10:36 10/09/2021

Tín hiệu tích cực của doanh nghiệp "vùng xanh'' Hà Nội

Minh Nguyệt

UBND TP Hà Nội vừa giao các quận, huyện khởi động ngay việc phục hồi và thúc đẩy kinh tế tại các "vùng xanh", "vùng vàng" và tiến tới trên toàn địa bàn từ ngày 15/9…

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết mục tiêu của thành phố là trước 15/9 nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch Covid-19 để Hà Nội vào nhóm kiểm soát tốt dịch bệnh theo tiêu chí kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế. Để làm được việc này, tại các khu vực nguy cơ cao sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm, dứt khoát việc giãn cách xã hội. Còn tại các khu vực có nguy cơ thấp sẽ duy trì các hoạt động sản xuất - kinh doanh ở những nơi có đủ điều kiện theo nguyên tắc "an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn"; từng bước khôi phục và đẩy mạnh sản xuất tại các địa bàn kết thúc giãn cách xã hội.

Những ngày qua, tại một số địa phương "vùng xanh" đã bắt đầu cho phép một số dịch vụ kinh doanh được tái hoạt động. Huyện Gia Lâm, huyện Ba Vì là các địa phương đầu tiên cho các nhà hàng, quán ăn thuộc "vùng xanh" mở cửa bán hàng trở lại. Tuy số lượng chưa nhiều song theo đánh giá chung, việc cho phép các nhà hàng, quán ăn mở cửa bán hàng mang về đã bước đầu tạo tín hiệu tích cực, mở ra hy vọng cho người dân sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế, bảo đảm cuộc sống.

Tại huyện Hoài Đức, theo ông Nguyễn Trung Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện, trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, huyện đã yêu cầu các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp muốn trở lại sản xuất, phải xây dựng phương án sản xuất an toàn "3 tại chỗ", hoặc "1 cung đường 2 điểm đến", trình UBND huyện phê duyệt. Đối với các cơ sở sản xuất ngoài cụm công nghiệp, sẽ do UBND xã, thị trấn phê duyệt phương án sản xuất an toàn. Trên cơ sở đó, toàn huyện đã có 825 doanh nghiệp được phê duyệt phương án, trở lại sản xuất trong tháng 8 và 9/2021.

Theo đại diện một công ty may mặc ở thị xã Sơn Tây, do dịch bệnh nên công ty gặp nhiều khó khăn thời gian qua. Trên cơ sở phương án phòng dịch của công ty, từ cuối tháng 8/2021, thị xã Sơn Tây đã cho phép 500 công nhân công ty quay trở lại làm việc. Hiện nay, công ty đã xây dựng kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất lên quy mô 1.000 lao động (chiếm 50% số công nhân) và đã gửi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thị xã Sơn Tây, hiện đang chờ ý kiến của thị xã. Đây là tín hiệu vui vì nhờ đó, doanh nghiệp sẽ hoàn thiện những đơn hàng và hợp đồng vì thời điểm này là cao điểm của ngành dệt may.

Doanh nghiệp ở "vùng xanh" đã và đang nỗ lực hoạt động trở lại, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp ở "vùng xanh" đã và đang nỗ lực hoạt động trở lại, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh.

Trong không khí tất bật sản xuất, kinh doanh trở lại, Trưởng phòng Nhân sự, Công ty cổ phần Dược phẩm Megapharco (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) Ngô Thị Lý thông tin, sau một thời gian phải tạm ngừng dây chuyền sản xuất do có ca F0 tại công ty bên cạnh, từ ngày 7/9, hoạt động của đơn vị đã trở lại. “Cùng với việc tuân thủ triệt để các phương án phòng, chống dịch đã xây dựng từ trước, chúng tôi cũng rà soát các yêu cầu, xây dựng bổ sung phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”," bà Ngô Thị Lý cho biết thêm.

Trong khi đó, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất nhựa Việt Nhật Nguyễn Văn Thành cho biết, đơn vị đã được UBND huyện Thanh Oai hỗ trợ tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1 cho hơn 1.000 cán bộ, nhân viên, công nhân.Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND và văn bản chỉ đạo của UBND huyện Thanh Oai, công ty đã xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Theo đó, vận hành dây chuyền sản xuất tăng 30% so với thời điểm giãn cách trước đó; đồng thời tiếp nhận người lao động trong, ngoài “vùng xanh” đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch.

“Chúng tôi rất thận trọng trong việc tiếp nhận các công nhân ở các địa phương lân cận như Ứng Hòa, Mỹ Đức (chiếm khoảng 20% trong tổng số hơn 1.000 công nhân của công ty) quay lại làm việc. Do đó, cùng với hướng dẫn, hỗ trợ công nhân về thủ tục cấp giấy đi đường, công ty còn tiến hành xét nghiệm PCR thường xuyên cho họ,” ông Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh. 

Tại Cụm công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp cũng dần tấp nập trở lại. Giám đốc Công ty CP công nghệ cao Thái Minh Đỗ Việt Hà, cho biết khi huyện Quốc Oai thực hiện giãn cách xã hội, nhiều công nhân sinh sống trên địa bàn thuộc công ty phải tạm thời phải nghỉ việc. Sau khi có Chỉ thị số 20/CT-UBND, đến nay doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng được huyện tạo điều kiện không phải duy trì hoạt động “3 tại chỗ” như trước, do đó giảm thiểu được chi phí ăn, ở cho công nhân. 

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn, huyện đang tập trung ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho công nhân lao động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Theo đó, đã có gần 80% số công nhân lao động được tiêm mũi 1, gần 30% lao động được tiêm mũi 2…

Hiện trên địa bàn Hà Nội đã thiết lập được hơn 600 điểm “vùng xanh doanh nghiệp”, được chính quyền địa phương phê duyệt phương án hoạt động. Với sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp ở "vùng xanh" đã và đang nỗ lực hoạt động trở lại, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh.

 

Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết thành phố đang nỗ lực xét nghiệm và đạt tỉ lệ đối tượng trong độ tuổi được tiêm chủng cao đến ngày 15/9. Trên cơ sở tầm soát y tế toàn dân, ngành y tế chủ trì phối hợp với chính quyền từng địa phương đánh giá mức độ nguy cơ và tham mưu, đề xuất quyết định nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch theo tình hình thực tế trên từng địa bàn để tổ chức đời sống, sản xuất, kinh doanh với tinh thần là an toàn đến đâu, mở ra đến đấy.