09:43 07/07/2009

Vì sao người Nhật làm việc “lặt vặt”?

Kiều Oanh

Nhật Bản muốn công dân của họ làm những công việc bị xem là thừa còn hơn là không làm gì

Một cô gái đứng giới thiệu sản phẩm điện thoại di động, tại một cửa hàng điện tử ở Tokyo, Nhật, ngày 17/6 - Ảnh: Reuters.
Một cô gái đứng giới thiệu sản phẩm điện thoại di động, tại một cửa hàng điện tử ở Tokyo, Nhật, ngày 17/6 - Ảnh: Reuters.
Hơn bất kỳ một quốc gia nào khác trên thế giới, Nhật Bản là hình mẫu của kỹ thuật tự động hóa.

Nhà sản xuất nào trên đất nước này cũng tự hào về mức độ sử dụng nhiên liệu hiệu quả và ít rác thải. Những con tàu điện ngầm và nhà ga ở đây là mẫu mực cho tính chính xác và sự ứng dụng của công nghệ thông tin.


Trong chuyến thăm tới Nhật mới đây, tác giả bài viết này, nhà bình luận Daniel Gross của tờ Newsweek (Mỹ), đã ghé qua nhà máy sản xuất ô tô mang tên Tsutsumi của hãng Toyota. Nằm cạnh trụ sở của Toyota tại Toyoda City, nhà máy có công suất 400.000 chiếc xe mỗi năm này là một nơi cực kỳ sạch sẽ, sáng sủa, và rất thưa công nhân. Khu vực hàn của nhà máy trông không khác gì một cảnh phim “Kẻ hủy diệt” của điện ảnh Hollywood, với hàng loạt robot (người máy) đang làm công việc hàn những tấm kim loại.

Ngày tiếp theo, tác giả tới thăm một công ty nhỏ ở Osaka. Công ty này nuôi hy vọng những con robot mang hình dáng phụ nữ do họ sản xuất sẽ chiếm một thị phần nào đó trên thị trường ma-nơ-canh. Các kỹ sư ở đây còn giới thiệu cho tác giả một loại robot có thể khiêu vũ và một loại robot có thể nhận biết được người đối diện là nam giới hay phụ nữ, thậm chí có thể đoán tuổi của người đó!

Nhưng trong những ngày dạo quanh nước Nhật, tác giả Daniel Gross còn bất ngờ hơn phát hiện ra rằng, song song với việc tự động hóa, đất nước này hình như cũng đang "lãng phí" nhân lực. Có một số lượng lớn người Nhật làm những công việc như thể chỉ là đứng loanh quanh, chào khách và hướng dẫn lối vào siêu thị, nhà hàng, khách sạn và các tòa nhà văn phòng.

Khi tác giả bước vào một khách sạn tầm trung, một lượng nhân viên khá đông lao ra chào đón, xách hành lý, hướng dẫn thủ tục… Tại một siêu thị có tên Takashimiya, hai phụ nữ đứng cạnh cầu thang máy để bấm nút gọi thang cho khách. Tại các bãi đỗ xe ở Tokyo, đâu đâu cũng có 6 nhân viên mặc đồng phục chuyên nhiệm vụ chào và tạm biệt khách. Khi đoàn thăm quan của gác giả tới thăm Liên đoàn Sắt thép Nhật Bản, họ chứng kiến cảnh ba phụ nữ, thay vì những con robot, cặm cụi lau chùi các vết bẩn.

Đi tới nơi nào ở Nhật, tác giả cũng cảm thấy sự "lãng phí" trên khi chứng kiến người Nhật dành thời gian quý giá để làm những công việc bị xem là không cần thiết, hoặc chỉ cần một người làm là đủ.

Tại một bữa trưa cho 20 người ở Trung tâm Báo chí Nippon, đoàn thăm quan được chào đón bởi 6 người phục vụ, khiến họ có cảm giác mình là những nhà quý tộc! Ngay cả ở những cơ quan chính phủ Nhật, lượng nhân viên phụ trách vấn đề báo chí cũng khá đông đảo, chuyên làm công việc in ấn và phát tài liệu cho các nhà báo. Trong khi đó, nếu muốn lấy thông tin từ một cơ quan chính phủ ở Mỹ, các nhà báo thường nhận được thông tin chứa trong thẻ nhớ hoặc đĩa CD.

Khi tác giả tới một đồn cảnh sát ở Nhật để nhờ giúp đỡ vì lo đã bị mất hộ chiếu, viên cảnh sát trực ở đó mẫn cán mất 30 phút dùng bút điền thông tin vào một tờ khai. Ở đây, không có một chiếc máy tính nào cả.

Theo tác giả Daniel Gross, sự "lãng phí" nhân lực của Nhật bắt nguồn từ truyền thống đề cao thái độ lịch sự và nhã nhặn của nước này. Những phép giao tiếp xã hội và giao dịch trong kinh doanh của nước này thường mất nhiều thời gian hơn vì sự cần thiết phải chào hỏi và tạm biệt đúng cung cách. Công nghệ ở đây dường như chỉ để dùng cho việc di chuyển con người, hàng hóa và thông tin, chứ không phải để hoàn thiện hoạt động giao tiếp và giao dịch của con người.

Với mạng lưới bảo hiểm y tế phổ rộng và chương trình lương hưu toàn quốc, người Nhật dành sự kính trọng cho những công việc phục vụ cấp thấp.

Ngoài ra, sự lãng phí nhân lực này còn có thể phục vụ cho mong muốn về tỷ lệ thất nghiệp thấp trong xã hội Nhật. Đất nước này muốn công dân của họ làm những công việc bị xem là thừa còn hơn là không làm gì. Bởi thế, trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sau Chiến tranh, tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật chỉ là 2%.

Hiện nay, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật là khoảng 5%, so với mức gần 9,5% ở Mỹ.

(Theo Newsweek)