12:06 08/03/2022

Vượt Iran và Triều Tiên, Nga thành quốc gia chịu nhiều trừng phạt nhất thế giới

Ngọc Trang

Kể từ khi Mỹ và các nước đồng minh châu Âu bắt đầu áp trừng phạt bổ sung hôm 22/2, đến nay Nga đang là mục tiêu của 2.779 chỉ định trừng phạt mới, đưa tổng số lên hơn 5.530...

Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Getty Images
Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Getty Images

Trong vòng 10 ngày kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc tấn công quân sự vào Ukraine, Nga đã vượt qua Iran và Triều Tiên trở thành quốc gia chịu nhiều biện pháp trừng phạt nhất thế giới.

Kể từ khi Mỹ và các nước đồng minh châu Âu bắt đầu áp trừng phạt bổ sung hôm 22/2, đến nay Nga đang là mục tiêu của 2.779 chỉ định trừng phạt mới, đưa tổng số lên hơn 5.530, theo dữ liệu theo dõi từ Castellum.ai. Con số này vượt qua 3.616 chỉ định trừng phạt đối với Iran trong hơn một thập kỷ qua, của yếu do chương trình hạt nhân và hành động hỗ trợ khủng bố.

Theo các nhà phân tích, áp lực đối với Nga tăng lên gần như mỗi ngày. Trong cuối tuần qua, American Express và Netflix là hai công ty mới nhất trong danh sách doanh nghiệp rút khỏi hoặc ngừng hoạt động tại Nga. Một số công ty đưa ra quyết định này vì trách nhiệm thực thi biện pháp trừng phạt, trong khi một số khác đang “tự trừng phạt” Nga dù về mặt pháp lý họ không bắt buộc phải làm vậy.

“Đây là cuộc chiến tranh hạt nhân về tài chính và là sự kiện trừng phạt lớn nhất trong lịch sử”, Peter Piatetsky, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama và Donald Trump, cũng là người đồng sáng lập Castellum.ai, nói. “Nga đã từ chỗ là một phần của nền kinh tế thế giới trở thành mục tiêu lớn nhất của các biện pháp trừng phạt toàn cầu và trở thành mục tiêu tài chính trong vòng chưa đầy hai tuần”.

Theo Bloomberg, các biện pháp trừng phạt với Nga cho thấy sự đoàn kết phi thường giữ Mỹ và các nước đồng minh khi đối mặt với một cuộc xung đột, cũng như quyết tâm tận dụng sức mạnh kinh tế nhằm khiến Moscow từ bỏ ý định của mình. Việc này cũng phản ánh rằng Mỹ và các đồng minh đang không muốn đưa quân đội vào Ukraine – một nước đồng minh không thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Sau Nga và Iran, danh sách các nước bị cấm vận nhiều nhất còn có Syria, Triều Tiên, Venezuela, Myanmar và Cuba. Các biện pháp trừng phạt nhắm vào các cá nhân, doanh nghiệp và thậm chí áp dụng biện pháp hạn chế với du thuyền, máy bay.

Hầu hết các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Nga trước cuộc xung đột ở Ukraine là vì cáo buộc Moscow can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 cũng các vụ tấn công vào các chính trị gia bất đồng ý kiến ở Nga và nước ngoài.

Trong khi đó, phần lớn các biện pháp trừng phạt với Nga từ ngày 22/2 đến nay là nhằm vào các cá nhân – cụ thể là 2.427 chỉ định. Trong khi số chỉ định trừng phạt nhằm vào các thực thể, chủ yếu là doanh nghiệp và cơ quan chính phủ, là 343, theo Castellum.ai.

Quốc gia dẫn đầu về số biện pháp trừng phạt đối với Nga là Thụy Sĩ với 568 chỉ định, so với 518 của EU, 512 của Pháp và 243 của Mỹ.

Theo giới phân tích, đây là điều bất ngờ bởi các quốc gia châu Âu – thường thận trọng hơn với việc đưa ra các lệnh trừng phạt – nay lại dẫn đầu trong việc áp trừng phạt với Nga, thậm chí vượt qua Mỹ trong một số trường hợp. Đơn cử như quyết định loại bỏ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT – động thái mà ban đầu Mỹ có phần chậm chạp.

Dự báo sẽ thời gian tới, Nga sẽ tiếp tục chịu thêm các lệnh trừng phạt mới khi mà chính quyền Moscow chưa có dấu hiệu hạ nhiệt xung đột. Trong chương trình “State of the Union” của đài CNN hôm 6/3, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho biết Washington và các đối tác đang cân nhắc “phối hợp cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga, đồng thời vẫn đảm bảo đủ nguồn cung dầu cho thị trường thế giới”.

Đáp lại các biện pháp trừng phạt, Nga ngày 7/3 doạ cắt cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream 1). Một động thái như vậy của Moscow có thể làm gia tăng sự biến động trên thị trường năng lượng và khiến áp lực lạm phát trên toàn cầu càng thêm lớn.