VN-Index rực rỡ, vì đâu nhiều nhóm ngành lại bị "loại" khỏi cuộc đua?
Đại dịch Covid 19 đã phân hoá rõ rệt thị trường chứng khoán Việt Nam thành hai thái cực: Nhóm tăng trưởng không ngừng nghỉ và nhóm cắm đầu lao dốc...
Chuỗi ngày giao dịch của tháng 5 - “Sell in May” khép lại, VN-Index ghi dấu ấn mạnh mẽ so với thị trường trên thế giới và khu vực. Trong khi chứng khoán khu vực Đông Nam Á đã giảm mạnh dưới áp lực giảm từ thị trường Singapore giảm 3,25; Thái Lan và Philipines giảm lần lượt 2,4% và 4,4% thì Việt Nam là thị trường có điểm tăng trưởng mạnh nhất với chỉ số VN-Index tăng tới 3,6%.
Sau 3 tuần tăng liên tiếp, VN-Index đã đạt mốc lịch sử mới dao động quanh vùng 1.300 điểm, thanh khoản kỷ lục trong tháng 5 trung bình mỗi phiên đạt 25.000 tỷ đồng trong khi thanh khoản bình quân nhóm Vn30 cũng đạt trên 12.400 tỷ đồng.
Đóp góp vào đà tăng của thị trường mạnh nhất phải kể đến nhóm ngân hàng, vật liệu xây dựng, chứng khoán, bất động sản… Tính theo tháng, nhóm Ngân hàng tăng trưởng 10% với hầu hết 27 mã đều tăng; nhóm chứng khoán tăng 15%; nhóm bất động sản tăng 14%; Vật liệu xây dựng tăng 11%; Logistics tăng 10%…
Ngược lại, khi VN-Index vượt hết đỉnh này sang đỉnh khác, dòng tiền vào như thác đổ ở những nhóm ngành có khả năng phục hồi tốt sau dịch Covid thì Dệt may, Xây dựng, Thực phẩm đồ uống, Bảo hiểm và họ nhà Vingroup, Viettel lại đứng bên lề cuộc chơi với đà giảm mạnh.
Thất vọng nhất có lẽ là ở nhóm Xây dựng với hàng loạt cổ phiếu từng làm vua một thời như CTD, HBC, HTN…lại im re. CTD của Coteccons đã miệt mài trượt dốc suốt từ đầu năm 2021 đến nay với mức giảm 19,2%. Những phiên gần đây thị giá CTD đã tăng trở lại nhưng suốt cả tháng qua thì CTD vẫn giảm 4,36%. HBC của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình cũng giảm 12% trong bối cảnh các doanh nghiệp khác liên tục bứt phá; HTN của Hưng Thịnh Icons giảm 12,35%; FCN của Fecons Corp giảm 12,65%…
Giá thép tăng phi mã gây áp lực lợi nhuận doanh nghiệp xây dựng là lý do khiến nhóm này lao đầu giảm suốt thời gian vừa qua. Trong tháng 4, cơ quan quản lý nhà nước đã có những biện pháp hạn chế đà tăng của giá thép nhưng không đáng kể so với sức công phá của việc giá thành nguyên liệu đầu vào leo cao (nguyên nhân do Hiệp hội thép đưa ra). Nhóm cổ phiếu xây dựng vì thế sau khi tăng yếu ớt được một hai phiên cắm đầu giảm tiếp, không đóng góp được gì cho chỉ số VnIndex vượt đỉnh.
Tương tự, ở nhóm dệt may, dù được đánh giá là khởi sắc nhờ thông tin hỗ trợ tích cực từ thị trường Mỹ và EU, các đơn hàng đã dần trở lại với giá trị xuất khẩu hoàn thành kế hoạch đạt 39 tỷ USD tuy nhiên cổ phiếu nhóm này đã giảm mạnh trong suốt tháng vừa qua.
TCM của Dệt may Thành Công đã giảm 25% trong vòng một tháng qua, hiện đang giao dịch ở mức giá 83.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản cũng yếu hơn với trung bình mỗi phiên 131.000 cổ phiếu được khớp lệnh. Tương tự, Cổ phiếu GIL của Công ty CP Sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) giảm 23%; STK của Sợi Thế Kỷ giảm 1,269% kể từ đầu tháng 5 đến nay hiện đang giao dịch vùng giá 32.000 đồng/cổ phiếu; FTM của Đầu tư và Phát triển Đức Quân cũng giảm 13% trong tháng “Sell in May”.
Trước đó, nhóm dệt may đã có tăng trưởng tốt trong quý 1/2021 nhờ dựa trên nền tảng kinh doanh khởi sắc. Sau đó, dòng tiền đã rút khỏi nhóm này với tỷ trọng trên thị trường rất nhỏ để chuyển sang khác nhóm khác như Ngân hàng, Chứng khoán, Vật liệu xây dựng. Nhiều khả năng trong quý 2 khi mà kết quả kinh doanh được công bố tốt hơn nhờ triển vọng xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…cổ phiếu nhóm Dệt may sẽ đón sóng mới bật tăng trở lại.
Nhiều cổ phiếu nhóm Bảo hiểm cũng lạc lõng trong con sóng VN-Index, nổi bật trong số đó là BVH của Tập đoàn Bảo Việt. BVH đã giảm suốt từ đầu năm 2021 đến nay và trong vòng một tháng qua tiếp tục giảm 5,24%. Cổ phiếu BIC của Bảo hiểm BIDV cũng đang trong đà sụt giảm mạnh sau khi tăng trưởng tốt trong tháng 3. Tính trong vòng 1 quý thì BIC đã giảm 2,18%; trong vòng một tháng giảm 2,42% hay PRE cũng giảm trong tuần gần đây. Một số khác ghi nhận tăng nhưng vốn hoá nhỏ, quy mô không đáng so với các ông lớn như BIC, BVH nên tính chung thì chỉ số của nhóm này vẫn giảm mạnh 8% theo tháng và 5% theo tuần.
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm kém khởi sắc là lý do chính khiến nhóm này không thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm là mảng kinh doanh chính ghi nhận giảm hoặc thua lỗ so với cùng kỳ năm 2020, chẳng hạn như BVH lỗ từ lỗ gộp kinh doanh bảo hiểm 169 tỷ đồng; BIC ghi nhận giảm 15%…
Cổ phiếu nhóm thực phẩm đồ uống và sữa cũng đứng bên lề cuộc chơi bao gồm các mã như SAB giảm suốt từ đầu năm với mức 11,05%; BHN giảm 13,38%; HAD; SCD hay VNM, GTN thì mức độ giảm không cần phải nhắc đến, quá “thảm sát” nhiều nhà đầu tư.
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, ứớc tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 giảm 3,1% so với tháng trước và giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 318,2 nghìn tỷ đồng, giảm 1,7% và tăng 0,5%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 34,3 nghìn tỷ đồng, giảm 13,4% và giảm 11,8%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 387 tỷ đồng, giảm 53,5% và giảm 17,8%; doanh thu dịch vụ khác đạt 40,7 nghìn tỷ đồng, giảm 3,9% và giảm 2,7%.
Đại dịch Covid đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và thu nhập của người dân, từ đó thay đổi tiêu dùng chủ yếu hướng đến các nhu cầu thiết yếu như dược phẩm, thực phẩm đồng thời cắt giảm một số sản phẩm như bia, rượu, nước giải khát do đó, SAB, BHN, HAD… không còn hấp dẫn với nhà đầu tư dù kết quả kinh doanh quý 1 đã ghi nhận tích cực hơn so với nền thấp của năm 2020. Trong khi đó, nhóm sữa VNM, GTN, được đánh giá tăng trưởng nhờ người tiêu dùng tăng chi tiêu cho sản phẩm chăm sóc sức khoẻ song các doanh nghiệp này lại chịu tác động từ giá nguyên liệu sữa bột tăng mạnh thời gian gần đây nguy cơ bào mòn lợi nhuận.
Tương tự, do ảnh hưởng của Đại dịch Covid 19, cổ phiếu nhóm hàng không, du lịch như HVN, VJC, ACV, VTR, VTD…cũng rơi vào quên lãng khi kết quả kinh doanh thua lỗ, chưa hẹn ngày trở lại khi mà diễn biến biến dịch còn phức tạp và tốc độ tiêm vaccin của Việt Nam còn chậm.
Nhận định về thị trường, Chứng khoán MBS cho rằng, với tín hiệu tăng tích cực trong tuần qua cùng với sự đồng pha của các nhóm cổ phiếu như midcap bắt đầu gia tăng cho thấy khả năng sẽ có một nhịp tăng mạnh khi sự đồng thuận diễn ra trong ngắn hạn.
Trong kịch bản lạc quan, chỉ số VN-Index vượt cận trên của tam giác này, khả năng sẽ hướng đến mục tiêu trong ngắn hạn ở ngưỡng 1.315 - 1.340 điểm. Ngược lại, trong kịch bản cơ bản, khi chỉ số VN-Index nếu chưa xuất hiện nhịp bứt phá mạnh thì vẫn trong xu thế Sideway up hướng lên các vùng đỉnh cao mới với khả năng dao động trong vùng 1.275 – 1.315 điểm.
Theo MBS, nên hạn chế lướt sóng, tiếp tục với nhóm cổ phiếu đang được dòng tiền tích tụ và đang có trend, đặc biệt là nhóm cổ phiếu đã vượt đỉnh. Ưu tiên nắm giữ danh mục cổ phiếu tốt vốn hóa lớn với kết quả kinh doanh tăng trưởng cao trong quý 1 vừa qua. Các cổ phiếu được mang tính chu kỳ, được hưởng lợi từ sự phục hồi hoặc mở cửa trở lại của nền kinh tế như ngân hàng, chứng khoán, thép, bán lẻ, công nghệ, cao su, dầu khí, khai khoáng… vẫn sẽ là tiêu điểm.