10:07 18/09/2007

Trên 7 tỉ USD cho dự án thành phố hai bên sông Hồng

Tổng chi phí cho dự án thành phố hai bên sông dự kiến lên tới hơn 7 tỉ USD. Hà Nội sẽ lấy đâu ra số vốn khổng lồ để triển khai dự án?

Các nhà quy hoạch chia 40 km sông Hồng đoạn qua Hà Nội thành 4 khu vực phát triển.
Các nhà quy hoạch chia 40 km sông Hồng đoạn qua Hà Nội thành 4 khu vực phát triển.
Tổng chi phí cho dự án thành phố hai bên sông dự kiến lên tới hơn 7 tỉ USD. Hà Nội sẽ lấy đâu ra số vốn khổng lồ để triển khai dự án?

"Chính phủ sẽ phải có chính sách đặc biệt để kêu gọi giới đầu tư trong và ngoài nước. Thêm vào đó, quỹ đất tạo ra sau khi chỉnh trị cũng là nguồn lực rất lớn cho dự án", một chuyên gia Hàn Quốc đã phát biểu như vậy tại hội thảo lấy ý kiến các nhà chuyên môn về báo cáo cuối kỳ quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng, đoạn qua Hà Nội hôm 17/9.

Không gian thư giãn, đô thị có sức cạnh tranh quốc tế

Không chỉ kế thừa lịch sử và văn hoá truyền thống, sông Hồng sẽ vừa là không gian thư dãn của nhân dân, vừa là đô thị có sức cạnh tranh quốc tế, an toàn với nạn lũ và đặc biệt giữ được yếu tố hài hoà với tự nhiên.

Có nhiều loại hình công viên sẽ được phát triển hai bên sông như khu bảo tồn sinh thái, công viên thể thao tổng hợp, công viên mở dành cho nhân dân, công viên sinh thái lịch sử...

Để bảo tồn tính lịch sử của sông Hồng, sẽ hình thành đường tham quan lịch sử ven sông, các sân khấu sông nước, lễ hội truyền thống... Đó chính là ý tưởng của các nhà quy hoạch về dự án thành phố hai bên sông Hồng.

Các nhà quy hoạch chia 40 km sông Hồng đoạn qua Hà Nội thành 4 khu vực phát triển. Sau khi chỉnh trị, Thành phố sẽ phát triển đô thị trên 2.462ha đất mới phát sinh. Dự kiến, dự án sẽ cung cấp khoảng 97.000 căn hộ, thửa đất. Đồng thời, sẽ tạo ra những khu phân phối hàng đa chức năng, công trình công cộng, khu phức hợp quốc tế công nghệ cao (chứng khoán, tài chính...) và quỹ đất dự phòng cho các lễ hội và sự kiện thể thao quốc tế.

Tổng quy mô dân số ước tính cho toàn khu vực là 342.180 người. Để có được quỹ nhà ở như trên, khối lượng công việc phải làm là rất lớn, bắt đầu từ việc chỉnh trị sông Hồng, cải tạo, gia cố hệ thống đê, bến cảng, hệ thống giao thông (cầu, đường đê, bến phà, đường chui), xây dựng công trình... Trong đó, sẽ có 4 cầu lớn, 4 đường xe ngầm và 9 bãi đỗ xe công cộng...

Di dân sẽ kéo dài trong 12 năm

Ông Lee Sang Yeol, Tổ trưởng Tổ dự án sông Hồng Hà Nội cho biết, để triển khai dự án, khoảng 170.000 dân, tương đương 39.000 hộ sống trong khu vực ngoài đê sông Hồng sẽ di dời tới khu vực an toàn. Dự kiến, việc di dân sẽ kéo dài trong 12 năm, chia thành 3 giai đoạn.

Từ 2008 - 2012, di dời 11.102 hộ dân trong khu vực điểm cuối dự án - cầu Thăng Long; từ 2013 - 2016, chuyển 19.318 hộ trong đoạn từ cầu Thăng Long - cầu Thanh Trì; từ 2017 - 2020, di dời 8.680 hộ ở đoạn cầu Thanh Trì - điểm cuối dự án.

Riêng chi phí dành cho việc bồi thường, tái định cư của 39.000 hộ dân đã lên tới trên 1,5 tỉ USD. Phương án bồi thường cho các đối tượng này là bồi thường bằng tiền mặt hoặc cung cấp chung cư (diện tích 60 – 105 m2) cho thuê dài hạn. Theo tính toán của nhà lập quy hoạch, quỹ nhà mới tạo ra sẽ cung cấp chỗ ở tái định cư cho khoảng 29.000 hộ.

Ông Lê Mạnh Cường, Trưởng phòng Quy hoạch Kiến trúc 3 (Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội) cho rằng, việc di dời 17 vạn dân sống ngoài đê sông Hồng là rất khó khăn bởi di dân luôn là vấn đề xã hội rất phức tạp ở Hà Nội.

Theo ông Lê Mạnh Cường, chỉ nên di dời dân sống trong hành lang thoát lũ còn những gia đình sống phía trong đê mới phải được cân nhắc thận trọng. "Để giải quyết một số công trình đặc biệt, con số dân di dời chỉ nên dừng ở mức 10 vạn, thấp hơn 7 vạn so với tính toán của các nhà quy hoạch", ông Cường nói.