11:35 21/10/2009

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng

Hà Minh

Nạn tham nhũng diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực đời sống – xã hội và gây tổn hại rất lớn về tiền và tài sản của Nhà nước

Nhiều vị đại biểu Quốc hội đề nghị thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng tại hội trường - Ảnh: VA/VNN.
Nhiều vị đại biểu Quốc hội đề nghị thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng tại hội trường - Ảnh: VA/VNN.
Tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Tham nhũng vẫn xảy ra ở nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội. Cán bộ, nhân dân vẫn rất bức xúc và bất bình về tình hình tham nhũng hiện nay.

Đó là nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại báo cáo kết quả giám sát việc tổ chức, thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Báo cáo này gồm 20 trang, vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội cùng nhiều báo cáo khác không trình bày tại hội trường.

Phòng chống tham nhũng là vấn đề được cử tri và đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Trước kỳ họp, nhiều ý kiến đã đề nghị Chính phủ báo cáo tại hội trường về công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tham nhũng xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực

Nạn tham nhũng diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực đời sống - xã hội và gây tổn hại rất lớn về tiền và tài sản của Nhà nước, báo cáo nêu rõ.

Nhiều con số từ các ngành trong hai năm 2007 - 2008 đã được dẫn để chứng minh cho nhận định này. Kiểm toán Nhà nước phát hiện các khoản phải nộp, hoàn trả ngân sách Nhà nước 10.876 tỷ đồng qua 233 cuộc kiểm toán. Kết thúc 25.413 cuộc thanh tra phát hiện sai phạm với tổng giá trị 15.380,58 tỷ đồng; 1.549.653 USD; 22.791,76 ha đất… Trong tổng số tiền, tài sản Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt có một phần không nhỏ do tham nhũng gây ra, báo cáo viết.

Về ý kiến của nhân dân, báo cáo giám sát cũng nêu rõ, trong hai năm 2007 và 2008, các cơ quan thanh tra đã nhận được 402.024 đơn thư khiếu nại tố cáo. Trong đó có 19.178 vụ tố cáo, bao gồm cả tố cáo về tham nhũng. Ngành công an nhận được 3.096 đơn thư có nội dung tố cáo tham nhũng. Viện kiểm sát nhân dân nhận được 587 đơn tố cáo tham nhũng… Trong số này có nhiều đơn thư tố cáo về các hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn xảy ra ở các ngành, địa phương, đơn vị.

Xử lý khó khăn

Trong hai năm 2007 và 2008 số lượng cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng tiêu cực bị phát hiện và xử lý, theo báo cáo là “vẫn còn nhiều”. 2.423 bị can đã bị khởi tố, 1.763 bị can bị truy tố. Ba tòa phúc thẩm thuộc Tòa án Nhân dân Tối cao đã xét xử 346 bị cáo...

Báo cáo riêng của từng ngành cho biết, ngành thanh tra có 7 cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng. Ngành công an đã xử lý 418 cán bộ, chiến sỹ sai phạm do tham nhũng và hành vi có dấu hiệu tham nhũng. Trong đó có 12 trường hợp phạm tội chuyển xử lý hình sự. Ngành tòa án có 30 cán bộ, thẩm phán có hành vi tiêu cực, tham nhũng bị xử lý.

Qua kết luận thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử thì những trường hợp trên đều có hành vi tham nhũng, do đó, người đứng đầu phải được xem xét, xử lý trách nhiệm. Tuy nhiên, theo báo cáo giám sát, nhiều cơ quan chưa báo cáo rõ về mức độ, hình thức xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc ngành mình để xảy ra tham nhũng.

Phân tích nguyên nhân của tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đối tượng tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn nên việc phát hiện và xử lý là rất khó khăn. Trong khi đó, việc triển khai các giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn chưa đồng bộ, thực hiện không triệt để, hướng dẫn thiếu cụ thể, khó thực hiện, một số giải pháp tính khả thi chưa cao.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra nhiều kiến nghị nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng. Trong đó có kiến nghị Chính phủ sửa đổi nghị định về kê khai tài sản theo hướng quy định rõ hơn về hình thức và mức độ công khai tài sản, thu nhập của người phải kê khai tài sản. Đồng thời, hoàn thiện pháp luật trả lương qua tài khoản theo hướng mở rộng hơn, quản lý cả các khoản thu nhập khác ngoài lương.