Truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Truyền thông về chính sách nói chung và truyền thông về đa văn hóa nói riêng có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi một quốc gia...
Ngày 11/10, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.
Phát biểu đề dẫn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, khẳng định truyền thông về chính sách nói chung và truyền thông về đa văn hóa nói riêng có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi một quốc gia.
Truyền thông chính sách có vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây cũng là kênh thông tin hữu hiệu để các cơ quan chức năng kịp thời lắng nghe ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân, nhất là những đối tượng trực tiếp chịu tác động của chính sách.
Tuy nhiên, truyền thông chính sách nói chung và truyền thông chính sách về đa văn hóa nói riêng ở Việt Nam vẫn còn những điểm hạn chế và bất cập nhất định. Đặc biệt, truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế là vấn đề mới, tồn tại nhiều khoảng trống nghiên cứu lớn về cả lý luận cũng như thực tiễn.
Bên cạnh đó, không ít chủ thể truyền thông chính sách chưa nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của vấn đề văn hóa, dân tộc; thông tin chính sách tiếp cận đến đồng bào các dân tộc, nhất là các vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế.
Hội thảo khoa học quốc tế “Truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế” năm 2024 được tổ chức nhằm làm sáng tỏ, hệ thống hóa khái niệm, mục đích, đặc trưng của truyền thông chính sách về đa văn hóa. Đồng thời, tìm hiểu thực trạng, mô hình truyền thông chính sách về đa văn hóa tại Việt Nam, Hàn Quốc và trên thế giới.
Hội thảo cũng là dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận, các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực thực tiễn tiếp tục quán triệt đầy đủ, thống nhất nhận thức, làm rõ và sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn
Ông Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, cho biết cùng với quá trình hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực, sự giao thoa, tiếp biến văn hóa là một xu thế tất yếu, đòi hỏi công tác quản lý đa văn hóa cần được các quốc gia chú trọng. Đa văn hóa làm sinh động đời sống văn hóa quốc gia.
Chính sách quản lý của Nhà nước cần phải phát huy được các điểm tương đồng, các giá trị chung tốt đẹp của mỗi nền văn hóa, tạo ra cơ hội để đối thoại giữa các nền văn hóa nhưng cùng hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ...
Theo ông Lee Byung Hwa, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam, trong xã hội hiện đại, đa văn hóa là một vấn đề quan trọng vượt qua biên giới quốc gia và có tác động đáng kể đến xã hội, nền kinh tế và sự phát triển văn hóa. Với việc hội nhập vào xã hội toàn cầu, mỗi quốc gia tôn trọng những nền văn hóa, giá trị khác nhau và tìm cách cùng tồn tại hài hòa.
KOICA đã và đang hỗ trợ nhiều dự án khác nhau cho các gia đình đa văn hóa tại Việt Nam. Cùng với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, KOICA tiếp tục hỗ trợ các dự án bảo vệ phụ nữ và trẻ em di cư trở về Việt Nam, tái định cư trong xã hội kể từ năm 2019…
PGS. TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đánh giá cao Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong những năm vừa qua đã tập trung nguồn lực và phối hợp chặt chẽ với KOICA để triển khai có hiệu quả dự án nâng cao năng lực thực thi chính sách.
Dự án đã tổ chức các đoàn nghiên cứu tại Hàn Quốc; tổ chức 9 hội thảo khoa học quốc tế; xuất bản thành sách 7 cuốn kỷ yếu hội thảo phục vụ công tác quản lý, giảng dạy và nghiên cứu.
“Trong bối cảnh đất nước mở rộng cánh cửa đón chào những nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, những doanh nghiệp Việt đủ lớn mạnh vươn mình sang những thị trường xuyên biên giới, sự giao lưu nhân dân giữa các quốc gia với Việt Nam trở nên thường xuyên hơn, thì sự đa văn hóa trong môi trường làm việc, môi trường sống cũng dần trở nên phổ biến hơn đối với xã hội Việt Nam”, PGS. TS. Dương Trung Ý nhấn mạnh.