20:30 24/03/2023

Vì sao Cục Hàng không đề xuất kéo dài thời gian thí điểm xác thực khuôn mặt khách đi máy bay?

Anh Tú

Sau khoảng 2 tháng thí điểm công nghệ xác thực sinh trắc học khi làm thủ tục hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, kết quả cho thấy toàn quá trình thí điểm còn nhiều hạn chế. Do đó, Cục Hàng không đề xuất cho phép thêm thời gian thí điểm...

Dùng camera nhận diện khuôn mặt để làm thủ tục được thí điểm tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.
Dùng camera nhận diện khuôn mặt để làm thủ tục được thí điểm tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải đề xuất tiếp tục thí điểm ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc học khi làm thủ tục hàng không.

SỬA ĐỔI QUY ĐỊNH VỀ GIẤY TỜ ĐI TÀU BAY

Theo Cục Hàng không Việt Nam, sau một thời gian thí điểm tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, kết quả cho thấy toàn quá trình thí điểm chưa thể hiện rõ ưu điểm, hạn chế của các phương án áp dụng.

Do đó, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải, đề xuất cho phép thêm thời gian thí điểm, rút kinh nghiệm để xây dựng những phương án áp dụng xác thực sinh trắc học tiên tiến, phù hợp, hiệu quả nhất.

Cụ thể, quá trình thử nghiệm còn tồn tại một số vấn đề như: tốc độ đọc căn cước công dân gắn chíp còn chậm, có trường hợp không đọc được do lỗi căn cước, mã căn cước bị mờ, bẩn…

Trong giai đoạn tiếp theo sẽ phát triển thiết bị kiểm tra tự động, không cần có sự kiểm soát của nhân viên an ninh hàng không nhằm tiết giảm nhân lực.

Bên cạnh đó, để việc áp dụng ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc học trong làm thủ tục đi tàu bay tuân thủ các quy định pháp luật nói chung và luật chuyên ngành hàng không dân dụng nói riêng, Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung quy định về giấy tờ đi tàu bay và thông tin hành khách.

 

Trước mắt, "sửa đổi theo hướng đưa tài khoản định danh điện tử (mức độ 2) vào danh mục được chấp nhận thay thế giấy tờ nhân thân sử dụng đi tàu bay; giảm bớt số lượng giấy tờ đi tàu bay đối với những loại giấy tờ mà cơ quan quản lý các loại giấy tờ đó đã có quy định giới hạn mục đích sử dụng", Cục Hàng không đề xuất.

Bên cạnh đó, khuyến khích sử dụng các loại giấy tờ tích hợp trong hệ thống tài khoản định danh và xác thực điện tử hoặc hệ thống dữ liệu căn cước công dân, hộ chiếu, cũng như quy định rõ hơn về việc thu thập, quản lý, sử dụng thông tin hành khách khi hành khách làm thủ tục đi tàu bay.

Những điều này nhằm giúp việc áp dụng ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc học trong làm thủ tục đi tàu bay tuân thủ các quy định pháp luật nói chung và luật chuyên ngành hàng không dân dụng nói riêng.

Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị ngành hàng không khẩn trương thực hiện các chỉ đạo của Cục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” ban hành theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

CHỈ MẤT 60 GIÂY ĐỂ XÁC THỰC MỘT KHÁCH BAY

Trước đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã triển khai thử nghiệm hệ thống xác thực hành khách sử dụng thẻ căn cước công dân điện tử trong quy trình kiểm tra an ninh hàng không đối với hành khách đi tàu bay trên các chuyến bay nội địa tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi từ đầu tháng 2/2023.

 

Theo ghi nhận của ACV cuối tháng 2, số lượng thẻ căn cước công dân được nhận dạng đạt khoảng 98%; tỷ lệ camera nhận dạng được khuôn mặt là 100%. Thời gian trung bình đọc thẻ căn cước công dân và thẻ lên tàu xấp xỉ 15 giây/hành khách, thời gian trung bình kiểm soát xong 1 hành khách là 60 giây.

Tại điểm kiểm tra an ninh hành khách nội địa, nhân viên an ninh hàng không thực hiện việc quét thẻ căn cước công dân điện tử và thẻ lên tàu bằng thiết bị chuyên dụng, đồng thời thực hiện đối chiếu khuôn mặt của hành khách với thông tin có sẵn trong thẻ căn cước công dân.

Hệ thống xác thực căn cước công dân và trả kết quả xác thực thông tin hành khách, thông tin hành trình, đối sánh với danh sách cấm bay, kiểm tra trực quan bắt buộc, kiểm tra trực quan hành lý ký gửi.

Trường hợp hệ thống ghi nhận thông tin trên thẻ căn cước công dân và hình ảnh đối sánh khuôn mặt trùng khớp, đúng thông tin về hành trình, nhân viên an ninh hàng không cho hành khách di chuyển vào khu vực soi chiếu.

Còn trường hợp một trong các thông tin không trùng khớp hoặc tên của hành khách trùng với danh sách cấm bay hoặc cần phải kiểm tra trực quan, nhân viên an ninh thực hiện quy trình kiểm tra an ninh theo quy định.

Theo đó, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đã triển khai thí điểm 1 làn riêng dành cho hành khách đi tàu bay nội địa có sử dụng thẻ căn cước công dân điện tử. 

 

Việc thí điểm triển khai xác thực sinh trắc học khi công dân làm thủ tục đi tàu bay tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi từ đầu tháng 2/2023. Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu ACV chỉ đạo các đơn vị trực thuộc mở rộng phạm vi thí điểm, bảo đảm tính đồng bộ, toàn trình, ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc học ngay từ khi hành khách làm thủ tục đi tàu bay chuyến bay nội địa, gửi hành lý ký gửi, hàng hóa ở quầy check-in, ở điểm kiểm tra an ninh và ở cửa ra tàu bay (boardinggate).

ACV cũng được yêu cầu nghiên cứu phương án công nghệ để xử lý các tình huống như hành khách tự làm check-in tại kiosk hoặc trên điện thoại..., yêu cầu đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ hoàn thiện các thủ tục pháp lý, có giải pháp bảo đảm an toàn thông tin của khách.