08:59 15/08/2007

"Trái phiếu doanh nghiệp sẽ hết lận đận"

Từ Nguyên

Đó là nhận định của ông Trương Hùng Long, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính) trong cuộc trao đổi với VnEconomy

"Hiện Bộ Tài chính đang xây dựng một nghị định để cụ thể hóa hơn việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế".
"Hiện Bộ Tài chính đang xây dựng một nghị định để cụ thể hóa hơn việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế".
Đó là nhận định của ông Trương Hùng Long, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính) trong cuộc trao đổi với VnEconomy.

Xin ông cho tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay?

Sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có thể được chia làm 2 giai đoạn, trước 2006 và từ 2006 đến nay.

Trước 2006, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp được thực hiện theo Nghị định số 120/CP ngày17/9/1994 của Chính Phủ về phát hành cổ phiếu, trái phiếu của doanh nghiệp Nhà nước. Khi đó, thị trường này chưa phát triển, chỉ có các tổ chức tài chính tín dụng phát hành trái phiếu, còn trái phiếu doanh nghiệp thì có rất ít các doanh nghiệp phát hành, chính xác thì chỉ có 5 doanh nghiệp là: Công ty Cơ điện lạnh REE phát hành 5 triệu USD (năm 1996), Tổng công ty Dầu khí phát hành 300 tỷ (năm 2003), Tổng công ty Điện lực (EVN) phát hành 300 tỷ, Tổng công ty Xi măng 200 tỷ và EIS 10 tỷ (năm 1998).

Vì vậy, trong khoảng thời gian này, kênh cấp vốn cho doanh nghiệp chủ yếu là thông qua tín dụng ngân hàng hoặc ngân sách Nhà nước hoặc Nhà nước cho vay rồi vay lại. Hoạt động huy động vốn trực tiếp trên thị trường hầu như chưa phát triển.

Tuy nhiên, kể từ năm 2006 trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có bước phát triển tích cực, đặc biệt là sau khi có Nghị định 52/CP về việc cho phép các doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo hình thức riêng lẻ.

Hiện nay, chủ thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp không chỉ là doanh nghiệp Nhà nước như trước đây mà còn có các công ty TNHH, công ty cổ phần và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngay cả nguyên tắc phát hành cũng thông thoáng hơn rất nhiều. Các doanh nghiệp có quyền tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm và công khai minh bạch thông tin. Điều này có nghĩa là Nhà nước không còn can thiệp quá sâu vào việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhìn chung quy mô thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn nhỏ, chủ yếu vẫn là thị trường sơ cấp, các nhà đầu tư vẫn chủ yếu mua và giữ trái phiếu tới khi đáo hạn, các dịch vụ liên quan nhằm hỗ trợ thị trường trái phiếu như dịch vụ định mức tín nhiệm, định giá trái phiếu hay dịch vụ lưu ký… hầu như chưa có.

Trên thực tế, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc phát hành trái phiếu, đặc biệt là phát hành ra nước ngoài?

Điều này xuất phát từ nguyên nhân là thị trường trái phiếu nội địa của chúng ta hiện nay vẫn chưa thực sự phát triển. Riêng khu vực trái phiếu doanh nghiệp đến thời điểm này cũng chỉ chiếm 10% tổng giá trị thị trường.

Hơn nữa, trên thị trường trái phiếu nội địa, viêc phát hành cũng chỉ mới tập trung ở một vài tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Nói cách khác là các doanh nghiệp cũng mới chỉ đi những bước đi đầu tiên trong viêc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Vì vậy, để bước chân ra thị trường quốc tế, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tự hòa thiện mình lên rất nhiều để có được uy tín cũng như những kinh nghiệm, đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Nếu chúng ta gia nhập thị trường thế giới quá sớm, trong khi chưa có được sự chuẩn bị cơ bản thì chắc chắn các doanh nghiệp của chúng ta sẽ phải trả một cái rất đắt.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, Chính phủ đã có chỉ đạo tập trung phát triển thị trường vốn, trong đó có thị trường trái phiếu. Theo đó, Chính phủ sẽ đi tiên phong trong việc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế để tạo ra một hình ảnh ban đầu cho Việt Nam, đồng thời để tạo ra một mặt bằng lãi suất, trên cơ sở đó sẽ đưa các doanh nghiệp đi theo.

Hiện nay, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu thông qua hình thức bán lẻ. Điều này có gây ra trở ngại gì đối với thị trường và bản thân các doanh nghiệp, thưa ông?

Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu thông qua hình thức bán lẻ là một điều hợp với lôgíc và hoàn cảnh cụ thể của thị trường. Các doanh nghiệp khi tham gia phát hành trái phiếu đều áp dụng hình thức này vì quy mô của thị trường vẫn còn nhỏ nên các doanh nghiệp có thể trực tiếp thương lượng với các nhà đầu tư.

Ở một góc độ nào đấy, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ luôn tiềm ẩn những vấn đề nảy sinh khó kiểm soát, đồng thời sẽ gây ra nhiều rủi ro cho cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư. Còn trong thời gian tới, chủ trương của Chính phủ sẽ đưa các doanh nghiệp vào trong thị trường, đồng thời từng bước hướng các doanh nghiệp sớm thực hiện việc phát hành trái phiếu ra công chúng.

Hiện nay các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc xác định lãi suất khi phát hành trái phiếu?

Vấn đề này cũng bắt nguồn từ thực tiễn thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay. Hiện chúng ta chưa có các tổ chức cung cấp các dịch vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vì vậy các doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu sẽ gặp nhiều lúng túng, trong đó có vấn đề xác định lãi suất cho nhà đầu tư.

Trên thực tế, các doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu chỉ dựa trên hai nguyên tắc: Tự vay, tư trả, tự chịu trách nhiệm và dựa vào trái phiếu Chính phủ để tham chiếu. Bởi, về nguyên tắc trong xác định lãi suất thì lãi suất của trái phiếu Chính phủ bao giờ cũng là lãi suất nền. Lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp dựa trên lãi suất trái phiếu Chính phủ cộng thêm hệ số rủi ro.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng có thể tham khảo lãi suất của các tổ chức tín dụng hay họ có thể dựa vào phương thức và thời điểm phát hành trái phiếu…để đưa ra một mức lãi suất hợp lý.

Vì vậy, theo tôi vấn đề xác định lãi suất sẽ không còn là vấn đề quá phức tạp trong thời gian tới, khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển.

Còn khung pháp lý cho việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, liệu chúng ta còn thiếu?

Về góc độ pháp lý, theo tôi đến thời điểm này đã cơ bản có được một khung pháp lý tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiến hành phát hành trái phiếu.

Cụ thể, Luật Doanh nghiệp có quy định cho phép các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong và ngoài nước, Luật Chứng khoán có quy định việc phát hành trái phiếu ra công chúng, Nghị định 52/CP quy định việc phát hành trái phiếu riêng lẻ trên thị trường nội địa…

Hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ thì Bộ Tài chính đang xây dựng một nghị định để cụ thể hóa hơn việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Vì vậy, theo tôi đến thời điểm này, khung pháp lý cho việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp cơ bản đã được đáp ứng.

Do đó, theo tôi, đây là thời điểm thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang dần hội đủ những điều kiện để vào đà tăng tốc. Trong thời gian tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ nhanh chóng phát triển và hết sức sôi động với sự tham gia của nhiều đối tượng, doanh nghiệp.