22:43 17/12/2009

Tín dụng và sự minh bạch thông tin

Nguyễn Lê

Nên hay không nên đưa ra công luận việc tổ chức tín dụng được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt?

Nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần minh bạch thông tin khi một tổ chức tín dụng bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần minh bạch thông tin khi một tổ chức tín dụng bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Chỉ là một trong sáu vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa thường trực cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo, song công khai thông tin thế nào lại là vấn đề được thảo luận sôi nổi, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), sáng 17/12.

Trước đó, tính minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình cũng là vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa Thường trực Ủy ban Kinh tế và cơ quan soạn thảo, khi tiếp thu giải trình về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi).

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định không đưa ra công luận việc tổ chức tín dụng được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Cơ quan soạn thảo cho là hợp lý. Vì như vậy sẽ hạn chế nguy cơ đổ vỡ lan truyền hệ thống do tâm lý. Theo cơ quan này thì không thể lường trước được những tác động tiêu cực khi công khai thông tin về một tổ chức tín dụng bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Thường trực Ủy ban Kinh tế có ý kiến ngược lại, cho rằng khi một tổ chức tín dụng bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt thì không thể tránh khỏi việc rò rỉ thông tin ngay từ nội bộ và có thể dẫn tới những tác động tiêu cực khi không có thông tin chính thống.

“Việc cơ quan Nhà nước công khai về việc một tổ chức tín dụng được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt nhằm minh bạch thông tin, tạo sự tin tưởng cho xã hội vào hệ thống kiểm soát cũng như những giải pháp cứu trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước, tránh tác động tiêu cực từ những nguồn thông tin không chính thức”, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền thể hiện quan điểm.

Nghiêng về ý kiến của cơ quan soạn thảo, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng công khai thông tin là quan trọng nhưng bất kỳ một thông tin nào về tài chính, tiền tệ đều ảnh hưởng đến xã hội, như chuyện sốt vàng, tỷ giá… vừa qua". Ông Hiển cũng dẫn ví dụ về tác động xấu của sự việc một công ty tư nhân công bố kết quả xếp hạng các ngân hàng Việt Nam đang gây ồn ào trong dư luận.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước cũng tán thành việc "không thể vung vãi thông tin" mà cần cân nhắc thật kỹ liều lượng, mức độ.

Được mời tham dự phiên thảo luận cả hai dự án luật, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu giải thích, "kiểm soát đến một giai đoạn nào đó thì chúng ta cũng phải "nhả" thông tin ra thôi. Nhưng cần cân nhắc công bố trước hay là sau". Công bố sau thì có lợi hơn, Thống đốc bày tỏ.

Bảo vệ quan điểm của Thường trực cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Hà Văn Hiền cho rằng “ rất nên công khai thông tin vì trên thực tế  muốn giấu cũng không thể giấu được”.

Theo ông, chính việc minh bạch thông tin, nhất là công khai dự trữ ngoại tệ chính là một trong những tác nhân dẫn đến thành công trong việc chống khủng hoảng tiền tệ, lạm phát thời gian qua.

"Bưng bít hoàn toàn là không phù hợp xu hướng hiện nay", ông Hiền khẳng định.

 “Thông tin phải quản lý nhưng không thể bưng bít, không thể không công bố được, có khi công bố lại có lợi hơn không công bố”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận  tán đồng.

Cùng là vấn đề minh bạch thông tin, Ủy ban Kinh tế cũng có ý kiến khác với cơ quan soạn thảo khi cùng nghiên cứu, tiếp thu Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi). Cơ quan này đã đề nghị bổ sung vào dự luật quy định việc Ngân hàng Nhà nước báo cáo, cung cấp thông tin theo ba cấp độ: Đối với công chúng, đối với Quốc hội và đối với cơ quan của Quốc hội.

Theo Ủy ban, để Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội giám sát và quyết định chính sách tiền tệ Quốc gia thì phải quy định rõ về trách nhiệm giải trình và những loại thông tin cần cung cấp.  Và, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quy định cụ thể những nội dung và thời hạn Ngân hàng Nhà nước phải báo cáo.