Thị trường chuyển thế giằng co, dòng tiền vẫn duy trì mạnh, khối ngoại mua ròng thêm 650 tỷ
Sự hưng phấn có chút “nguội” đi trong phiên sáng nay và áp lực chốt lời tăng lên. VN-Index từ chỗ tăng cao nhất 9,8 điểm đã co lại còn 2,97 điểm, độ rộng cũng phân hóa. Điểm tích cực là thanh khoản khớp lệnh hai sàn vẫn tăng 11%, tiếp tục duy trì mức cao và khối ngoại giải ngân cao nhất 4 tháng...

Sự hưng phấn có chút “nguội” đi trong phiên sáng nay và áp lực chốt lời tăng lên. VN-Index từ chỗ tăng cao nhất 9,8 điểm đã co lại còn 2,97 điểm, độ rộng cũng phân hóa. Điểm tích cực là thanh khoản khớp lệnh hai sàn vẫn tăng 11%, tiếp tục duy trì mức cao và khối ngoại giải ngân cao nhất 4 tháng.
Giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên HoSE không đột biến, đạt hơn 656 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với hai phiên cuối tuần trước. Tuy vậy tổng giá trị mua vào lại ở mức cao nhất trong vòng 4 tháng với 2.315 tỷ đồng. Giá trị mua ròng không mạnh lên vì khối này cũng có hành động tăng bán với gần 1.659 tỷ đồng.
Các giao dịch mua của nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tập trung vào cổ phiếu blue-chips. Rổ VN30 đang nhận được 831,2 tỷ đồng vốn ròng. Quy mô mua vào tính chung trong rổ này chiếm khoảng 22% tổng giao dịch của rổ. Các blue-chips được mua ròng nổi bật là HPG +463,7 tỷ, FPT +241,7 tỷ, SHB +142,6 tỷ, SSI +104,9 tỷ.
Lực cầu từ khối ngoại đang hỗ trợ giá ở nhiều cổ phiếu. HPG được mua vào hơn 20,1 triệu đơn vị, chiếm 38,3% khối lượng giao dịch sáng nay. HPG tăng 3,18% trở thành trụ kéo điểm mạnh nhất của VN-Index dù xét về vốn hóa chỉ đứng thứ 11 trong chỉ số. SSI cũng được mua khoảng 12,6% tổng thanh khoản, giá tăng 1,52%. FPT được mua 53,7% thanh khoản, giá tăng 0,81%. SHB được mua 24,3% thanh khoản, giá tăng 1,08%.
Dù vậy sức mạnh của nhóm blue-chips cũng không duy trì được ở mức tốt nhất. VN30-Index từ chỗ tăng 1,06% đã co lại còn 0,53%. Độ rộng từ chỗ có 28 mã tăng không mã nào giảm, thành 17 mã tăng/11 mã giảm. Ngoài ra thống kê cho thấy toàn bộ 30 cổ phiếu đều tụt giá ít nhiều so với mức cao nhất, trong đó 13 mã tụt hơn 1%. Nhiều cổ phiếu trụ cũng bị ép xuống, như VIC tụt 1,79% so với mức đỉnh, VHM tụt 1,89%, VCB tụt 1,34%, HPG tụt 1,81%... Điều này đã khiến VN-Index đảo chiều xu hướng trong phiên sáng với mức đỉnh đạt được ngay từ 10h15.
Hiện rổ VN30 còn 4 cổ phiếu tăng tốt nhất trên 1% và cổ phiếu yếu nhất là BVH giảm 0,92%. Mức biến động khá lớn nhưng chủ yếu là ở vùng giá xanh. Thanh khoản rổ này giảm 5,5% so với sáng hôm qua cho thấy lực cầu có yếu đi một chút. Nguyên nhân một phần là giảm giao dịch ở SHB. Cổ phiếu này sáng hôm qua khớp tới gần 2.015 tỷ đồng, sáng nay chỉ còn 588,2 tỷ đồng. Mức tăng thanh khoản ở HPG không bù lại được sự suy giảm ở các cổ phiếu khác.
Nhìn chung giao dịch sáng nay khá chậm, quán tính kém hơn sáng hôm qua do thị trường có phần thận trọng hơn. Việc Mỹ gửi thư thông báo thuế có ảnh hưởng nhất định đến thị trường quốc tế. Dù Việt Nam về cơ bản là có lợi thế, nhưng thời hạn áp thuế lùi giống nhau tới đầu tháng 8 nghĩa là dư địa thời gian được kéo dài cho đàm phán. Các thông tin kỹ thuật chi tiết trong thỏa thuận thuế quan của Việt Nam cũng chưa có.
Diễn biến độ rộng chỉ số cho thấy có xu hướng chốt lời xuất hiện. Khi VN-Index đạt đỉnh cao nhất có 186 mã tăng/88 mã giảm nhưng cuối phiên còn 164 mã tăng/129 mã giảm. Thống kê cũng có hơn 44% số cổ phiếu sàn HoSE phát sinh giao dịch sáng nay đã trượt giá tối thiểu 1% so với mức cao nhất. Các tín hiệu này là phù hợp với nhau, cùng phản ánh sức ép tăng lên từ phía bán.

Sàn HoSE hiện còn 71 cổ phiếu đang tăng trên 1% và nhiều mã vẫn đang có dòng tiền mạnh mẽ. Ngoài nhóm blue-chips như SHB, SSI, HPG, VHM, đáng kể là VIX tăng 1,01% với 470,2 tỷ đồng; VND tăng 1,72% với 415,8 tỷ; NKG tăng 1,46% với 225,7 tỷ; KBC tăng 1,3% với 223 tỷ; TCH tăng 1,79% với 135,7 tỷ. Các mã nhỏ thanh khoản ít đáng chú ý là DRH, HQC, HAR, TSC, HPX, LDG, DC4 đều tăng trên 4%. Tính chung toàn nhóm 71 mã mạnh nhất này chiếm 38,2% tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE. Tuy nhiên nếu loại trừ các blue-chips HPG, SSI, SHB, VHM thì chỉ còn chiếm 18,5%. Như vậy dòng tiền cũng có tín hiệu co cụm đáng kể.
Ở phía giảm do biên độ trượt giá cần vượt qua khoảng giá xanh trước khi thủng tham chiếu, nên mới có 37 mã giảm hơn 1%. Trong số nay cũng chỉ có 17 mã đạt thanh khoản quá 1 tỷ đồng. EIB giảm 2,11%, DIG giảm 1,61%, PDR giảm 1,58% là 3 mã duy nhất thanh khoản trên trăm tỷ đồng. ORS, HHS, KHG, CTI, SCR, GEE, VOS, YEG, DLG là các mã còn lại giao dịch quá 10 tỷ đồng.
Hiện tượng trượt giá sáng nay là một tín hiệu của áp lực bán tăng lên. Khối ngoại cũng tăng bán nhẹ nhưng chủ đạo vẫn là nhà đầu tư trong nước bán. Kể từ khi có thông tin ban đầu về thuế quan, nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng đã bán ròng liên tục với quy mô 4 phiên gần nhất khoảng 4.201 tỷ đồng.