14:27 02/03/2022

"Trụ đỡ" của nền kinh tế vẫn đứng vững

Chu Khôi

Sản xuất nông nghiệp trong tháng 2/2022 đối mặt với nhiều khó khăn: giá xăng tăng cao đã khiến ngư dân giảm các chuyến đi biển, chiến sự ở Ukraina cũng đẩy giá phân bón tăng cao đang gây sức ép khó khăn cho trồng trọt, rét hại gây thiệt hại nặng nề cho chăn nuôi…

Nông nghiệp vẫn tăng sản lượng.
Nông nghiệp vẫn tăng sản lượng.

Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng thủy sản tháng 2/2022 ước đạt 578,5 nghìn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước bao gồm: cá đạt 434,7 nghìn tấn, tăng 2,1%; tôm đạt 53,8 nghìn tấn, tăng 3,3%; thủy sản khác đạt 90 nghìn tấn, tăng 2,6%.

GIÁ CÁ TRA TĂNG MẠNH

Sản lượng thủy sản nuôi trồng được thu hoạch trong tháng 2/2022 ước tính đạt 297,9 nghìn tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 215,1 nghìn tấn, tăng 4,4%; tôm đạt 43,8 nghìn tấn, tăng 4,0%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, sản lượng thủy sản ước đạt 1.168,4 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 619,2 nghìn tấn, tăng 3,4%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 549,2 nghìn tấn, tăng 0,3%.

Hiện giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh sau thời gian dài ở mức thấp do nhu cầu xuất khẩu tăng trong khi nguồn cung cá tra nguyên liệu phục vụ xuất khẩu khan hiếm.

Cụ thể, loại 0,8 - 1,1 kg/con giá dao động từ 27.500 - 29.000 đồng/kg, tăng 7.500 - 9.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước và tăng hơn 4.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết.

Với giá cá tra như hiện tại, người nuôi cá tra có lợi nhuận cao. Sản lượng cá tra tháng 2/2022 ước đạt 94,9 nghìn tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, đối với ngành tôm, tôm nuôi trồng phát triển khá và ít dịch bệnh, giá tôm nguyên liệu ổn định. Các địa phương tiếp tục phát triển tôm thẻ chân trắng thâm canh, bán thâm canh công nghệ cao song song với quy trình nuôi mới, ao lót bạt đáy, chủ động trong việc kiểm soát môi trường ngày càng tốt hơn.

Sản lượng tôm thẻ chân trắng tháng 2/2022 ước đạt 25,5 nghìn tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; tôm sú đạt 14,2 nghìn tấn, bằng cùng kỳ năm trước.

"Trụ đỡ" của nền kinh tế vẫn đứng vững - Ảnh 1

Nghề đánh bắt hải sản đang lâm vào thời kỳ khó khăn do giá xăng dầu tăng cao, mặc dù thời tiết ngư trường thuận lợi cho việc khai thác, nhưng các chuyến đi biển của ngư dân cũng giảm. Trong tháng 2/2022, sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 266,7 nghìn tấn, bằng cùng kỳ năm 2021.

Cộng gộp, tổng sản lượng thủy sản khai thác tháng 2/2022 ước đạt 280,6 nghìn tấn, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 219,6 nghìn tấn, tôm đạt 10 nghìn tấn, đều bằng cùng kỳ năm trước; thủy sản khác đạt 51 nghìn tấn, tăng 0,6%.

CHĂN NUÔI, TRỒNG TRỌT THIỆT HẠI DO GIÁ RÉT

Sản xuất nông nghiệp tháng 2/2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại ở các địa phương phía Bắc đã gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến giữa tháng 2/2022, cả nước gieo cấy được 2.638,7 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 101,2% cùng kỳ năm trước. Các địa phương phía Nam đến nay đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa đông xuân và bắt đầu thu hoạch ở một số trà lúa sớm.

Diện tích lúa đông xuân giảm 8,4 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm 17,8 nghìn ha do một số địa phương chủ động cắt giảm diện tích xuống giống hoặc chuyển đổi những vùng đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, sử dụng ít nước.

"Trụ đỡ" của nền kinh tế vẫn đứng vững - Ảnh 2

Cùng với việc gieo cấy lúa đông xuân, các địa phương trên cả nước đang tiến hành gieo trồng cây hoa màu. Diện tích khoai lang, đậu tương, lạc giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao và gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm nên người dân có xu hướng chuyển dịch sang trồng ngô và rau đậu các loại.

 

Thiên tai xảy ra trong 2 tháng đầu năm 2022 làm 1 người mất tích; 591 ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng; 33,7 nghìn ha lúa và 3,7 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 645,3 tỷ đồng, gấp 23,7 lần cùng kỳ năm 2021.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, rét đậm, rét hại tại các tỉnh khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong tháng 2/2022 đã làm chết 6.389 con gia súc, trong đó có 5.311 con trâu, bò; 1.078 con dê và gia súc khác.

Tuy vậy, tính tại thời điểm cuối tháng 2/2022 so với cùng thời điểm này năm trước, đàn lợn tăng 2,9%; số lượng gia cầm tăng 2,0%.

Chăn nuôi lợn đang dần ổn định do các doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi chủ động được nguồn giống, liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra, đảm bảo vệ sinh, an toàn sinh học. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn gặp khó khăn do giá thức ăn ở mức cao, nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi lớn.

"Trụ đỡ" của nền kinh tế vẫn đứng vững - Ảnh 3

Đối với ngành lâm nghiệp, từ sau Tết nguyên đán đến nay, sản xuất lâm nghiệp tập trung thực hiện phong trào Tết trồng cây. Diện tích rừng trồng mới tập trung của cả nước tháng 2/2022 ước đạt 9,5 nghìn ha, tăng 6,7% so cùng kỳ năm trước.

Số cây lâm nghiệp trồng phân tán tháng 2/2022 ước đạt 9,7 triệu cây, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ khai thác trong tháng đạt 982,8 nghìn m3, tăng 4%; sản lượng củi khai thác đạt 1,5 triệu ste, bằng cùng kỳ năm trước.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 16,8 nghìn ha, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 13,6 triệu cây, tăng 4,6%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.923,3 nghìn m3, tăng 4,2%; sản lượng củi khai thác đạt 3 triệu ste, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước.

XUẤT KHẨU LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN TĂNG ẤN TƯỢNG

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do giá xăng dầu tăng cao khiến cước phí vận chuyển hàng hóa tăng, nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn đạt được thành quả ấn tượng.

Xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông sản vẫn duy trì được mức như năm ngoái. Trong đó, riêng đối với ngành rau quả, dù xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gần như bị "tê liệt" song, thống kê sơ bộ xuất khẩu rau quả của Việt Nam vẫn tăng trưởng nhẹ 0,3%.

Điểm nhấn trong 2 tháng đầu năm là kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 1,53  tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong tháng đầu tiên năm nay, xuất khẩu thuỷ sản cũng đạt 872 triệu USD, tăng tới 43,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Đây cũng là tháng đầu tiên ghi nhận con số xuất khẩu cao hiếm trong lịch sử xuất khẩu của ngành thuỷ sản khi vượt mốc 800 triệu USD. Thuỷ sản xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, như sang Mỹ tăng 82%, Nhật Bản tăng 19,25%, EU tăng 63,86%, Hàn Quốc tăng 15,44%, Trung Quốc tăng hơn 62%...

Trong khi đó, xuất khẩu gỗ và lâm sản tiếp tục lập kỷ lục mới với ước gần 3 tỷ USD trong 2 tháng, tăng trưởng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt điểm nhấn ấn tượng là, theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, ngay trong tháng đầu tiên của năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lập đỉnh lịch sử, đạt gần 1,55 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Gỗ và sản phẩm gỗ nằm trong top 3 nhóm hàng tăng trưởng ở mức hai con số, chỉ đứng sau dệt may.