06:00 19/02/2022

Vì sao Ninh Bình giải thể Ban Phát triển kinh tế công nghiệp?

Khởi Anh

UBND tỉnh Ninh Bình vừa ra quyết định giải thể Ban Phát triển kinh tế công nghiệp để sắp xếp tổ chức bộ máy, tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ…

Năm 2021 việc phát triển các khu công nghiệp của Ninh Bình đạt nhiều kết quả khả quan
Năm 2021 việc phát triển các khu công nghiệp của Ninh Bình đạt nhiều kết quả khả quan

Quyết định giải thể Ban Phát triển kinh tế công nghiệp tỉnh Ninh Bình được ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh ký ngày 16/2, ngoài ra văn bản này cũng nhắc đến việc bãi bỏ Quyết định số 208/QĐ-UBND ngày 18/1/2016 của UBND tỉnh về việc kiện toàn Ban Phát triển kinh tế công nghiệp tỉnh Ninh Bình.

Lý do giải thể Ban Phát triển kinh tế công nghiệp tỉnh Ninh Bình là nhằm thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy, khắc phục sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ để một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính.

Được biết, Ban Phát triển kinh tế công nghiệp tỉnh Ninh Bình được thành lập từ năm 2014, tổ chức này có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho UBND tỉnh về công tác xúc tiến, thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Bình.

Ngoài ra, đơn vị này cũng được giao nhiệm vụ tư vấn giúp đỡ UBND tỉnh lựa chọn các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển công nghiệp; Tìm kiếm, tư vấn và làm việc với các đối tác trong và ngoài nước có nhu cầu đầu tư phát triển công nghiệp; Xây dựng các danh mục và chính sách ưu đãi đối với các dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư công nghiệp…

Hiện tại, Ninh Bình cũng nhiều tỉnh thành khác đều có Ban Quản lý các khu công nghiệp, đây là cơ quan được biết tới với chức năng chính trong việc quản lý khu công nghiệp cũ, phát triển các cụm công nghiệp mới...

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình trong năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch tác động nhiều đến các doanh nghiệp, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng tốt.

Trong năm đại dịch, các cụm công nghiệp của Ninh Bình đi vào hoạt động đã thu hút 10 dự án đầu tư thứ cấp với diện tích cho thuê 35,8ha, tổng vốn đăng ký đầu tư thực hiện là 2.170 tỷ đồng; doanh thu của các dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp ước đạt 10.100 tỷ đồng, tăng 17,8% so với năm 2020; nộp ngân sách ước đạt 250 tỷ đồng, tăng 78,95% so với năm 2020; giải quyết việc làm cho hơn 26.152 lao động.

Trong năm 2022, Ninh Bình tiếp tục chú trọng đầu tư đồng bộ về các điều kiện cơ sở hạ tầng đồng thời tăng cường liên kết vùng, gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và các tỉnh đồng bằng sông Hồng, để huy động tối đa nguồn lực đầu tư.