11:00 18/07/2023

Giải pháp cần linh hoạt, phù hợp: Khơi thông xuất khẩu nông sản

Chương Phượng

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2023 dự kiến là 54 - 55 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị kịp thời cập nhật chính sách nông nghiệp của các quốc gia nhập khẩu, đưa ra các giải pháp ứng phó linh hoạt, phù hợp. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng mới; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu…

Xuất khẩu thủy sản gặp rất nhiều khó khăn
Xuất khẩu thủy sản gặp rất nhiều khó khăn

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 12,79 tỷ USD, tăng 12%; sản phẩm chăn nuôi đạt 232 triệu USD, tăng 26,5%; thủy sản đạt 4,13 tỷ USD, giảm 27,4%; lâm sản chính đạt 6,5 tỷ USD, giảm 28,2%.

GẠO, HẠT ĐIỀU TẠO NÊN ĐIỂM SÁNG

Khái quát về tình hình sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 3,1%, trong đó: trồng trọt tăng 2,11%, chăn nuôi tăng 4,88%, lâm nghiệp tăng 3,43%, thủy sản tăng 2,96%. Tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản nửa đầu năm nay đạt 3,07%; trong đó: nông nghiệp tăng 3,14%; lâm nghiệp tăng 3,43%; thủy sản tăng 2,77%.

Giải pháp cần linh hoạt, phù hợp: Khơi thông xuất khẩu nông sản  - Ảnh 1

Đối với ngành thủy sản, dù đang đối mặt với nhiều khó khăn do thị trường xuất khẩu giảm, song tổng sản lượng thủy sản thu hoạch trong nửa đầu năm vẫn đạt 4,27 triệu tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: khai thác thủy sản đạt 1,93 triệu tấn, tăng 0,2%; sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch đạt 2,34 triệu tấn, tăng 3% (trong đó cá tra 789,3 nghìn tấn, tăng 2,2%; tôm sú 119,3 nghìn tấn, tăng 1,2%; tôm thẻ 315,2 nghìn tấn, tăng 5,2%).

 

Về thị trường xuất khẩu: Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 21,4%, tăng 7,7%; xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 20,2%, giảm 32,9% và xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 7,7%, giảm 5,3%.

Về tình hình xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhóm nông sản chính 12,79 tỷ USD, tăng 12%; thủy sản 4,13 tỷ USD, giảm 27,4%; lâm sản chính 6,5 tỷ USD, giảm 28,2%; đầu vào sản xuất 940 triệu USD, giảm 28,9%; muối 2,4 triệu USD, giảm 14,2%.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2023, gạo và hạt điều là 2 sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: gạo tăng 2,2% khối lượng, tăng 34,7% giá trị; xuất khẩu hạt điều tăng 10,5% khối lượng, tăng 7,7% giá trị. Riêng xuất khẩu cà phê tuy giảm về khối lượng (đạt 1,02 triệu tấn, giảm 2,2%), nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 5,2% nên giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.

VẪN CÒN NHIỀU TỒN TẠI, HẠN CHẾ

Đánh giá về ngành nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chỉ ra những vấn đề tồn tại, hạn chế. Đó là tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm và thị trường xuất khẩu bị suy giảm, trong đó đáng quan ngại nhất là thủy sản và lâm sản. Các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hiệu quả chưa thật sự ổn định. Liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao để giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến.

Bên cạnh đó, kết nối liên vùng, liên ngành ở nhiều địa phương, nhiều ngành hàng còn rời rạc. Tình trạng nhập lậu sản phẩm chăn nuôi qua biên giới ảnh hưởng đến điều tiết, quản trị sản xuất kinh doanh và tác động đến thu nhập của nông dân, lợi nhuận của doanh nghiệp. Tình hình vi phạm về phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật vẫn còn tồn tại điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ, nhất là các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Nhận định về tình hình nửa cuối năm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng những khó khăn từ tác động của giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; thời tiết diễn biến bất thường, El Nino nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất.

Giải pháp cần linh hoạt, phù hợp: Khơi thông xuất khẩu nông sản  - Ảnh 2

Trong khi đó, sức chịu đựng của doanh nghiệp ngành nông nghiệp đã tới hạn, khả năng tiếp cận tài chính bị thắt chặt, tạo thách thức rất lớn để duy trì sản xuất kinh doanh, chờ cơ hội tích cực hơn từ thị trường xuất khẩu.

Trong bối cảnh đầy thách thức, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn kiên định các mục tiêu của cả năm 2023. Cụ thể: tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5%, trong đó giá trị sản xuất (GTSX) trồng trọt tăng 1,49%; sản lượng lúa 42,9 triệu tấn; GTSX chăn nuôi tăng 7,01%; sản lượng thịt lợn 4,5 triệu tấn và sản lượng thịt gia cầm 2,095 triệu tấn; GTSX thủy sản tăng 3,27%; tổng sản lượng thủy sản 9,05 triệu tấn (nuôi trồng 5,37 triệu tấn, khai thác 3,68 triệu tấn); GTSX lâm nghiệp tăng 3,22%; sản lượng gỗ khai thác 22 triệu m3.

PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG LÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Năm 2023, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản là 54 - 55 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng cần thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm.

Nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết thêm đã kết nối với các tham tán của Việt Nam tại Hoa Kỳ, châu Âu để liên hệ với các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu, mở cửa thị trường cho con tôm. Bên cạnh đó là mở rộng quy mô xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Nhật Bản…

Tại hội nghị sơ kết ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến nhiệm vụ phát triển thị trường, nhằm tăng tổng cầu, tiêu thụ hết nông sản do nông dân sản xuất ra. Bộ trưởng yêu cầu Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cần tập trung các giải pháp logistic gắn với đổi mới hệ thống phân phối nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc và nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 29-2023 phát hành ngày 17-07-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Giải pháp cần linh hoạt, phù hợp: Khơi thông xuất khẩu nông sản  - Ảnh 3