Trung Quốc kiện Mỹ lên WTO về trợ cấp ô tô điện
Lĩnh vực xe điện ngày càng bị cuốn vào những căng thẳng về thương mại và địa chính trị trong bối cảnh thế giới dịch chuyển dần khỏi động cơ đốt trong...
Trung Quốc đã đưa cuộc tranh cãi của nước này với Mỹ về trợ cấp ô tô điện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thách thức một bộ phận quan trọng trong đạo luật mang tính cột mốc của chính quyền Tổng thống Joe Biden - theo tin từ hãng tin Bloomberg.
Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) - bao gồm nội dung về thúc đẩy năng lượng xanh - được thông qua vào năm 2022 của Mỹ và các quy định đi kèm đạo luật này mang tính chất “phân biệt đối xử” và “bóp méo nghiêm trọng” chuỗi cung ứng ô tô điện toàn cầu, Bộ Thương mại Trung Quốc nói trong một tuyên bố ngày 26/3 khi công bố việc đâm đơn kiện Mỹ lên WTO.
Quan chức hàng đầu của Mỹ về thương mại, đại sứ Katherine Tai, phản hồi rằng Trung Quốc đang tiếp tục sử dụng các chính sách và hành vi “không bình đẳng” nhằm mục đích làm suy yếu cạnh tranh và thống trị thị trường toàn cầu.
Lĩnh vực xe điện ngày càng bị cuốn vào những căng thẳng về thương mại và địa chính trị trong bối cảnh thế giới dịch chuyển dần khỏi động cơ đốt trong. Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ áp dụng thuế quan bổ sung đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc trên cơ sở cáo buộc Bắc Kinh trợ cấp không công bằng cho các hãng xe điện trong nước. Cùng với đó, các hãng sản xuất pin xe điện hàng đầu thế giới của Trung Quốc vấp phải sự phản đối từ Washington.
Theo ông Brad Setser, một cựu quan chức của văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, vụ kiện của Trung Quốc khó có thể khiến Mỹ phải thay đổi chính sách. Trong một chủ đề trên mạng xã hội X, ông Setser dự đoán rằng vụ kiện của Trung Quốc sẽ “bị kháng cáo thành vô hiệu”.
Khiếu nại của Trung Quốc được đưa ra vài tháng sau khi Mỹ hoàn tất các hạn chế nhằm giảm số lượng ô tô điện đủ điều kiện nhận khoản tín dụng thuế mua hàng lên tới 7.500 USD. Các hướng dẫn có hiệu lực bắt đầu từ năm nay rốt cục sẽ đồng nghĩa với việc các xe điện có chứa linh kiện pin hoặc nguyên liệu thô có nguồn gốc từ “các tổ chức nước ngoài gây quan ngại” (FEOC) sẽ không còn đủ điều kiện nhận ưu đãi này nữa.
Ông Bill Reinsch, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cho biết: “Tôi không cho rằng Trung Quốc sẽ tự động thắng trong vụ kiện này. Các quy tắc về mua sắm và trợ cấp rất phức tạp và tôi có thể thấy Mỹ đang chuẩn bị cho một sự phòng thủ mạnh mẽ”, ông Reinsch nói.
Theo hướng dẫn mà chính quyền ông Biden đưa ra vào cuối năm ngoái, bất kỳ công ty nào thuộc quyền tài phán của Trung Quốc hoặc thuộc sự kiểm soát của Chính phủ nước này - bao gồm cả trường hợp công ty đó có ít nhất 25% thuộc sở hữu của một cơ quan thuộc Chính phủ Trung Quốc - đều được coi là FEOC. Hạn chế này cũng áp dụng cho tất cả hoạt động sản xuất bên trong lãnh thổ Trung Quốc.
Tuy nhiên, các công ty con ở nước ngoài của các công ty tư nhân Trung Quốc đặt ở các quốc gia không phải là FEOC, chẳng hạn như Australia hoặc Indonesia, sẽ được miễn trừ khỏi hạn chế trên, miễn sao không bị Chính phủ Trung Quốc kiểm soát.
Giáo sư luật Henry Gao thuộc Đại học Quản lý Singapore, một người nghiên cứu chính sách thương mại của Trung Quốc, nhận định: “Về mặt pháp lý, Trung Quốc có lý khi cho rằng IRA vi phạm các quy định của WTO - một quan điểm mà EU cũng đưa ra”. Ông Gao lưu ý rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã ca ngợi những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, nói rằng Trung Quốc cần thúc đẩy việc thiết lập một hệ thống quản lý năng lượng toàn cầu công bằng, cân bằng và toàn diện.
“Với lời kêu gọi chính trị rõ ràng như vậy, tôi sẽ thực sự ngạc nhiên nếu Bộ Thương mại Trung Quốc không nối tiếp bằng một đơn kiện gửi lên WTO”, ông Gao nhận định. Vị chuyên gia cho rằng bằng cách kiện Mỹ, Trung Quốc đang cố gắng ngăn cản bất kỳ ứng cử viên nào thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm nay tiếp tục các chính sách như vậy.
“Nhưng tôi không cho rằng cách làm này của Trung Quốc sẽ có tác dụng vì việc cứng rắn với Trung Quốc đã trở thành sự đồng thuận của cả hai chính đảng của Mỹ”, ông Gao nói.
Theo ông Brad Setser, một cựu quan chức của văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, vụ kiện của Trung Quốc khó có thể khiến Mỹ phải thay đổi chính sách. Trong một chủ đề trên mạng xã hội X, ông Setser dự đoán rằng vụ kiện của Trung Quốc sẽ “bị kháng cáo thành vô hiệu”.
Trung Quốc đã nuôi dưỡng ngành công nghiệp xe điện trong nước bằng một loạt chính sách giảm thuế, trợ cấp sản xuất và trợ cấp mua hàng, cũng như các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) được nhà nước hỗ trợ trong nhiều thập kỷ qua.
Trung Quốc đã loại trừ một cách hiệu quả các nhà sản xuất pin nước ngoài khỏi thị trường trong nước trong khoảng thời gian ngành công nghiệp pin xe của nước này vẫn đang phát triển, tạo ra một “danh sách trắng” gồm các nhà sản xuất pin được phê duyệt có thể cung cấp cho các nhà sản xuất xe điện địa phương. Danh sách này - đã bị bãi bỏ vào năm 2019 - chỉ bao gồm các công ty Trung Quốc, công ty nghiên cứu S&P Global Market Intelligence cho biết trong một báo cáo vào cuối năm đó.