổng thể cả năm (12 tháng) vẫn đạt tổng sản lượng tối thiểu quy định tại dự thảo Nghị định.
TĂNG TỶ LỆ NỘI ĐỊA HOÁ
Theo Bộ Tài chính, dự thảo sửa đổi được ban hành để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước, khắc phục tình trạng doanh nghiệp chỉ hưởng ưu đãi thuế, mà không đầu tư mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Qua đó, góp phần hỗ trợ thị trường ô tô tăng trưởng ổn định, tiến tới mục tiêu xuất khẩu.
"Chương trình ưu đãi thuế góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, phù hợp với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2035".
Bộ Công thương.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc triển khai Chương trình ưu đãi thuế đã hỗ trợ cho thị trường ô tô tăng trưởng ổn định, duy trì được sản xuất với sức cạnh tranh về giá đối với các xe ô tô nhập khẩu.
Do đó, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Viêt Nam (VAMA) đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục kéo dài Chương trình ưu đãi thuế cho giai đoạn sau năm 2022.
Đồng thời, điều chỉnh một số quy định liên quan đến điều kiện khí thải, kỳ xét ưu đãi và yêu cầu về sản lượng để được tham gia Chương trình cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Sau khi Chương trình được ban hành, một số doanh nghiệp đã tiếp tục sản xuất, lắp ráp một số dòng xe mà trước đó đã dừng sản xuất tại Việt Nam. Đồng thời, một số doanh nghiệp đã đầu tư thêm trang thiết bị để tăng công suất và năng lực sản xuất.
Chương trình cũng thu hút được các doanh nghiệp khác tham gia đầu tư mở rộng sản xuất. Chẳng hạn, Công ty Thaco đầu tư nhà máy mới sản xuất xe ôtô cao cấp trị giá 4.000 tỷ đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư mới năm 2021. Công ty Vinfast đầu tư tổ hợp nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Hải Phòng, rộng 335 hecta với tổng vốn đầu tư đạt 3,5 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 3.600 lao động năm 2020. Công ty Thành Công đầu tư thêm một nhà máy tại Ninh Bình, công suất sản xuất 100.000 xe/năm...
Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình ưu đãi thuế 0% đối với linh kiện mà doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được, buộc phải nhập khẩu khi đủ điều kiện, cả nước có 9 doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí về quy mô, năng lực để tham gia chương trình.
Tính từ năm 2016 đến năm 2020, xe nhập khẩu đạt 557.000 xe và xe sản xuất lắp ráp trong nước là 1.346.703 xe. Nhiều hãng lớn có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ ngồi. Một số sản phẩm xe ô tô tại Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ...