Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Google đảm bảo lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt
Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã có văn bản (lần thứ 2) gửi Google/YouTube đề nghị: Xem xét, xác minh kỹ nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam là Sconnect - chủ sở hữu bộ phim hoạt hình Wolfoo…
Trong văn bản, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề nghị Google/YouTube, ngừng việc tiếp nhận và chấp thuận các yêu cầu đánh gậy bản quyền các video Wolfoo thiếu căn cứ, không đúng thẩm quyền. Đồng thời, khôi phục các video Wolfoo, các kênh YouTube của Sconnect đã bị xoá, bị khóa, bị chặn bởi các yêu cầu thiếu căn cứ, không đúng thẩm quyền.
Liên quan đến vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa Công ty TNHH Đầu tư Công nghệ và Dịch vụ Sconnect Việt Nam (Sconnect) và Công ty Entertainment One UK Limited (gọi tắt là EO hoặc eOne) đối với các video của bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo (do Sconnect sở hữu) trên nền tảng YouTube, mới đây nhất, ngày 17/7/2024, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã có Thông báo số 360/TB-TA về việc ủy thác tư pháp.
Theo thông báo này, TAND TP Hà Nội ủy thác cho Sconnect là nguyên đơn trong vụ án thụ lý số 12/2023/KDTM-ST ngày 25/4/2023 về việc “Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ” dịch thuật và công chứng các tài liệu của vụ án sang tiếng Anh và gửi qua đường bưu điện cho bị đơn là eOne (có trụ sở tại London, Vương quốc Anh).
Theo Sconnect, sau khi các cơ quan chức năng của Việt Nam lên tiếng thì YouTube đã mở khóa hàng chục kênh YouTube bị khóa quyền upload trước đó, tuy nhiên hơn 4.000 video Wolfoo bị xóa thì chưa được khôi phục lại. Mới đây, Sconnect đã gửi thêm tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi đánh gậy bản quyền vô căn cứ của eOne đối với các video Wolfoo của Sconnect lên Tòa án Nhân dân TP Hà Nội và chuẩn bị tiến hành thủ tục yêu cầu phản tố tại Anh.
Ngày 26/7/2024, Sconnect đã hoàn thành các thủ tục pháp lý tống đạt, cho đến ngày 29/7/2024, các tài liệu của vụ án đã được gửi thành công cho bị đơn eOne. Trong vụ kiện này Google/YouTube là bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có trụ sở ở nước ngoài, nên TAND TP Hà Nội đang tiến hành thực hiện uỷ thác tư pháp tống đạt tài liệu vụ kiện tới Google/YouTube theo quy định của pháp luật.
Trước đó, liên quan đến vụ kiện này, vào ngày 14/9/2022, Sconnect gửi đơn khởi kiện lên TAND TP Hà Nội kiện eOne vì hành vi xâm hại quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh phim hoạt hình, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng Wolfoo; yêu cầu eOne chấm dứt hành vi xâm hại và bồi thường thiệt hại.
Ngày 19/8/2022, Sconnect cũng đã nộp đơn khởi kiện eOne lên TAND TP Hà Nội trong vụ kiện thứ nhất với cáo buộc eOne sử dụng trái phép nhãn hiệu nổi tiếng Wolfoo trong các video Peppa Pig; đồng thời đề nghị Toà án xem xét phán quyết buộc eOne phải chấm dứt các hành vi vi phạm nhãn hiệu, cải chính thông tin, công khai xin lỗi. TAND TP Hà Nội đã thông báo đủ thẩm quyền xét xử vụ kiện này và nguyên đơn Sconnect thực hiện nộp án phí để tiến hành các thủ tục tố tụng tiếp theo.
Vụ tranh chấp bản quyền giữa hai nhân vật phim hoạt hình Wolfoo và Peppa Pig diễn ra từ tháng 11/2021, khi eOne liên tục đánh bản quyền các video Wolfoo trên YouTube. Sau đó hai bên tiến hành khởi kiện lẫn nhau tại 3 quốc gia: Nga, Anh và Việt Nam.
Vụ kiện tại Nga đã kết thúc từ tháng 7/2022 với phần lợi thế thuộc về Sconnect và Tòa án Nga cũng đã tuyên eOne phải bồi thường thiệt hại cho Sconnect và không được phép khiếu nại khiếu kiện lại rằng Wolfoo là sản phẩm làm lại của Peppa Pig.
Tại Anh, Tòa án cấp cao London đang thụ lý vụ kiện do eOne đệ đơn kiện Sconnect từ ngày 24/1/2022, với các cáo buộc: Sconnect vi phạm bản quyền với danh sách 91 video Wolfoo. eOne cũng cáo buộc Sconnect cạnh tranh không lành mạnh: Gây nhầm lẫn rằng Wolfoo và Peppa Pig là cùng một chủ sở hữu tạo ra; vi phạm nhãn hiệu Peppa Pig…
Vụ kiện tranh chấp bản quyền giữa Wolfoo và Peppa Pig trên YouTube đã kéo dài gần 3 năm. Cho tới thời điểm hiện tại eOne không còn quyền sở hữu với bộ nhân vật hoạt hình Peppa Pig nữa. Lý do công ty mẹ trước đó của eOne là HASBRO, INC., (tập đoàn đa quốc gia có trụ sở chính ở Anh) đã xác nhận eOne không còn quyền sở hữu đối với Peppa Pig từ 01/09/2023.
Cụ thể, ngày 27/12/2023 và ngày 28/12/2023, các trang đăng ký nhãn hiệu, website của các công ty eOne, Hasbro và Lionsgate (tập đoàn đa quốc gia có trụ sở chính tại Mỹ) đã đồng loạt xác nhận hoàn thành việc chuyển nhượng toàn bộ Nhãn hiệu và Bản quyền liên quan đến bộ phim hoạt hình Peppa Pig từ eOne sang cho một công ty con khác của Hasbro là Hasbro Consumer Products Licensing Limited (sau đây gọi tắt là Hasbro) theo một Thỏa thuận chuyển nhượng có hiệu lực từ 1/9/2023.
Tiếp đó, ngày 17/04/2024 eOne đã nộp đơn lên Tòa án Anh xin thay đổi nguyên đơn trong vụ kiện với Sconnect từ eOne sang Hasbro với lý do toàn bộ Nhãn hiệu và Bản quyền liên quan đến Peppa Pig đã được chuyển nhượng từ eOne sang cho Hasbro có hiệu lực từ 01/09/2023.
Tuy không còn quyền sở hữu với Peppa Pig theo hồ sơ chuyển nhượng, nhưng eOne vẫn chưa chính thức được rút khỏi vụ kiện tại Tòa án Anh và đang là bị đơn trong 2 vụ kiện tại Việt Nam do Sconnect đệ đơn lên TAND TP Hà Nội. Sconnect quyết tâm theo đuổi vụ kiện và yêu cầu eOne bồi thường thiệt hại gây ra cho công ty này kể từ khi vụ tranh chấp xảy ra.