16:18 30/06/2009

Suy thoái thay đổi cách nhìn của giới trẻ Nhật

Kiều Oanh

Người trẻ Nhật từ lâu vẫn bị xem là có thái độ hờ hững với những vấn đề “đao to búa lớn” nay bỗng trở nên sôi nổi hơn

Một thanh niên Nhật đang tập hô khẩu hiệu biểu tình - Ảnh: New York Times.
Một thanh niên Nhật đang tập hô khẩu hiệu biểu tình - Ảnh: New York Times.
Một nhóm thanh niên Nhật Bản mới đây đã tụ tập tại một công viên ở Tokyo, mang theo biểu ngữ và loa đài, hô vang những khẩu hiệu chỉ trích Chính phủ Nhật Bản, cũng như tình trạng thiếu việc làm và cơ hội cho họ. Thời gian qua, những vụ tụ tập như thế này đã lặp đi lặp lại ở khu vực Koenji của Tokyo.

Có lẽ ở nhiều nơi trên thế giới, những vụ việc như vậy không hề khiến người ta phải ngạc nhiên, nhưng ở một đất nước đề cao sự tuân thủ như ở Nhật, những cảnh tượng này là một sự tương phản gay gắt với những luật lệ. Từ thập niên 1960 - khi các cuộc biểu tình phản đối của giới trẻ trở thành bạo lực - tới nay, ngay cả những dạng phản đối nhẹ nhàng nhất của thanh niên cũng bị xem là một điều cấm kỵ.

Thay đổi vì suy thoái

Tuy nhiên, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đã làm thay đổi tất cả. Người trẻ Nhật từ lâu vẫn bị xem là có thái độ hờ hững với những vấn đề “đao to búa lớn” nay bỗng trở nên sôi nổi hơn. “Tôi tới đây vì muốn thay đổi xã hội. Các bạn sẽ đi cùng tôi chứ”, một lãnh đạo nhóm biểu tình - anh Yoshihiro Sato, 28 tuổi, nói với đám đông khoảng 50 người.

Không giống như thế hệ của thập niên 60 - thế hệ đã khởi xướng cho sự thay đổi nền móng tư sản trong xã hội Nhật - anh Sato và những người trẻ khác đang đấu tranh cho những đòi hỏi từng bị xem là tư sản. Họ muốn có những cơ hội nghề nghiệp lớn hơn, mức độ bảo đảm việc làm tốt hơn, và một mạng lưới an sinh xã hội mạnh hơn.

Sau nhiều thập kỷ ròng những cuộc biểu tình phản đối vắng bóng hoàn toàn trên đất nước mặt trời mọc, khái niệm phản đối ở Nhật đã trở nên xa lạ đến nỗi nhiều người muốn tham gia những buổi tập trung phảnn đối gần đây được yêu cầu phải trải qua một lớp đào tạo cơ bản.

Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương có trụ sở ở Tokyo, một viện nghiên cứu thường tổ chức các hội thảo về các vấn đề xã hội như đói nghèo… đã tổ chức buổi tuần hành gần đây. Sau khi nhận thấy sự quan tâm gia tăng của những người trẻ muốn tham gia vào các vấn đề xã hội nhưng không biết bắt đầu từ đâu, trung tâm này bắt đầu chương trình đào đạo các nhà hoạt động xã hội được xem là đầu tiên của Nhật. Các khóa học bao gồm các bài đào tạo về làm biểu ngữ và tiến hành chiến dịch trên mạng.

“Một khi hoàn thành công tác đào tạo, chung ta sẽ tổ chức biểu tình trên khắp nước Nhật”, ông Seiko Uchida, người đứng đầu trung tâm, tuyên bố trước một đám đông đang reo hò.

Người trẻ khổ hơn người già

Tuyên bố này nghe có vẻ cường điệu, nhưng đúng là suy thoái kinh tế đang ảnh hưởng tới giới trẻ Nhật nhiều hơn bất kỳ tầng lớp dân số nào ở nước này. Tỷ lệ thất nghiệp ở tầng lớp người Nhật có độ tuổi 15-24 đã lên tới 9,6% trong tháng 4, so với mức 5% thất nghiệp nói chung của cả nước.

Trong khi đó, các chế độ trợ cấp thất nghiệp và phúc lợi xã hội tại Nhật là rất mỏng manh. Thay vào đó, chi tiêu của Chính phủ nước này nghiêng về mảng lương hưu và chăm sóc y tế cho người già.

Trong quý 1 năm nay, kinh tế Nhật tăng trưởng âm 14,2% so với cùng kỳ năm trước do sự sụt giảm xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu xuống dốc. Nhiều người mất việc ở Nhật trong lần suy thoái này là những người trẻ, làm những công việc tạm thời - sản phẩm của một thời kỳ nới lỏng các quy định kéo dài đã một thập kỷ ở nước này.

Sự chênh lệch trong mối quan tâm của Chính phủ dành cho các thế hệ khác nhau đã thổi bùng lên mối xung đột thế hệ tại Nhật, đặc biệt giữa những người được hưởng “trái ngọt” của thời kỳ kinh tế Nhật tăng trưởng như vũ bão sau chiến tranh và tầng lớp trẻ hơn tới tuổi trưởng thành trong “thập kỷ mất mát” vào những năm 1990 khi tăng trưởng kinh tế nước này đình trệ, cũng như những ai trưởng thành trong thời kỳ kinh tế Nhật phục hồi yếu ớt sau đó.

Khi những công ty như Canon và Toyota bắt đầu sa thải nhân viên hợp đồng ngắn hạn ở thời điểm cuối năm ngoái, nhiều người mất việc đã công khai bày tỏ thái độ bất bình. Họ thể hiện sự giận dữ ngay trước mặt lãnh đạo ngoài cổng nhà máy, trước ống kính ghi hình của các kênh truyền hình. Nhiều người thậm chí còn đâm đơn kiện chủ sử dụng lao động cũ của họ.

Trong kỳ nghỉ năm mới của năm nay, khoảng 500 công nhân mất việc và không có chỗ ở đã tập trung trong một công viên ở gần trung tâm Tokyo, dựng lều ngay gần văn phòng của Bộ Lao động Nhật. Vụ việc đã trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trên các phương tiện truyền thông Nhật và buộc người Nhật phải tự vấn về những khó khăn mà tầng lớp trẻ tuổi ở nước này đang phải đối mặt.

"Một phong trào đang hình thành"

Ở thời điểm này, người lao động ở Nhật đang tích cực tham gia vào các tổ chức công đoàn. Anh Masahiro Mukasa, một nhạc sỹ gặp khó, đã thành lập một tổ chức công đoàn cho các nghệ sỹ và nhạc sỹ tự do. Tổ chức mang tên Indy Union này dự định sẽ giúp các thành viên đàm phán với những ông chủ sử dụng lao động áp dụng chế độ đãi ngộ tồi tệ.

“Mọi người cứ nghĩ là các nhạc sỹ vẫn ổn, nhưng chúng tôi cũng cần kiếm sống. Chúng tôi muốn cho mọi người thấy là đời sống của mình cũng đang bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế tồi tệ này”, anh Mukasa nói.

Tuy nhiên, trong một xã hội đề cao sự tuân thủ và trật tự như Nhật Bản, phần lớn người Nhật vẫn rất dè dặt với sự đối đầu và phản kháng. Tới thời điểm này, chưa có gì chứng tỏ là sẽ diễn ra một phong trào phản đối lớn ở Nhật Bản. “Người Nhật cảm thấy xấu hổ khi tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối. Nhiều người vẫn nhìn nhận điều này với thái độ hoài nghi, cứ như thể là chúng tôi đang chế tạo bom vậy”, ông Makoto Yuasa, một nhà hoạt động lâu lăm, cho biết.

Mặc dù vậy, theo Giáo sư Yoshitaka Mouri thuộc Đại học Tokyo, đây vẫn là sự chuyển biến thái độ xã hội mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây ở Nhật. “Một phong trào đang hình thành trong giới trẻ Nhật”, ông nói.

Vậy liệu những người trẻ Nhật có tư tưởng phản đối sẽ giành được ảnh hưởng chính trị tới mức độ nào? Các chuyên gia không cho rằng họ sẽ trở thành một lực lượng lớn trong cuộc bỏ phiếu bầu Quốc hội Nhật diễn ra vào năm nay. Các cử tri trẻ ở Nhật vẫn thua tầng lớp cử tri cao tuổi về mặt số lượng, và mới chỉ tập trung chủ yếu ở một số thành phố lớn.

Để xoa dịu tâm trạng bất mãn của thanh niên, Chính phủ Nhật đã tăng cường chi tiêu cho các chương trình phục vụ tầng lớp này. Trong gói kích thích kinh tế mới nhất, Thủ tướng Taro Aso đã cam kết dành 1,9 nghìn tỷ Yên, tương đương 19 tỷ USD, cho những chương trình cải thiện tình trạng việc làm cho giới trẻ. Ông Aso cũng khuyến khích các công ty chuyển công nhân từ diện hợp đồng ngắn hạn sang hợp đồng dài hạn.

(Theo New York Times)