14:18 09/11/2010

Vì sao Quốc hội “chốt” CPI năm 2011 không quá 7%?

Nguyên Hà

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nói về các chỉ tiêu kinh tế năm 2011, vừa được Quốc hội thông qua

Kiểm soát lạm phát cần được coi là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội năm 2011.
Kiểm soát lạm phát cần được coi là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội năm 2011.
Vì sao nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2011 của Quốc hội lại “chốt” chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2011 tăng không quá 7%, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu quản lý chặt chẽ thị trường vàng và việc lưu hành ngoại tệ?

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đã trao đổi nhanh với VnEconomy xung quanh nội dung này bên hàng lang Quốc hội sáng nay.

“CPI tăng cao sẽ tác động rất xấu đến đời sống của dân”

Theo ông Hiền, CPI phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó rất quan trọng là điều hành. Như những tháng đầu năm 2010, khi thắt chặt tín dụng thì lạm phát được kiểm soát ở mức rất thấp.

Ông Hiền phân tích, hiện nay thị trường đang có nhiều bất thường, CPI năm nay tăng trên 8% là rõ, như thế là không giữ được ở mức 7% như chỉ tiêu Quốc hội đã thông qua. “Nhưng, không vì thế mà có thể chấp nhận mức tăng cao hơn trong năm 2011, vì CPI tăng cao sẽ tác động rất xấu đến đời sống của dân và tình hình sản xuất. Quốc hội phải quyết định mức dưới 7%, để yêu cầu Chính phủ phải chỉ đạo quyết liệt hơn, chặt chẽ hơn ngay từ đầu năm”, Chủ nhiệm Hiền nhấn mạnh.

Tại phiên họp chiều 8/11, trước khi Quốc hội thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Hà Văn Hiền trình bày cũng đã đưa ra nhận định, chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng trong mấy năm qua và đang ở mức khá cao, ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Kinh tế và giá cả tăng cao, thu nhập tăng thấp, đồng nghĩa với đời sống của số đông người lao động và dân cư không được cải thiện, một bộ phận khó khăn hơn, sẽ không phù hợp với mục tiêu chung, ảnh hưởng đến ổn định xã hội.

Vì thế, kiểm soát lạm phát cần được coi là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội năm 2011.

Hơn nữa theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, tổ chức quốc tế và ý kiến của đại biểu Quốc hội, mặt bằng giá năm 2011 mặc dù tiếp tục chịu tác động của một số yếu tố như điều chỉnh giá một số mặt hàng cơ bản, nhưng cũng có những yếu tố giảm áp lực tăng so với năm 2010.

Cụ thể là: tốc độ phục hồi kinh tế thế giới năm 2011 được dự báo chậm lại so với năm 2010, nên chỉ số giá hàng hóa trên thị trường thế giới dự báo sẽ không tăng cao. Trong năm 2011, giá hàng hóa thị trường trong nước không còn chịu nhiều sức ép do tác động của gói kích thích kinh tế được triển khai trong năm 2009.

"Tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội quyết định chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng năm 2011 tăng không quá 7%, như vậy đòi hỏi Chính phủ phải tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để thực hiện mục tiêu trên", ông Hiền nói.

Liên quan đến yêu cầu quản lý chặt chẽ thị trường vàng và việc lưu hành ngoại tệ của Quốc hội tại nghị quyết vừa được thông qua chiều 8/11, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho hay, gần đây thị trường vàng rất nóng nên Quốc hội đặt vấn đề như vậy để các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường các giải pháp quản lý thị trường này, “vì nó tác động rất nhiều đến thị trường giá cả và thị trường tiền tệ của chúng ta”.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cũng nhận định là trong thời gian qua, việc kiểm soát lưu thông ngoại tệ trên thị trường chưa tốt. Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm của Việt Nam tiêu thụ trên thị trường Việt Nam, cho người Việt mà lại ghi giá và thanh toán bằng ngoại tệ. Điều này không đúng. Và nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra yêu cầu cụ thể tăng cường kiểm soát việc lưu thông ngoại tệ.

Cũng theo phân tích của Chủ nhiệm Hiền, quyết định quyết định cung ngoại tệ, hạ nhiệt tỷ giá của Chính phủ vừa qua là cần thiết. “Nhưng biện pháp về tiền tệ và tài chính thì không phải ra ngày hôm trước ngày hôm sau phát huy tác dụng ngay nên cần bình tĩnh chờ đợi”.

“Nhân đây tôi cũng nói một điều, là tuyên truyền về vấn đề này cũng cần hết sức bình tĩnh, nếu không sẽ tạo ra sự cộng hưởng về mặt tâm lý làm cho người tiêu dùng có vẻ hoang mang và ảnh hưởng không tốt đến tình hình giá cả”, Chủ nhiệm Hiền nói thêm.

Yêu cầu chú trọng kiểm soát nhập khẩu

Vẫn liên quan đến những chỉ tiêu kinh tế vừa được 401/403 vị đại biểu Quốc hội nhấn nút tán thành, ông Hiền phân tích, việc lần đầu tiên đưa con số nhập siêu không vượt quá 18% kim ngạch xuất khẩu để Quốc hội biểu quyết đã thể hiện tư tưởng chỉ đạo về vấn đề này.

Vì, nếu chỉ chú trọng xuất khẩu mà không chú trọng kiểm soát nhập khẩu, thì không đảm bảo cán cân thương mại và tác động đến cán cân thanh toán quốc tế, đến dự trữ ngoại tệ.

“Mấy năm vừa qua, chúng tôi theo dõi thì thông thường tăng sản lượng xuất khẩu từ 10 đến 15%. Nhưng đấy chỉ là là một vấn đề, vấn đề khác là cần tăng chất lượng để tăng giá trị”, ông Hiền nhấn mạnh.

Quan điểm của Ủy ban Kinh tế là với nhu cầu phát triển như hiện nay không thể không nhập khẩu, nhưng phải kiểm soát được cần nhập những gì. Như máy móc hay các loại nhiên liệu chưa có thì nhập, còn cái gì sản xuất được thì hạn chế, có những cái phải cấm.

Năm 2010 theo dõi qua hải quan thì nhóm hàng lẽ ra phải kiểm soát nhập và hạn chế nhập khẩu đều tăng hơn so với kế hoạch, có cái tăng đến gần 30%, ông Hiền dẫn chứng.

Nhiều năm qua nhập siêu đều ở mức cao, đặc biệt năm vừa qua nhập siêu rất cao, nên việc đưa ra chỉ tiêu nhập siêu cụ thể như vậy sẽ đòi hỏi sự chỉ đạo điều hành của của các cấp các ngành và đặc biệt là các cơ quan chức năng riết róng hơn, ông Hiền giải thích.

Nhìn rộng hơn về tất cả các chỉ tiêu kinh tế, tuy ban đầu còn có sự khác biệt song đã đạt được sự thống nhất rất cao tại nghị trường, Chủ nhiệm Hiền cho rằng từ thực tế  phân tích tình hình của 2010 và dự báo tình hình năm sau, thì các cơ quan của Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng dễ đi đến nhất trí.

Chẳng hạn với con số nhập siêu, Chính phủ dự kiến phấn đấu là nhập siêu dưới 20%, nhưng trên cơ sở phân tích thực tiễn năm 2010 Ủy ban Kinh tế thấy có thể giữ mức không quá 18%. Qua phân tích thị trường thế giới và trong nước thì cũng thấy có thể giữ được không quá 18% trong năm sau.

Và, "nghị quyết của Quốc hội đưa ra con số cụ thể đó, thì đòi hỏi Chính phủ có những giải pháp quyết liệt để phấn đấu giảm tỷ lệ nhập siêu hơn nữa", Chủ nhiệm Hiền nói.