14:21 01/07/2022

Vì sao doanh nghiệp niêm yết vẫn liên tục vi phạm quy định công bố thông tin bất thường?

Đỗ Mến

Mặc dù việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán ngày càng gia tăng nhưng sau lùm xùm của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã ITA) tiếp tục cho thấy việc công bố thông tin bất thường vẫn “bập bõm”...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Kể từ cuối tháng 5 đến tháng 6/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) liên tục gửi công văn yêu cầu ITA công bố thông tin về việc tòa án mở thủ tục phá sản đối với Công ty Tân Tạo, cổ phiếu ITA xuất hiện đà giảm mạnh, từ vùng 12.000 đồng/cp. Đỉnh điểm, trong phiên giao dịch ngày 27/6, cổ phiếu ITA giảm sàn xuống 8.300 đồng/cp, khối lượng dư bán sàn hơn 17,7 triệu đơn vị.

HOSE LIÊN TỤC NHẮC NHỞ

Vào ngày 28/6/2022, HOSE có công văn số 1128 nhắc nhở và yêu cầu ITA phải công bố thông tin. Theo văn bản trên, ngày 23/5/2022, sau khi nhận được thông tin liên quan đến việc mở thủ tục phá sản ITA của Tòa án nhân dân TP.HCM từ quản tài viên, HOSE đã gửi công văn số 892 yêu cầu công ty xác minh và công bố thông tin. Qua quá trình trao đổi với công ty bằng văn bản, ngày 14/6/2022, HOSE đã có cuộc họp với đại diện công ty để làm rõ yêu cầu thực hiện công bố thông tin các quyết định của tòa án theo quy định. Nhưng đến nay HOSE vẫn chưa nhận được thông tin từ phía công ty.

HOSE cho biết, căn cứ quy định tại điểm p và r, khoản 1, Điều 9, Thông tư 155/2015/TT-BTC, nay là điểm o và p khoản 1, Điều 11, Thông tư 96/2020/TT-BTC quy định: “Công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện sau đây: o) Khi nhận được bản án, quyết định đa có hiệu lực pháp luật của Tòa án liên quan đến hoạt động của công ty; Quyết định xử phạt vi phạm pháp luật về thuế; p)Công ty nhận được thông báo của Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp”.

Do đó, HOSE tiếp tục nhắc nhở và yêu cầu công ty xác nhận thông tin và công bố trong vòng 24h kể từ khi nhận được công văn này các quyết định của Tòa án theo quy định cùng những thông tin có liên quan đến quá trình xử lý vụ việc trong những năm qua để đảm bảo quyền lợi của cổ đông được tiếp cận nguồn thông tin chính thống từ phía công ty.

Hiện nay, pháp luật quy định công ty đại chúng phải tuân thủ việc công bố thông tin định kỳ và thông tin bất thường. Thông tin định kỳ là Báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán, Báo cáo thường niên, thông tin họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, Báo cáo tình hình quản trị công ty. Còn thông tin bất thường gồm các thông tin liên quan đến tài khoản bị phong tỏa, cổ tức, tổ chức lại doanh nghiệp (chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp), thay đổi kỳ kế toán, góp vốn, giao dịch nội bộ hoặc người liên quan, mua bán tài sản có giá trị lớn; quyết định khởi tố; bản án, quyết định của tòa án, quyết định xử phạt về thuế…

Theo Điều 11, Thông tư số 96/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính, hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (thay thế Thông tư 155/2015/TT-BTC), doanh nghiệp đại chúng phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ sau xảy ra một trong các sự kiện nêu trên.

Báo cáo khảo sát công bố thông tin của Chương trình IR Awards 2022 do Vietstock, Hiệp hội Các nhà Quản trị Tài chính Việt Nam - VAFE và Tạp chí điện tử Fili đồng tổ chức ghi nhận, tỷ lệ doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn công bố thông tin có chuyển biến rất tích cực trong thời gian 2011-2022, từ mức chỉ 3% (năm 2011) đến nay đạt 52% năm 2022 (ghi nhận có 385/736 đơn vị đạt chuẩn). Điều này cho thấy sự chuyển biến tích cực trong việc chấp hành đúng quy định của cơ quan chức năng về công bố thông tin của doanh nghiệp và sự gia tăng minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán.

Số liệu cũng cho thấy, nếu như trong năm 2021, doanh nghiệp thường chưa đáp ứng được quy định về công bố thông tin liên quan đến Đại hội đồng cổ đông thì trong năm 2022 các lỗi này vẫn tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp bị nhắc nhở, vi phạm công bố thông tin tăng đột biến từ 88 doanh nghiệp lên 183 doanh nghiệp.

Ủy ban chứng khoán Nhà nước hàng ngày, hàng giờ vẫn thường xuyên cập nhật các trường hợp vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp công ty đại chúng “bỏ qua” nghĩa vụ công bố thông tin bất thường, nhất là những thông tin liên quan đến quyết định của tòa án, hay quyết định xử phạt vi phạm nghĩa vụ thuế.

CẦN TIẾNG NÓI MẠNH MẼ CỦA CỔ ĐÔNG

Những thông tin liên quan đến bản án, quyết định của tòa án hay cơ quan thuế luôn được xem là những nguồn tin “nhạy cảm”, có thể tác động hoặc làm ảnh hưởng đến hình ảnh của doanh nghiệp với các đối tác.

Ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, có một phần nguyên nhân là sự kiện này ít khi xảy ra nên dẫn đến việc doanh nghiệp dễ bỏ sót việc công bố thông tin. Tuy nhiên, ngoài sự “vô tình” thì còn có cả sự “hữu ý” của doanh nghiệp. Bởi lẽ, các bản án thường trình bày sự việc tranh chấp cụ thể, chi tiết, đôi khi chứa đựng các thông tin về bí quyết kinh doanh, quan hệ đối tác, các thỏa thuận nhạy cảm nên doanh nghiệp e ngại công bố.

Theo khoản 2 và khoản 4 Điều 42, Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, hành vi công bố thông tin không đúng hạn có thể phải chịu chế tài phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng. Còn với hành vi không công bố thông tin theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con; hay không xác nhận/đính chính thông tin hoặc xác nhận/đính chính thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật khi có thông tin làm ảnh hưởng đến giá chứng khoán hoặc khi nhận được yêu cầu xác nhận, đính chính thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con… thì có thể bị phạt tiền tới 100 triệu đồng.

Nghị định này cũng quy định đối với hành vi tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán bị phạt tiền từ 100 triệu đồng – 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải khắc phục hậu quả bằng cách hủy bỏ hoặc cải chính thông tin.

Nếu như khung pháp lý đã và đang dần hoàn thiện nhưng qua các trường hợp vi phạm trên thị trường có thể thấy, ở góc độ nhà đầu tư, khi cơ quan quản lý “vào cuộc nhắc nhở” tức là “sự việc đã rồi” còn thị trường luôn biến động từng giây, từng phút. Do đó, hành động của cơ quan quản lý cần tương thích với tính chất biến động nhay nhạy của thị trường bằng cách kiểm soát tốt việc công bố thông tin của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, để đưa hoạt động công bố thông tin nói chung, công bố các thông tin bất thường nói riêng vào khuôn khổ, ông Nguyễn Kim Long cho rằng, bên cạnh vai trò giám sát của cơ quan quản lý, cũng cần tiếng nói mạnh mẽ của cổ đông - những “ông chủ” của doanh nghiệp.