12:31 07/04/2007

Vốn đổ vào chứng khoán Việt Nam tăng mạnh

Thùy Trang

Những thông tin chính về kinh tế Việt Nam trong bản báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới

Các nhà đầu tư nước ngoài đã rót khoảng 4 tỷ USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam - Ảnh: Reuters.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã rót khoảng 4 tỷ USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam - Ảnh: Reuters.
Mức vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay đã đạt 24,4 tỷ USD, trong đó các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư khoảng 4 tỷ USD. Thị trường này còn tiếp tục được mở rộng do 20 doanh nghiệp nhà nước lớn sẽ niêm yết trong năm 2007.

Đây là những số liệu mới nhất vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố ngày 5/4 trong bản Báo cáo cập nhật tình hình Đông Á-Thái Bình Dương.

Theo báo cáo này, bên cạnh việc Việt Nam gia nhập WTO thì sự bùng nổ của thị trường chứng khoán đang đặt ra những thách thức về mặt chính sách cho Chính phủ Việt Nam cả về ngắn hạn và trung hạn.

Số liệu thống kê của Báo cáo cho thấy: mức vốn hóa của thị trường chứng khoán tăng mạnh từ dưới 0,5 tỷ USD vào tháng 12 năm 2005 lên 13,8 tỷ USD (22,7% GDP) vào tháng 12 năm 2006, và tới mức hiện nay là 24,4 tỷ USD.

Số lượng doanh nghiệp niêm yết tăng từ 40 đến gần 200 như hiện nay. Riêng tháng 12 đã có hơn 100 doanh nghiệp mới niêm yết do các doanh nghiệp phải khẩn trương tiến hành cố phần hoá để được hưởng ưu đãi về thuế sẽ không còn được áp dụng vào năm 2007. Chỉ số giá chứng khoán tăng mạnh lên đến 144% vào năm 2006 và hai tháng đầu năm 2007 đã tăng thêm 50%.

Các chuyên gia của WB nhận định cơn sốt chứng khoán đang tạo ra mối lo ngại rằng chứng khoán đã bị định giá quá cao bởi những nhà đầu tư không có kinh nghiệm. Hệ số giá - thu nhập (P/E) bình quân giữ ở mức 21 vào đầu năm 2007, trong đó khoảng 1/4 doanh nghiệp có P/E hơn 30.

Theo ước tính, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư khoảng 4 tỷ USD vào thị trường này.

Báo cáo cũng ghi nhận việc Chính phủ đã bác bỏ tin đồn là sẽ áp dụng các biện pháp quản lý vốn để hạn chế lượng vốn đầu tư nước ngoài lưu thông ra và vào Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều biện pháp đã được công bố nhằm khuyến khích các công ty công bố thông tin, giảm giao dịch ngầm và hạn chế các ngân hàng cho vay kinh doanh chứng khoán.

Báo cáo cũng cho biết năm 2006, GDP đã tăng trưởng ở mức 8,2%, trong đó công nghiệp tăng 9,8% và dịch vụ tăng 8,3%.

Riêng trong ngành công nghiệp, tổng doanh thu của khu vực công nghiệp tư nhân trong nước tăng trưởng tới 23,9% trong khi chỉ số của các doanh nghiệp Nhà nước (SOEs) chỉ tăng ở mức 9,1%.

Chỉ số bán lẻ năm 2006 tăng 20,9%, gần như không thay đổi so với năm 2005. Đầu tư thực tế khác so với mức tính toán của quốc gia và ước tính khoảng 41% tổng GDP, tăng 23% so với năm 2005 xét theo mức doanh nghĩa. Giai đoạn 2001 đến 2006, tỷ trọng đầu tư của khu vực tư nhân trong nước tăng từ 23% lên 34%.

Các cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2006 tăng nhanh do sự kiện gia nhập WTO đạt 10,2 tỷ USD, cao hơn nhiều mức 6,2 tỷ USD trong năm 2005 và vượt mức đỉnh là 9 tỷ USD năm 1996.

Lạm phát hầu như có khuynh hướng giảm dần trong suốt năm 2006, tháng 12/2006 xuống tới 6,6% và tháng 2/2007 tới 6,5%. Giá cả chung ổn định là nhờ cả các nhóm mặt hàng thực phẩm và phi thực phẩm.

Tỷ lệ tăng trưởng trong xuất khẩu năm 2006 giữ ở mức gần như năm trước là 22,8%. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng như thủy sản, hàng dệt may, da giầy vẫn ở mức cao mặc dù đã bị ảnh hưởng của quy chế chống bán phá giá của EU. Kim ngạch nhập khẩu trong năm 2006 cũng tăng lên chủ yếu do nhập khẩu hàng đầu tư, đặc biệt là máy móc, thiết bị cho khu công nghiệp và nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Kết quả chung của các xu hướng này là một lượng dư thừa nhỏ cán cân thương mại. Với nguồn thu từ du lịch và kiều hối khá cao, dự kiến tài khoản vãng lai sẽ đạt mức thặng dư từ 1- 1,5% GDP.

Cùng với việc mở rộng thị trường vốn trong nước tạo ra ngày càng nhiều các cơ hội đầu tư, dòng vốn đầu tư theo hình thức đầu tư tập hợp từ nước ngoài cũng lớn dần. Nhờ đó, dự trữ ngoại hối tăng nhanh, đạt con số 12 tỷ USD vào cuối tháng 12 (bằng 11 tuần nhập khẩu của năm sau) so với 8,6 tỷ USD vào cuối năm 2005.

Các nguồn thu tài chính tăng 20% so với năm 2005, vượt mức dự kiến. Doanh thu từ xuất khẩu dầu thô tăng theo giá quốc tế. Thu từ thuế của khu vực tư nhân tiếp tục tăng, đạt tới 50% doanh thu ngoài dầu trong năm 2006, so với 36% năm 2001.

Về chi ngân sách, lương tối thiểu là nhân tố quan trọng góp phần tăng chi phí thường xuyên trong vòng 3 năm trở lại đây. Từ năm 2003, lương tối thiểu của cán bộ Nhà nước đã tăng 214%, lần gần đây nhất là tháng 10 năm 2006. Lương tối thiểu cũng là cơ sở để Chính phủ điều chỉnh lương hưu và những khoản phúc lợi xã hội khác.Những điều chỉnh đó nhằm mục đích đến năm 2010 sẽ không còn khoảng cách về lương tối thiểu giữa khu vực Nhà nước và nước ngoài, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Thâm hụt ngân sách giảm từ 1,2% GDP năm 2005 xuống còn 0,7% năm 2006. Vốn ODA cho các đơn vị thực hiện dự án theo dự kiến sẽ đạt 1,2% GDP trong năm 2006.

Những hạng mục khác có liên quan đến nợ đảm bảo thuộc khu vực công cộng hay tư nhân, nhưng không được tính đến trong thâm hụt ngân sách, chiếm 2,8% GDP năm 2006. Tính cả những hạng mục này thì nợ của khu vực công cộng ước tính khoảng 44% GDP vào cuối năm 2006, mức được xem là trong phạm vi có thể kiểm soát được.

Tăng trưởng tín dụng chậm lại ở mức 32% vào năm 2001 xuống còn 21% vào giữa năm 2006, nhưng tăng nhẹ lên 25% tính đến tháng 11 năm 2006. Tín dụng tăng trưởng chậm năm 2006 chủ yếu do các ngân hàng quốc doanh thận trọng hơn vì các ngân hàng này phải tuân thủ những chuẩn mực thận trọng hơn.

Ngược lại, vốn cho vay từ các ngân hàng liên doanh tăng gần 40%. Tăng trưởng của lượng tiền cơ sở vào năm 2006 hầu như chỉ do dòng vốn đầu tư từ nước ngoài chưa qua kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.

Về chính sách, một quy chế mới ban hành là tất cả các ngân hàng liên doanh, cổ phần và ngân hàng nước ngoài cần phải có vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng vào năm 2008 và 3.000 tỷ đồng năm 2010.Đối với các ngân hàng thương mại quốc doanh, quy định về vốn điều lệ tối thiểu là 3.000 tỷ đồng vào năm 2008.

Sau gần 15 tháng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định cổ phần hoá Ngân hàng Ngoại thương và Ngân hàng Phát triển nhà ở ĐBSCL, hai ngân hàng này đã thuê được đơn vị tư vấn cổ phần.