11:19 23/07/2008

Vòng đàm phán Doha lại rơi vào bế tắc

Trung Việt

Các nước đang phát triển vẫn cho rằng sự nhượng bộ của các nước phát triển về giảm trợ cấp nông nghiệp là chưa đủ

Trợ cấp nông nghiệp luôn là một trở ngại của vòng đàm phán Doha.
Trợ cấp nông nghiệp luôn là một trở ngại của vòng đàm phán Doha.
Cuộc đàm phán của bộ trưởng thương mại 35 nước thành viên chủ chốt WTO, được kỳ vọng sẽ tìm lối thoát cho Vòng đàm phán Doha về tự do hoá thương mại toàn cầu, nhưng đã diễn ra trong bất đồng và chưa đưa ra được thoả thuận nào mang tính chất đột phá.

Cuộc họp diễn ra từ 21- 26/7, tại trụ sở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ở Geneve (Thụy Sĩ). Mục tiêu của cuộc đàm phán này là để đại diện 35 nước thống nhất trước một thoả thuận dự thảo, sau đó, đưa ra thảo luận trước tất cả 152 nước thành viên WTO, khai thông vòng đàm phán Doha.

Thiếu những cam kết mới và cụ thể

Các đại biểu đến Geneva lần này đều biết rõ sự cấp thiết phải sớm hoàn tất vòng đàm phán Doha, trước khi chính quyền Mỹ có sự thay đổi về chính sách sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, như các vòng đàm phán trước đây, các bên vẫn bất đồng sâu sắc về những vấn đề nhạy cảm là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Trong đó, tranh cãi nhiều nhất là về vấn đề trợ cấp nông nghiệp.

Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, đại diện cho khối các nước phát triển, cho biết sẵn sàng "nhượng bộ", song với điều kiện các nước đang phát triển phải cam kết mở cửa thị trường cho hàng công nghiệp và dịch vụ từ các nước phát triển. Tuy nhiên, trong các cuộc đàm phán ngày 21 và 22/7, các bên vẫn giữ nguyên quan điểm hoặc đưa ra những đề xuất chung chung,  không có cam kết nào mới và cụ thể về các vấn đề chủ chốt liên quan đến  nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Liên minh châu Âu (EU) đưa ra đề xuất giảm 60% thuế đối với hàng nông sản nhập khẩu vào châu Âu thay vì 54% như đề xuất trước đây và giảm 100 tỷ EUR trợ cấp nông nghiệp. Uỷ viên Thương mại EU, ông Peter Mandelson cho rằng đây đã là sự "nhượng bộ đầy thiện chí" của EU, song đổi lại, các nước đang phát triển phải giảm mức thuế nhập khẩu đối với hàng công nghiệp và mở cửa thị trường dịch vụ hơn nữa. Ông cho rằng cam kết từ các nước đang phát triển mới là điều kiện tiên quyết để kết thúc vòng đàm phán Doha.

Đại diện Thương mại Mỹ Susan Schwab kêu gọi các thị trường đang nổi đóng vai trò nhiều hơn nữa để thúc đẩy vòng đàm phán thương mại Doha. Bà cho rằng cho điều kiện "có tính quyết định lớn hơn" để vòng đàm phán thành công là việc các nước đang phát triển phải mở cửa thị trường chứ không phải là việc cắt giảm trợ cấp nông nghiệp ở các nước phát triển. Mỹ nhắc lại cam kết giảm mức trần trợ cấp nông nghiệp ở trong nước, song không đưa ra con số cụ thể và cũng đòi các nước đang phát triển phải hành động nhiều hơn.

Không thể tạo bước đột phá

Trong khi đó, các nước đang phát triển cho rằng sự nhượng bộ của các nước phát triển về giảm trợ cấp nông nghiệp và giảm thuế đối với hàng nông sản nhập khẩu là chưa đủ. Các nước đang phát triển đã nhắc lại yêu cầu Mỹ phải cắt giảm trợ cấp nông nghiệp xuống còn 13 tỷ-16,4 tỷ USD/năm so với mức trần hiện nay là 48,2 tỷ USD/năm.

Nhóm các nước đang phát triển mà đại diện chính là Brazil đã bác bỏ những tuyên bố trên của EU, cho rằng "con số 60% không có gì khác mà vẫn chỉ là con số mà họ đưa ra trong các đàm phán trước đây" và "sự nhượng bộ" như vậy chỉ là hình thức. Bộ trưởng Ngoại giao Brazil, ông Celso Amorim cho rằng đề xuất của EU không có gì mới.

Nhiều nước đang phát triển khác như Ấn Độ và Indonesia cũng đã phản đối các đề xuất của EU, cho rằng những gì mà ông Mandelson đưa ra đã "quá quen thuộc" từ các vòng đàm phán trước đây. Bản thân ông Mandelson cũng phải thừa nhận đề xuất giảm 60% thuế nhập khẩu nông sản chỉ là "lặp lại quan điểm của EU".

Vòng đàm phán Doha được phát động từ tháng 11/2001, với kỳ vọng  đạt được một thoả thuận về tự do hoá thương mại toàn cầu, sẽ giúp nền kinh tế thế giới có thêm từ 50 tỷ -100 tỷ USD/ năm và các nước nghèo sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ thoả thuận này.

Tuy nhiên , các nhà quan sát cho rằng với những diễn biến không mấy thuận lợi kể trên, cuộc họp bộ trưởng lần này của WTO sẽ không thể tạo được "bước đột phá" cho vòng đàm phán Doha đang bị bế tắc.