09:25 06/02/2009

Tình hình công ty chứng khoán “không quá bi đát”?

Minh Đức

Đại diện Ủy ban Chứng khoán cho rằng tình hình hoạt động của các công ty chứng khoán không quá bi đát như dư luận phản ánh

Hiện các báo cáo tài chính năm 2008 của nhiều công ty chứng khoán chưa được công bố và tập hợp đầy đủ. Dự kiến cuối quý 1/2009, những dữ liệu liên quan sẽ rõ ràng.
Hiện các báo cáo tài chính năm 2008 của nhiều công ty chứng khoán chưa được công bố và tập hợp đầy đủ. Dự kiến cuối quý 1/2009, những dữ liệu liên quan sẽ rõ ràng.
Đại diện Ủy ban Chứng khoán cho rằng tình hình hoạt động của các công ty chứng khoán không quá bi đát như dư luận phản ánh.

Một số thông tin trên thị trường gần đây cho rằng chỉ có khoảng 10% công ty chứng khoán có lãi trong năm 2008. Tuy nhiên, phía Ủy ban Chứng khoán cho biết tỷ lệ mà họ nắm được cao hơn.

“Khó khăn của các công ty chứng khoán hiện nay chủ yếu là về vốn. Theo chúng tôi thì không quá bi đát như dư luận. Hay một số trường hợp lo ngại bị phá sản, nhưng qua giám sát thì không đến nỗi khó khăn. Chỉ lo ngại là nếu tình trạng thị trường như hiện nay kéo dài sẽ nhiều khó khăn hơn”, bà Nguyễn Thị Thục Anh, Phó ban Quản lý kinh doanh (Ủy ban Chứng khoán), nói.

Hiện các báo cáo tài chính năm 2008 của nhiều công ty chứng khoán chưa được công bố và tập hợp đầy đủ. Dự kiến cuối quý 1/2009, những dữ liệu liên quan sẽ rõ ràng.

Còn trên cơ sở báo cáo sơ bộ của 51 thành viên đã gửi về Ủy ban Chứng khoán tính đến thời điểm này, có 15 công ty có lãi trong năm 2008.

Có khoảng 5 trường hợp mức vốn chủ sở hữu giảm nhiều so với vốn pháp định nhưng chưa xuống quá thấp đến mức không thể giải quyết được; có những trường hợp thua lỗ nhưng có mức tích lũy những năm trước lớn nên chưa giảm xuống dưới mức vốn pháp định quy định.

Bà Thục Anh cho biết, hiện mới chỉ có một trường hợp công ty chứng khoán sẽ phải giải thể do đã quá 12 tháng kể từ ngày cấp phép mà chưa hoạt động.

Hiện Ủy ban Chứng khoán cũng đang xây dựng các phương án hỗ trợ, dự phòng xử lý cho các trường hợp đổ vỡ có thể xẩy ra.

“Về việc các công ty chứng khoán rơi vào tình trạng sáp nhập, thâu tóm là điều rất mới nên chúng tôi cũng chưa lường hết được tất cả những khó khăn có thể xảy ra. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không lo ngại lắm vì bản thân các hoạt động này đã được Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán có quy định, hướng dẫn”, bà Thục Anh nói.

Điều mà Ủy ban lo ngại hơn là các trường hợp phải giải thể, phá sản bởi ngoài bản thân công ty đó còn liên quan đến tài sản của nhiều nhà đầu tư mà họ quản lý, cũng như ảnh hưởng chung đến thị trường.

Trước lo ngại này, Ủy ban Chứng khoán lên kế hoạch thành lập một tổ công tác giám sát, hỗ trợ và xử lý đối với những thành viên đặc biệt khó khăn. Trước hết, ngoài công tác giảm sát, sự hỗ trợ của nhà quản lý tập trung ở việc tạo thuận lợi để các công ty tăng vốn, tái cấu trúc sở hữu và nghiệp vụ hoạt động.

Đến thời điểm này đã có 20 công ty chứng khoán đã tăng vốn theo đúng quy định; 35 trường hợp đang nộp hồ sơ xin tăng vốn hoặc rút bớt các nghiệp vụ. Với trường hợp rút bớt nghiệp vụ nhưng vốn còn lại không đủ để thực hiện nghiệp vụ nào sẽ phải xem xét giải thể.

Liên quan đến quy định về mức vốn để triển khai nghiệp vụ tự doanh (100 tỷ đồng), hiện có những trường hợp không đảm bảo được yêu cầu nhưng đã thực hiện tự doanh trước đó, Ủy ban Chứng khoán đang bàn giải pháp để xử lý.

Với những trường hợp này, dự kiến những công ty chứng khoán đã tự doanh sẽ có một thời gian để thực hiện việc bán ra hoặc chuyển sang thành chứng khoán đầu tư và phải mở tài khoản ở công ty chứng khoán khác. Tất nhiên, họ sẽ không được tiếp tục thực hiện tự doanh mới.