20:01 17/02/2022

Cần định vị đúng vai trò và sứ mệnh của nông nghiệp nông thôn

Chu Khôi

Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, nông thôn bền vững không phải chỉ dành riêng cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mà được xây dựng cho toàn xã hội, trong đó đối tượng chính tham gia thực hiện là nông dân, doanh nghiệp, chính quyền các địa phương…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì họp báo ngày 17/02/2022.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì họp báo ngày 17/02/2022.

Chủ trì buổi họp báo công bố "Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, nông thôn bền vững và thông tin về các chương trình, kế hoạch trọng tâm trong thời gian tới", ngày 17/02/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Chiến lược không phải đề ra các giải pháp ngắn hạn, mà nhằm để giải quyết các vấn đề của ngành nông nghiệp theo dòng chảy trong xu thế toàn cầu. 

NHIỀU ĐIỂM MỚI MANG TÍNH ĐỘT PHÁ

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược hiện thực hóa định hướng của Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó quá trình tái cơ cấu nông nghiệp cần gắn chặt hơn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững gắn với những cơ hội về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thị trường.

Trong Chiến lược đề ra những mục tiêu cụ thể của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp đạt bình quân từ 5,5 - 6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm…

Cùng với đó, thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1-1,5%/năm. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%.

 

"Đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn Việt Nam không còn hộ nghèo và trở thành nơi đáng sống, văn minh, xanh, đẹp..."

Trích Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Cả nước có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 1 triệu ha.

TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, nhận định Chiến lược thể hiện rõ tính toàn diện, bao trùm, liên ngành trong định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp và nông thôn để xây dựng nền nông nghiệp bền vững theo hướng sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân tri thức văn minh.

Theo TS. Trần Công Thắng, để đạt được các mục tiêu trên, có rất nhiều việc phải làm. Trong đó, các chính sách về sử dụng đất đai sẽ cần được sửa đổi linh hoạt, phát triển thị trường giao dịch, thúc đẩy tập trung đất đai. Hạ tầng sẽ được đầu tư cơ bản cho vùng sâu vùng xa.

Cụ thể, trong Chiến lược cũng đã đề cập đến 10 nhóm giải pháp chính. Điển hình như việc phát triển hạ tầng thủy lợi phải đảm bảo đa mục tiêu, cho thủy sản, lâm nghiệp. Hạ tầng thương mại như: Xây dựng hệ thống chợ, trung tâm đầu mối; hạ tầng logistics: Cầu cảng, trung tâm kết nối vùng, giao thông kết nối vùng chuyên canh... để phát triển nông nghiệp hiện đại, năng suất, bền vững, có trách nhiệm...

Trong đó, giải pháp quan trọng hàng đầu là tuyên truyền, giáo dục giáo dục đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động cho các nhóm đối tượng về vai trò nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới, những định hướng phát triển nông nghiệp nông thôn trên thế giới (nông nghiệp có trách nhiệm, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn…), những thay đổi nhu cầu tiêu thụ trên thế giới…

Cùng với đó, phải đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh. Xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân tiếp cận thị trường, nguồn vốn, máy móc, công nghệ tiên tiến. Đổi mới chính sách thúc đẩy phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã trở thành tác nhân quan trọng trong sản xuất tiêu thụ, hỗ trợ dịch vụ. Có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành hệ sinh thái ngành hàng, hỗ trợ khởi nghiệp.  

CẦN TRUYỀN THÔNG LAN TỎA ĐỂ ĐI VÀO CUỘC SỐNG

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Chiến lược không phải đề ra các giải pháp ngắn hạn mà nhằm để giải quyết các vấn đề của ngành nông nghiệp theo dòng chảy trong xu thế toàn cầu.

Đây là chiến lược của toàn xã hội, của nông dân, doanh nghiệp, chính quyền các địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ giữ vai trò xây dựng Chiến lược, xây dựng quy hoạch, xây dựng chính sách… Còn thực hiện là toàn xã hội, các doanh nghiệp, các nhóm ngành hàng. 

"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất nghiêm túc trong xây dựng Chiến lược và sẽ nghiêm túc thực hiện để lan tỏa đưa Chiến lược này đi vào cuộc sống, bằng nhiều hoạt động trong tháng 02 và tháng 3/2022... Nếu không truyền thông lan tỏa ra toàn xã hội để thực hiện, thì Chiến lược sẽ lại quay về với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn" Bộ trưởng Lê Minh Hoan cảnh báo.

 

“Thông qua chiến lược tôi cũng mong muốn các cấp chính quyền địa phương trong quá trình phát triển kinh tế cân nhắc, tập trung nhiều hơn nguồn lực hơn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đừng xẻ đồi chè ra làm bất động sản, mà hãy cân nhắc được và mất của người nông dân trước khi chuyển đổi”.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

“Cần phải nghiêm tục thực hiện để đến một thời điểm nào đó xã hội hiểu được nền nông nghiệp Việt Nam có tầm nhìn dài hạn, mang tính chất giải quyết vấn đề nội tại ngành nông nghiệp và quan trọng hơn là tiếp cận dòng chảy, xu thế tiêu dùng của nền kinh tế toàn cầu, xu thế tiêu dùng xanh của thế giới”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Ngành nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ "đơn giá trị" sang "tích hợp đa giá trị"…

Hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người. Ngành nông nghiệp sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường.

"Bản Chiến lược được truyền thông lan tỏa để định vị đúng lại trong tâm thức lãnh đạo, người dân. Định vị đúng vai trò, vị trí sứ mệnh của nông nghiệp, nông thôn và nông dân", Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng, đồng thời cho rằng, tăng trưởng của nông nghiệp không thể nào như tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ. Nếu nhìn vào con số thì chúng ta xem nhẹ nó. Bản chiến lược để khẳng định lại dù nó nhỏ nhưng có vai trò vị trí trong việc bình ổn xã hội vì hơn 60% dân số Việt Nam đang ở nông thôn.