Vì sao Hà Nội quyết tâm xây dựng hạ tầng kỹ thuật 41 cụm công nghiệp trong năm nay?
UBND Hà Nội giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành địa phương phải phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy xây dựng hạ tầng 41 khu công nghiệp đúng tiến độ, chất lượng...
Trong bản kế hoạch số 89 được ban hành ngày 17/3, UBND thành phố Hà Nội nêu rõ, thời gian qua, việc đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố còn chậm tiến độ.
Những năm qua, UBND Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt nhằm thúc đẩy, tháo gỡ vướng mắc để xây dựng hạ tầng 43 khu công nghiệp, đến nay đã xây dựng hoàn thành 2 khu công nghiệp tại Phú Xuyên, 10 cụm công nghiệp đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đang tổ chức thẩm định xin giao đất, cho thuê đất, tuy nhiên tiến độ xây dựng các khu công nghiệp còn rất chậm so với tiến độ đã đề ra.
Những nguyên nhân gây tiến độ chậm chủ yếu do vướng mắc về cơ chế chính sách như quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thủ tục xin chủ trương cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất những khu đất có diện tích từ 10 hecta trở lên gặp nhiều khó khăn…
Để khắc phục tồn tại, khó khăn, Hà Nội đề ra các giải pháp cụ thể gồm điều chỉnh, gia hạn tiến độ thực hiện dự án đối với các cụm công nghiệp đã hết hạn; thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; báo cáo đánh giá tác động môi trường…
UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chịu trách nhiệm toàn diện trước thành phố về triển khai kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, rút ngắn tối thiểu 50% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định…
Với các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, thành phố yêu cầu bảo đảm khởi công xây dựng theo đúng tiến độ, chuẩn bị các nguồn lực để dự án hoàn thành đúng tiến độ; chủ động kêu gọi, thu hút, tiếp nhận dự án đầu tư vào cụm công nghiệp trên cơ sở quy hoạch chi tiết và ngành nghề đã được phê duyệt; ưu tiên các nhà đầu tư, dự án sử dụng công nghệ mới, kỹ thuật cao, hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường.
Theo kế hoạch 89, năm 2022 Hà Nội sẽ quyết tâm hoàn thành hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp như: cụm công nghiệp làng nghề Phú Yên, cụm công nghiệp làng nghề Yên Từ tại huyện Phú Xuyên; Cụm công nghiệp Đình Xuyên, cụm công nghiệp Phú Thị (giai đoạn 2) huyện Gia Lâm.
Ngoài ra tại các huyện Thạch Thất, Đan Phượng, Ứng Hòa, Đông Anh… cũng tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp chưa xây dựng hạ tầng kỹ thuật nên thành phố Hà Nội đã giao nhiệm vụ cụ thể và đốc thúc để các địa phương này hoàn thành.
Năm 2021, các khu công nghiệp của Hà Nội thu hút đầu tư được 7 dự án mới với vốn đăng ký 27 triệu USD và 315 tỷ đồng; 26 dự án đầu tư mở rộng với vốn đăng ký 147 triệu USD và 2.039 tỷ đồng. Tổng mức thu hút đầu tư đạt 275 triệu USD quy đổi (đạt 92% so với kế hoạch năm 2021 và gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2020).
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, song tổng mức thu hút đầu tư công nghiệp của Hà Nội đây vẫn tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2020, cho thấy dư địa phát triển và tiềm năng của khu vực này.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Tuyến Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Hà Nội còn một số hạn chế, bất cập còn tồn tại trong thu hút đầu tư, 13 năm qua, Hà Nội chưa có thêm các khu công nghiệp thành lập mới.