16:17 18/10/2022

Từ năm 2024, ô tô cá nhân vào Hà Nội có thể sẽ mất 100.000đ “phí giảm ùn tắc”

Hoàng Việt

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Tramoc) Hà Nội vừa báo cáo Sở Giao thông Vận tải việc xây dựng Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào"...

 Hà Nội tìm nhiều giải pháp để giảm ùn tắc giao thông.
Hà Nội tìm nhiều giải pháp để giảm ùn tắc giao thông.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đề xuất chia Đề án làm ba giai đoạn triển khai. Giai đoạn thí điểm, sẽ bố trí 15 trạm thu phí tại 9 vị trí trên các trục đường nội đô lưu lượng giao thông lớn, có nguy cơ ùn tắc cao. Đến 30/11/2025 báo cáo tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để làm cơ sở triển khai giai đoạn 2 và 3.

Giai đoạn 2 (từ năm 2026 - 2030) sẽ mở rộng vùng thu phí bờ Nam sông Hồng. Khu vực thu phí mở rộng có ranh giới giới hạn bởi các đường Vành đai 3 - Cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Vành đai 3.

Giai đoạn 3 (sau năm 2031) là giai đoạn mở rộng vùng thu phí phía bờ Bắc sông Hồng. Khu vực thu phí mở rộng có ranh giới giới hạn bởi các đường Nguyễn Văn Linh - Trường Sa - Hoàng Sa - Võ Văn Kiệt - Cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Vành đai 3.

Tramoc đề nghị gọi tắt đề án là Phí giảm ùn tắc giao thông. Theo đơn vị này, bản chất việc thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông là một khoản thu mà người sử dụng ôtô sẽ phải chi trả khi đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc trong một khoảng thời gian quy định.

"Xét về khía cạnh lợi ích thì tất cả các chủ thể tham gia giao thông và toàn thể xã hội sẽ được hưởng lợi từ việc tiết kiệm thời gian đi lại và vận chuyển hàng hóa nhờ giảm ùn tắc giao thông trong khu vực thu phí", báo cáo nêu.

Tramoc cho biết, kết quả điều tra xã hội học cho thấy, mức phí chấp nhận được của người dân là 22.300 đồng. Nếu thu phí ở mức này, sẽ có khoảng 55% người sử dụng phương tiện sẽ chấp nhận trả phí để đi lại nhanh chóng bằng ôtô con, số còn lại sẽ chuyển sang các phương tiện khác được miễn hoặc giảm phí. Vì vậy, mức phí tối thiểu phải lớn hơn mức sẵn sàng chi trả của người dân thì mới có tác dụng điều tiết hành vi giao thông.

Kết quả khảo sát trực tuyến về thu phí nội đô trên trang web của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Tramoc, cùng một số kênh cộng đồng cũng như qua mã QR truy cập đường link khảo sát dán tại các nơi công cộng thu được hơn 1.000 phiếu, tính đến 10/10. Trong đó, gần 40% ủng hộ; hơn 33% ủng hộ có điều kiện và 27% không ủng hộ việc thu phí.

Theo Đề án đơn vị tư vấn trình lần đầu, từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ô tô vào nội đô (phương án trước đây là 87 trạm). Mức thu phí được xác định tối thiểu 50.000 đồng và tối đa 100.000 đồng/lượt xe ô tô.

Thời gian áp dụng thu phí xe vào nội đô là 5h - 21h hàng ngày. Tổng mức đầu tư cho việc lập hệ thống trạm thu phí vào nội đô dự tính khoảng 2.600 tỷ đồng.

Tramoc cho hay sẽ tiếp tục lấy ý kiến các sở, ngành từ ngày 24/10 đến 15/11, sau đó hoàn thiện đề án báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét, quyết định vào ngày 15/12.

Hà Nội hiện có hơn 7,6 triệu phương tiện, trong đó hơn một triệu ôtô, gần 6,5 triệu môtô các loại, khoảng 180.000 xe máy điện. Con số này chưa bao gồm phương tiện của lực lượng vũ trang, xe biển ngoại giao, biển quốc tế và của các tỉnh khác lưu thông trên thành phố.

Năm 2017, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Đề án tăng cường quản lý xe cá nhân đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó xác định nhiệm vụ xây dựng thu phí phương tiện cơ giới vào khu vực có nguy cơ ùn tắc, là một trong các giải pháp để hạn chế xe cá nhân và ô nhiễm môi trường.