10:31 05/02/2009

Công ty chứng khoán tìm đường “kết hôn” với nước ngoài

Thanh Hải

Thua lỗ trong năm 2008 khiến một số công ty chứng khoán hướng đến việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài

Năm 2008 cùng với VN-Index đã giảm 66% và HASTC-Index giảm 67,5%, hoạt động của các công ty chứng khoán đã suy giảm, gặp nhiều khó khăn và có nhiều trường hợp thua lỗ lớn đến mức nghĩ đến việc giải tán hoặc tuyên bố phá sản - Ảnh: Việt Tuấn.
Năm 2008 cùng với VN-Index đã giảm 66% và HASTC-Index giảm 67,5%, hoạt động của các công ty chứng khoán đã suy giảm, gặp nhiều khó khăn và có nhiều trường hợp thua lỗ lớn đến mức nghĩ đến việc giải tán hoặc tuyên bố phá sản - Ảnh: Việt Tuấn.
Thua lỗ trong năm 2008 khiến một số công ty chứng khoán hướng đến việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài để tăng cường khả năng và tiềm lực.

Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, việc lựa chọn đối tác chiến lược nước ngoài của các công ty chứng khoán Việt Nam sẽ không dễ dàng như trước.

Năm 2008 cùng với VN-Index đã giảm 66% và HASTC-Index giảm 67,5%, hoạt động của các công ty chứng khoán đã suy giảm, gặp nhiều khó khăn và có nhiều trường hợp thua lỗ lớn đến mức nghĩ đến việc giải tán hoặc tuyên bố phá sản.

Theo kết quả kinh doanh của một số công ty chứng khoán mới công bố nhiều công ty chứng khoán đã thua lỗ lớn trong năm 2008, ví như Công ty cổ phần Chứng khoán Hải Phòng (HPC) lỗ 119,8 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Chứng khoán Kim Long (KLS) lỗ 347,4 tỷ đồng... hay một công ty chứng khoán lớn như Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), kết thúc năm 2008 BVSC đã lỗ khoảng 452 tỷ đồng.

Trước tình cảnh khó khăn và thua lỗ trong hoạt động kinh doanh, nhiều công ty chứng khoán đã thực hiện các biện pháp cắt giảm nhân sự, đặc biệt là tìm các đối tác nước ngoài nhằm thu hút nguồn tài chính vững mạnh và tạo ra cơ sở khách hàng ổn định.

“BVSC đang thực hiện việc tìm kiếm và đàm phán với các cổ đông chiến lược nước ngoài. Hiện nay đã có một vài định chế tài chính nước ngoài đang mong muốn được trở thành cổ đông chiến lược của BVSC”, ông Phạm Quang Huy, Phó tổng giám đốc BVSC cho biết.

Những thương vụ đã hoàn tất trong năm 2008

Xu hướng bán cổ phần cho các đối tác chiến lược của các công ty chứng khoán đã bắt đầu từ 2007, nhưng đã diễn ra mạnh trong nửa đầu năm 2008 với các thương vụ như:

Công ty Cổ phần Chứng khoán Âu Lạc bán 4,9 triệu cổ phần, tương đương 49% vốn điều lệ, trong đợt phát hành tăng vốn từ 50 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng cho đối tác nước ngoài là Công ty Technology CX (Cayman); Công ty Cổ phần Chứng khoán Hướng Việt chuyển nhượng 14,5 triệu cổ phần, có giá trị 145 tỷ đồng theo mệnh giá, tương đương 48,33% vốn điều lệ cho Morgan Stanley (Singapore) Holdings Pte. Ltd; Công ty Cổ phần Nhấp và Gọi bán 49% vốn điều lệ cho nhà đầu tư Hàn Quốc là Công ty TNHH Chứng khoán và Đầu tư Golden Bridge với 6,615 triệu cổ phần, có giá trị theo mệnh giá là 66,15 tỷ đồng, tương đương 49% vốn điều lệ trong đợt tăng vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng lên 135 tỷ đồng.
 
Hay Công ty Chứng khoán Tân Việt bán hơn 3,8 triệu cổ phần, tương đương 30% vốn điều lệ trong đợt phát hành tăng vốn điều lệ lên 128 tỷ đồng cho Công ty VietBridge (British Virgin Island); Tập đoàn Daiwa Securities Group - DSGI (Nhật Bản) và ANZ trở thành cổ đông chiến lược lớn của công ty chứng khoán SSI; Công ty Cổ phần Chứng khoán Việt Nam chuyển nhượng 49% cho Ngân hàng RHB (Malaysia)...

Dù đã có nhiều thương vụ bán cổ phần của các công ty chứng khoán Việt Nam đã diễn ra trong năm 2008 nhưng ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Saigon Asset Management (SAM) cho rằng, cụm từ “cổ đông chiến lược” có thể đã bị lạm dụng ở một mức độ nào đó và đôi khi được hiểu theo một nghĩa khác ở Việt Nam.

Khi nhìn lại những “mối quan hệ chiến lược” trong năm 2008, ông Louis Nguyễn cho rằng nhiều người vẫn không hình dung được rõ ràng đâu là những giá trị căn bản mà đối tác nước ngoài đã mang đến cho các công ty chứng khoán Việt Nam.

Năm 2009: Sẽ khó khăn hơn nhiều

Với những khó khăn các công ty chứng khoán Việt Nam đã gặp phải trong năm 2008 và được dự báo sẽ khó khăn hơn trong năm 2009, nên một số nhà phân tích cho rằng xu hướng bán cổ phần cho các đối tác chiến lược nước ngoài sẽ mạnh mẽ hơn trong năm 2009.

Trái với những nhận định cho rằng năm 2000 sẽ diễn ra nhiều thương vụ hợp tác chiến lược giữa các công ty chứng khoán Việt Nam với các đối tác nước ngoài, ông Louis Nguyễn cho rằng năm 2009 có thể sẽ là năm có ít cuộc “kết hôn” giữa công ty chứng khoán Việt Nam với các đối tác nước ngoài.

Nhưng bù lại, những cuộc “kết hôn” đó sẽ có chất lượng hơn khi nhiều công ty chứng khoán đang phải chịu những tổn thất nặng về tài chính.

“Dẫu vậy, việc định giá các công ty chứng khoán sẽ thấp hơn trước đây và lợi thế về đàm phán sẽ không nằm trong tay những công ty này, không ít trong số họ sẽ phải bán tài sản của mình hoặc tìm các trợ giúp về tài chính từ các đối tác”, ông Louis Nguyễn nói.

Mặc dù 2009 có thể là năm cơ hội cho nhiều “người mua” nếu phân tích giá cổ phiếu của nhiều công ty đã rẻ. Nhưng ông Johan Nyveen, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Tp.HCM (HSC) cho rằng các công ty chứng khoán có tài sản gì đáng giá để bán cho nhà đầu tư chiến lược sẽ là một chuyện khác.

Hiện tại, đa số các công ty chứng khoán nhỏ không có hệ thống và công nghệ thông tin, không có mạng lưới, không có khách hàng (thị phần nhỏ), không có sản phẩm nổi trội, không có thương hiệu, không có vốn, không có nguồn nhân sự giỏi (nếu có thì đa số đã đi rồi)...

Mặt khác, ông Johan Nyveen cũng cho rằng nếu công ty chứng khoán có tài sản tự doanh tốt, có thể sẽ có nhà đầu tư sẽ mua nhưng chỉ trong điều kiện “giảm giá”. Nhà đầu tư chiến lược nào muốn đầu tư vào một công ty chứng khoán nhỏ, có lẽ lý do chính yếu là họ muốn mua giấy phép hoạt động của công ty đó thay vì phải nộp đơn xin một giấy phép mới.

“Việc bán lại cho nhà đầu tư chiến lược cổ phần của các công ty chứng khoán nhỏ hoặc sắp phá sản sẽ không dễ chút nào, ngoại trừ khi việc đăng ký giấy phép kinh doanh thành lập công ty chứng khoán mới không được thuận tiện nữa”, ông Johan Nyveen nói.

Ngoài những yếu tố về bên “cung”, ông Johan Nyveen còn cho rằng yếu tố lớn hơn nữa là bên “cầu”, do khủng hoảng kinh tế và tài chính trên cả thế giới, chắc sẽ không có nhiều nhà đầu tư có nguồn vốn dư thừa dồi dào muốn rót vốn vào một công ty chứng khoán trong một thị trường nhỏ và thiếu tiềm năng phát triển mạnh vào lúc này.

Trong khi đó, tại Việt Nam đã có quá nhiều công ty chứng khoán đang hoạt động, thị trường đang bị phân khúc và cạnh tranh quá đáng. Bên “cầu” cũng có nhiều sự lựa chọn hơn cho nguồn vốn đầu tư của họ, khi các ngành nghề khác và các môi trường đầu tư khác đã và đang trở nên rất hấp dẫn.

Theo ông Louis Nguyễn, thách thức lớn nhất với các công ty chứng khoán Việt Nam khi tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài trong năm 2009 sẽ là những tác động từ khủng hoảng tài chính toàn cầu và sự sụt mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm qua.

Hơn nữa, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đang bị thua lỗ nặng tại các nước sở tại nên sự quan tâm của họ đối với thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ giảm đi.

Tuy nhiên, sẽ có những trường hợp nhà đầu tư nước ngoài hướng đến các công ty chứng khoán Việt Nam đang gặp khó khăn về tài chính, với trường hợp này nhà đầu tư nước ngoài sẽ có điều kiện mặc cả để có thể mua tài sản với giá rẻ hoặc sẽ đợi cho đến khi các công ty chứng khoán đó đang trên bờ vực phá sản mới bắt đầu đàm phán.

“Các công ty chứng khoán Việt Nam không nên tính đến chuyện tìm đối tác chiến lược trong thời điểm thị trường nhiều bất lợi như hiện nay”, ông Louis Nguyễn đưa ra lời khuyên.

Trong trường hợp công ty chứng khoán vẫn quyết định tìm kiếm đối tác chiến lược để tăng cường khả năng cạnh tranh, ông Louis Nguyễn cho rằng các công ty đó nên chuẩn bị tốt những yếu tố như: tăng khả năng tạo lợi nhuận và thị phần, có một đội ngũ quản lý có kinh nghiệm và có đạo đức nghề nghiệp, biết tin tưởng vào chế độ tuân thủ nội bộ mạnh và hiệu quả...

Điều quan trọng là hai bên cần phải nhìn nhận rõ ràng về cách thức làm sao để sự hợp tác sẽ có lợi cho đôi bên và làm sao để dung hòa được sự khác biệt về văn hóa trong hoạt động hàng ngày.