12:58 07/09/2022

Từng “quay lưng”, Đức giờ đây xem điện hạt nhân là “cứu cánh” trong khủng hoảng năng lượng

Bình Minh

Đầu tuần này, Đức tuyên bố sẽ quay trở lại đốt than và duy trì hoạt động của hai nhà máy điện hạt nhân như một biện pháp cuối cùng để vượt qua mùa đông năm nay, trong bối cảnh châu Âu có thể bị Nga cắt khí đốt hoàn toàn...

Nhà máy điện hạt nhân Isar của Đức nhìn từ xa - Ảnh: Getty/CNBC.
Nhà máy điện hạt nhân Isar của Đức nhìn từ xa - Ảnh: Getty/CNBC.

Theo hãng tin CNBC, Chính phủ Đức cho biết sẽ giữ hai nhà máy điện hạt nhân Isar 2 và Neckarwestheim - tất cả đều nằm ở vùng phía Nam của nước này - trong trạng thái sẵn sàng phát điện trở lại bất kỳ lúc nào trong trường hợp cần thiết, cụ thể là khi Đức không còn lựa chọn nào khác.

Quyết định trên được đưa ra khi Đức công bố kết quả cuộc kiểm tra lần thứ hai về sức tải của mạng lưới năng lượng quốc gia. Trong cuộc kiểm tra này, giới chức Đức tính toán nhu cầu năng lượng toàn quốc dựa trên một số khả năng, từ đó xác định xem hệ thống có khả năng đáp ứng hay không.

Lần kiểm tra này tập trung vào mùa đông 2022-2023, khi nhu cầu năng lượng gia tăng do sưởi ấm. Bộ Kinh tế Đức nói rằng khả năng xảy ra “tình trạng khủng hoảng từng giờ trong hệ thống điện” vào mùa đông năm nay là “rất thấp, nhưng không thể bị loại trừ hoàn toàn ở thời điểm hiện tại”.

Đức là quốc gia châu Âu có sự lệ thuộc lớn nhất vào nguồn cung năng lượng Nga. Đó là lý do khiến Đức có thể trở thành nền kinh tế hứng chịu thiệt hại lớn nhất khi Nga liên tục giảm bơm khí đốt cho châu Âu và thậm chí có thể cắt hẳn cung cấp khí đốt cho khu vực này trong mùa đông năm nay. Nga hiện đang đóng cửa vô thời hạn Nord Stream 1, đường ống dẫn khí đốt lớn nhất nối giữa Nga với châu Âu. Ngoài ra, những đợt sóng nhiệt trong mùa hè và hạn hán kéo dài cũng gây gián đoạn nguồn cung năng lượng ở khu vực này.

“Các cuộc khủng hoảng lớn, gồm chiến tranh và biến đổi khí hậu, có ảnh hưởng rất sâu rộng”, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck nhận định. “Hạn hán trong mùa hè đã làm giảm mức nước sông hồ, làm suy giảm nguồn cung thuỷ điện tại các nước láng giềng và khiến cho chúng ta gặp khó khăn trong việc vận chuyển than tới các nhà máy nhiệt điện mà chúng ta phải sử dụng do thiếu khí đốt”.

Các nước láng giềng của Đức cũng đang chật vật xoay sở để có đủ năng lượng đáp ứng nhu cầu. Khoảng một nửa số lò phản ứng hạt nhân của Pháp đã ngừng hoạt động do nước này không thể duy trì các nhà máy điện hạt nhân đã già cỗi. Điều này sẽ đặt Pháp vào tình thế khó xoay sở hơn nếu nguồn cung khí đốt Nga tiếp tục giảm.

Đức nói rằng việc nước này là một thành viên Liên minh châu Âu (EU) là một phần lý do khiến Đức đi đến quyết định giữ hai nhà máy điện hạt nhân trong trạng thái sẵn sàng hoạt động trở lại. “Chúng tôi hiện có đủ năng lượng tại Đức và cho nước Đức. Chúng tôi cũng là một nước xuất khẩu điện. Chúng tôi còn là một phần của hệ thống châu Âu và năm nay là một năm quá đặc biệt đối với toàn bộ châu Âu”, ông Habeck nói.

Ngoài giữ nguồn điện hạt nhân, Đức cũng đang ra sức đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái sinh như điện gió và điện mặt trời, và lắp đặt các đường dây dẫn điện mới.

Nhà máy điện hạt nhân Neckarwestheim - Ảnh: Getty/CNBC.
Nhà máy điện hạt nhân Neckarwestheim - Ảnh: Getty/CNBC.

Tuy nhiên, Đức nói rằng nước này không thay đổi mục tiêu dài hạn là đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân. Thay vào đó, quyết định vừa công bố chỉ là một giải pháp tạm thời cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại.

“Điện hạt nhân là và sẽ vẫn là một công nghệ có mức độ rủi ro cao. Chất thải có độ phóng xạ cao sẽ là gánh nặng đối với hàng chục thế hệ tiếp theo. Bạn không thể đùa với điện hạt nhân được”, ông Habeck nói. “Việc kéo dài thời gian hoạt động của tất cả các nhà máy điện hạt nhân vì thế sẽ không là điều phù hợp, xét tới tình trạng an toàn của các nhà máy này. Với mục đích dự phòng, chúng tôi sẽ tính đến những rủi ro của công nghệ hạt nhân và tình huống đặc biệt trong mùa đông 2022-2023. Đó là cách chúng ta có thể hành động khi những điều tồi tệ nhất xảy đến”.

Đức vốn là một quốc gia có quan điểm thận trọng với điện hạt nhân. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy điện hạt nhân an toàn hơn sử dụng năng lượng hoá thạch. Việc đốt than và dầu để phát điện có tỷ lệ số ca tử vong tính trên mỗi đơn vị năng lượng được tạo ra lớn hơn so với năng lượng hạt nhân, theo CNBC.