15:37 08/09/2021

Doanh nghiệp chờ ngày mở cửa trở lại

Tuệ Mỹ

Dù mong chờ nền kinh tế sớm mở cửa lại, nhưng hầu hết doanh nghiệp cho rằng vẫn cần cẩn trọng, linh động và bài bản lộ trình nới dần từng bước, kiểm soát rủi ro nhằm nỗ lực đưa trở lại hoạt động quản lý nhà nước, phục hồi sản xuất kinh doanh, mở cửa đời sống xã hội...

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên mới đây đã nêu quan điểm:“Chúng ta không thể tiếp tục mãi giãn cách triệt để, cũng như không thể quét sạch F0, thay vào đó chúng ta sẽ mở dần, sống trong điều kiện bình thường mới, trong điều kiện có dịch”.

Như vậy, những trăn trở của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các địa phương là rất cấp thiết và thiết thực vì nền kinh tế ngưng trệ ngày nào là thiệt hại đến sinh kế và sản xuất kinh doanh ngày đó. Nếu không tìm phương hướng giải quyết sớm, phục hồi sớm, những hệ lụy về doanh nghiệp, về ngân hàng, lao động, việc làm và ổn định xã hội là không thể xem thường.

LÊN PHƯƠNG ÁN PHỤC HỒI SẢN XUẤT KINH DOANH

TP.HCM đang chuẩn bị một cách cẩn trọng, linh động và bài bản lộ trình nới dần từng bước, kiểm soát rủi ro nhằm nỗ lực đưa trở lại hoạt động quản lý nhà nước, phục hồi sản xuất kinh doanh, mở cửa đời sống xã hội. Điều đáng nói, lộ trình này không dựa trên những ý chí lạc quan “tếu” hay ý muốn của bất cứ cá nhân nào mà nó là sự thống nhất, đồng bộ với một kế hoạch chi tiết ứng phó với tình hình dịch bệnh - xã hội cụ thể trên từng địa bàn quận huyện cũng như chú trọng vào việc xử lý nhanh các rủi ro có thể xảy ra.

Về phía doanh nghiệp, phương án sản xuất theo “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” đã bộc lộ những bất cập nhất định, vì thế các doanh nghiệp đề nghị được thay đổi mô hình sản xuất phù hợp thực tế và điều kiện của từng doanh nghiệp. Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, từ khi nhà máy có ca F0 khiến hoạt động một số khâu bị gián đoạn, công ty đã tổ chức song song 2 hình thức: vừa “3 tại chỗ” vừa cho công nhân về nhà theo kiểu “4 xanh”. Trong đó, riêng nhóm “4 xanh” phân chia theo nhóm và luân phiên thay đổi ca làm việc để tránh tiếp xúc.

TP.HCM đang chuẩn bị một cách cẩn trọng, linh động và bài bản lộ trình phục hồi sản xuất, kinh doanh dần dần.
TP.HCM đang chuẩn bị một cách cẩn trọng, linh động và bài bản lộ trình phục hồi sản xuất, kinh doanh dần dần.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty Tân Quang Minh (Bidrico), công ty muốn vẫn giữ mô hình "3 tại chỗ" nhưng luân chuyển lao động. Để bảo toàn nguồn lao động với 300 người đang làm việc tại nhà máy, Bidrico chia họ thành nhiều ca và luân phiên nhau nghỉ. Để bảo đảm an toàn cho người lao động và bảo vệ nguồn “lao động sạch”, Bidrico xây thêm nhà lưu trú mới, dành để cách ly người lao động sau thời gian họ về nhà và trở lại nhà máy làm việc. 

Lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất hạt điều ở quận Thủ Đức - doanh nghiệp đã ngưng hoạt động từ giữa tháng 7 đến nay do không đáp ứng được ba tại chỗ - cho biết: "Nếu dịch sớm được kiểm soát trong tháng 9 và độ bao phủ vaccine đạt 70%, thành phố cho mở cửa trở lại sớm, chúng tôi sẽ nhận các đơn hàng xuất khẩu trong quý 4". Đại diện doanh nghiệp này tính toán, giai đoạn đầu nếu được hoạt động lại, doanh nghiệp sẽ bố trí khoảng 30 - 50 công nhân làm việc và tăng dần khi dịch bệnh giảm. Chỉ có như vậy mới giúp công ty thoát khỏi chuỗi đứt gãy sau một thời gian dài ngưng hoạt động.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 đang lo lắng một số đối tác đã có dấu hiệu rút đơn hàng vì họ không chấp nhận chuyện cứ lùi thời hạn giao hàng mãi vì lý do giãn cách. “Chúng tôi rất mừng là TP.HCM đang bàn kế hoạch từ ngày 15/9 có thể sẽ mở cửa và phục hồi sản xuất, kinh doanh dần dần. Tuy nhiên, để phục hồi bền vững thì phải đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho người lao động, đặc biệt là những ngành sử dụng nhiều công nhân như dệt may, da giày, thủy sản...” ông Việt nói.

KIẾN NGHỊ TỪ PHÍA DOANH NGHIỆP

Tiêm vaccin đầy đủ cho người lao động là yêu cầu đầu tiên các doanh nghiệp kiến nghị với thành phố thực hiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp kiến nghị được giảm thuế, phí, hỗ trợ tài chính… Cụ thể, Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) đề nghị giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay… đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

 
Nhiều doanh nghiệp cho biết vấn đề thiếu hụt nhân sự là một trong những khó khăn lớn nhất nếu hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách. Một lượng lớn công nhận của các công ty, nhà máy đã trở về quê dẫn đến khó tuyển dụng lao động trong thời gian gần.

Trong khi đó, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam, đại diện cho 8 công ty thành viên trong Tập đoàn Aeon tại Việt Nam, cũng kiến nghị nên kéo giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Lộ trình có thể xem xét, có thể lùi thời hạn nộp từ 3 - 6 tháng và áp dụng trong 6 tháng để giúp các doanh nghiệp có đủ nguồn lực tài chính tạm thời cho nhân viên, duy trì sản xuất - kinh doanh trong thời gian dịch bệnh. 

Để phục hồi sản xuất, các doanh nghiệp và hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng nên có hướng dẫn rõ ràng về việc giãn thời gian trả nợ cho các nguồn vay đầu tư. Việc giãn thời gian trả nợ nên kéo dài đến hết năm 2022. Đồng thời, các ngân hàng phải đưa ra thông tin đầy đủ về giảm lãi suất thực chất với mức giảm sâu để các doanh nghiệp tự tin tiếp tục tổ chức lại sản xuất. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho họ tiếp cận các nguồn vay ngắn hạn.

Dù mong chờ nền kinh tế sớm mở cửa lại, nhưng hầu hết doanh nghiệp cho rằng, TP.HCM vẫn cần xác định rõ nhóm được hoạt động. "Mở cửa lại nhưng thành phố không nên mở đồng loạt vì lỡ không kiểm soát được, rất có thể thành phố lại phải đóng cửa lần nữa và lúc đó doanh nghiệp chắc chắn không còn đủ sức để gượng dậy".

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Đồng Quản trị Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3 cho rằng, TP.HCM nên từng bước mở cửa đối với những lực lượng lao động có nguy cơ nhiễm bệnh thấp.

Các doanh nghiệp cho rằng cần đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho người lao động, đặc biệt là những ngành sử dụng nhiều công nhân như dệt may, da giày, thủy sản...
Các doanh nghiệp cho rằng cần đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho người lao động, đặc biệt là những ngành sử dụng nhiều công nhân như dệt may, da giày, thủy sản...

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đồng lòng cho rằng, phải mở cửa cả về lao động mới phục hồi được sản xuất. "Để tổ chức lại sản xuất, cần nguồn lực lao động rất lớn. Tuy nhiên, lượng người lao động đã dịch chuyển trong làn sóng dịch Covid-19 vừa qua đang bị kiểm soát chặt chẽ ở các địa phương, tạo ra đứt gãy về nguồn lực và không có nguồn lực này thì dây chuyền sản xuất không thể hoạt động được", Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang đề xuất.

Vì thế, chủ tịch của VITAS nhấn mạnh rằng cần có sự đồng bộ trong cơ chế thực hiện Chỉ thị 16 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mở cửa và kiểm soát dịch. Từ đó, các địa phương phải thực sự thấu hiểu, phải làm theo một chương trình hành động, xuyên suốt từ trên xuống dưới và địa phương nào cũng giống như địa phương nào. Bởi nếu địa phương này mở cửa, địa phương kia lại thắt chặt sẽ không tạo ra sự đồng bộ cho phục hồi, phát triển sản xuất và kinh doanh.

 
Trong cuộc họp của Tổ công tác tổ chức cung ứng và tiêm vaccine phòng Covid-19 sáng 7/9, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho rằng, với chính sách “thẻ xanh vaccine” mà TP.HCM đang lên kế hoạch, cần phải sớm tiêm phủ vaccine mới có thể mở cửa, duy trì kinh tế. Ông Đức cũng cho biết TP.HCM đang nghiên cứu chính sách “thẻ xanh vaccine”, từ đó sẽ nới lỏng yêu cầu giãn cách xã hội với những người đã tiêm 1 - 2 mũi vaccine.