09:46 01/11/2023

Vì sao doanh nghiệp Việt chưa mặn mà xuất khẩu sản phẩm cho người Hồi giáo?

Mộc Minh

Sản phẩm Halal (tiêu chuẩn xác nhận có thể sử dụng cho người theo đạo Hồi) từ Việt Nam chỉ có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu sang các thị trường Halal…

Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tới cộng đồng người Hồi giáo.
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tới cộng đồng người Hồi giáo.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các quốc gia Hồi giáo trong khu vực ASEAN mới chỉ đạt trên 26,37 tỷ USD, trong đó lớn nhất là Indonesia 10,18 tỷ USD, trong 9 tháng đầu năm 2023.

Lý giải về thực tế này, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), cho rằng nguyên nhân là sự khác biệt về văn hóa kinh doanh, thị hiếu tiêu dùng và đặc biệt là quy trình khắt khe của việc xin chứng nhận Halal, vốn không có giá trị vĩnh viễn và giá trị cũng khác nhau với từng nước Hồi giáo. Ví dụ, theo kinh nghiệm của Bidrico, cần 12 bước để được cấp chứng nhận Halal cho sản phẩm.

Còn bà Bà Lê Thị Phượng, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Mekong Herbals, đơn vị đã có chứng nhận Halal, xác nhận quy trình rất phức tạp, đòi hỏi có kiến thức, kỹ năng chuyên môn. Quy định đặt ra một số giới hạn trong sản xuất như nguyên liệu không chứa thành phần từ lợn, chất gây nghiện hoặc các sản phẩm bị cấm trong đạo Hồi; dụng cụ không tiếp xúc với các sản phẩm không Halal, tức phải có dây chuyền sản xuất riêng với sản phẩm thông thường.

"Chi phí đầu tư cao, quá trình đạt chứng nhận đòi hỏi thời gian, công sức, tài chính là thách thức cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bản thân nhà máy cũng phải đạt chuẩn GMP, ISO, HACCP trong khi vùng nguyên liệu cũng cần các chuẩn Global GAP, Organic", bà Phượng nói.

Bà Kim Chi cho biết thêm, bình quân mỗi năm Việt Nam có 50 doanh nghiệp được chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, bánh kẹo, là con số rất khiêm tốn. Tại FFA, mới một số đơn vị có tiềm lực như Vinamilk, Bột Quốc tế, Tân Quang Minh, Bibica, Cholimex, Hùng Hậu có chứng nhận Halal và xuất khẩu.

“Việt Nam chưa có cơ quan nhà nước hướng dẫn và cấp chứng nhận Halal mà chỉ có vài tổ chức tư nhân, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận và phát sinh chi phí lớn, làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu”, bà Chi nhận định.

Tuy nhiên, các nước có cộng đồng người Hồi giáo lớn đang mời gọi Việt Nam hợp tác sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm chuẩn Halal khi nhu cầu ngày càng tăng.

Hiện tại quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu là 7.000 tỷ USD, dự kiến đạt 10.000 tỷ USD trước 2028. Theo Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), người Hồi giáo đã chi 2.000 tỷ USD cho thực phẩm, quần áo, du lịch, dược phẩm và phong cách sống năm ngoái.

Chi tiêu này dự kiến đạt 2.800 tỷ USD vào 2025. Riêng thị trường thực phẩm Halal Đông Nam Á có quy mô 230 tỷ USD.

Thông tin tại "Diễn đàn hợp tác và phát triển ngành Halal trong khối ASEAN" được tổ chức ngày 31/10/2023, ông Agustaviano Sofjan, Tổng lãnh sự Indonesia tại TP.HCM, cho biết với số người theo đạo Hồi đông nhất thế giới, Indonesia xếp hạng 4 trong cộng đồng kinh tế các nước Hồi giáo. Cơ hội đang rộng mở với quy mô tiêu dùng sản phẩm Halal hiện đạt 180 tỷ USD và dự báo tăng lên 281 tỷ USD vào 2025.

Còn bà Rosmizah Binti Mat Jusoh, Tổng Lãnh sự quán Malaysia tại TP.HCM, cho rằng phía Malaysia cũng "khát" nguồn cung các sản phẩm Halal, vẫn còn khoảng 80% trong việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ Halal để đáp ứng nhu cầu.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, (thứ 3 từ trái sang) :"Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, việc khai mở các thị trường mới là "chìa khóa vàng" để đẩy mạnh xuất khẩu" . Ảnh: PT.
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, (thứ 3 từ trái sang) :"Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, việc khai mở các thị trường mới là "chìa khóa vàng" để đẩy mạnh xuất khẩu" . Ảnh: PT.

Bên cạnh đó, Singapore cũng có nhu cầu cao về hàng hóa Halal, dù người đạo Hồi chỉ chiếm 14% dân số. Thị trường Halal tại Singapore dự kiến tăng trưởng 8%-10% trong vài năm tới, theo ông Jason Yeo, Phó chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Singapore tại và Trung Á.

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), cho biết nhiều quốc gia là các thị trường tiêu dùng Hồi giáo hoặc xuất khẩu sản phẩm Halal lớn trên thế giới như Indonesia, Malaysia, Arad Saudi bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong đầu tư, phát triển ngành Hala để phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Theo ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, việc đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, khai mở các thị trường mới là "chìa khóa vàng" để đẩy mạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên, để xuất khẩu sản phẩm Halal, ông Tee Ramlan, Giám đốc Vietnam Halal Center (VHC) nhấn mạnh đến việc cần phát triển nguồn nhân lực, đào tạo lao động tay nghề cao cho ngành Halal.