16:42 25/09/2023

Xếp hạng Chỉ số ICT Index: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Đà Nẵng dẫn đầu

Nhĩ Anh

Báo cáo cung cấp thông tin về thực trạng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam, đồng thời đưa ra những đánh giá, xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin dựa trên cơ sở số liệu thu thập được từ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty và Ngân hàng thương mại...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (Việt Nam ICT Index 2022) vừa công bố, được nhóm nghiên cứu của Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Hội Tin học Việt Nam đưa ra dựa trên các số liệu thu thập được từ các đối tượng điều tra, sau khi kiểm tra, cập nhật, đối chiếu, điều chỉnh..., đã tiến hành tính toán các chỉ số thành phần và sau đó là chỉ số ICT Index của từng nhóm đối tượng.

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG, BẮC GIANG VÀ THÁI NGUYÊN BỨT PHÁ, THĂNG HẠNG VƯỢT BẬC

Báo cáo Việt Nam ICT Index 2022 có 17 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ có dịch vụ công được xếp hạng chung.

Theo đó, dẫn đầu xếp hạng chung báo cáo là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch với số điểm ICT Index là 0,8838, tăng trong đó chỉ số hạ tầng kỹ thuật là 0,7350; hạ tầng nhân lực là 1,0000, chỉ số ứng dụng là 0,8838. Năm 2019 và 2020, Bộ này xếp hạng 3.

Đứng ở vị trí thứ 2 là Bộ Tài Nguyên và Môi trường, đã có bước tăng hạng mạnh trong những năm qua khi từ vị trí 17 năm 2019 vươn lên vị trí 12 năm 2020, tăng 10 bậc so với lần xếp hạng trước. Bộ này đứng ở vị trí số 1 trong xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin.

Bộ Tài chính 2 năm trước (2019, 2020) đứng ở vị trí số 1 nhưng năm nay đã tụt xuống vị trí số 4 của bảng xếp hạng chỉ số.

Xếp hạng Chỉ số ICT Index: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Đà Nẵng dẫn đầu - Ảnh 1

Bên cạnh đó, một số bộ tụt hạng như Bộ Công Thương tụt 7 bậc (xếp vị trí 12); Bộ Khoa học và Công nghệ từ số 8 xuống số 15 bảng xếp hạng. Bộ Nội vụ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thay nhau giữ vị trí cuối bảng xếp hạng.

Với các cơ quan thuộc Chính phủ không có dịch vụ công, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam xếp hạng đầu trong 7 cơ quan được xếp hạng Chỉ số ICT Index.

Về xếp hạng ICT Index 63 tỉnh, thành phố Trung ương, Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu với chỉ số ICT Index là 0,9094, chỉ số hạ tầng kỹ thuật là 0,97, chỉ số hạ tầng nhân lực là 0,77, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin là 0,77. Đà Nẵng là thành phó đứng đầu trong 3 năm được xếp hạng gần đây.

Xếp hạng Chỉ số ICT Index: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Đà Nẵng dẫn đầu - Ảnh 2
Xếp hạng Chỉ số ICT Index: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Đà Nẵng dẫn đầu - Ảnh 3

Tiếp đó Cần Thơ đứng thứ 2 trong xếp hạng. Quảng Ninh duy trì vị trí thứ 3 trong 3 năm 2019, 2020, và 2022.

Riêng 2 tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên có sự thăng hạng vượt bậc trong năm qua. Trong đó, tỉnh Thái Nguyên có sự bứt phá mạnh nhất khi từ vị trí 44 của lần xếp hạng lần trước lên vị trí số 6 của bảng xếp hạng Chỉ số ICT Index 2022, tăng 38 bậc. Còn tỉnh Bắc Giang từ vị trí 29 của bảng xếp hạng lần trước lên vị trí số 5, tăng 24 bậc. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai cũng có sự thay đổi mạnh mẽ từ số 34 lên vị trí số 8.

Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Bà Rịa- Vũng Tàu, Lâm Đồng, Tây Ninh vốn đứng trong top 10 của bảng xếp hạng lần trước nhưng đã bị tụt khỏi top 10 bảng xếp hạng lần nay khi lần lượt đứng ở vị trí 11, 16, 19, 33 và 35.

EVN VÀ NGÂN HÀNG NAM Á DẪN ĐẦU KHỐI NGÂN HÀNG VÀ TẬP ĐOÀN, TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC

Về xếp hạng chung chỉ số ICT Index 2022 đối với các ngân hàng thương mại, trong số 34 ngân hàng được xếp hạng, Ngân hàng TMCP Nam Á xếp vị trí thứ nhất, tăng 4 bậc so với lần xếp hạng trước. Đứng ở vị trí số 2 là Ngân hàng Techcombank, tăng 4 bậc.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) vốn dẫn đầu trong những lần xếp hạng trước đã tụt xuống vị trí số 4.

Xếp hạng Chỉ số ICT Index: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Đà Nẵng dẫn đầu - Ảnh 4

Đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, lần này có 16 đơn vị được xếp hạng với các chỉ số thành phần gồm: hạ tầng kỹ thuật, nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo đó, Tập đoàn Điện lực (EVN) đứng đầu bảng xếp hạng, tiếp đó là Tổng công ty quản lý bay Việt Nam, Tổng công ty thương mại Sài Gòn. Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng.

Xếp hạng Chỉ số ICT Index: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Đà Nẵng dẫn đầu - Ảnh 5

Trong 16 năm qua, Báo cáo chỉ số ICT index tiếp tục được các Bộ, ngành, địa phương, ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp đón nhận và đánh giá cao như một tài liệu tham khảo uy tín.

Báo cáo thể hiện các xếp hạng khá đầy đủ, phong phú về số liệu, về các chỉ số xếp hạng chi tiết với nhiều thành phần, có sự so sánh tương quan giữa chỉ số Vietnam ICT Index với các chỉ số kinh tế xã hội tiêu biểu như Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số Thương mại điện tử (EBI).

Việc nâng cao mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin của Việt Nam nói chung cũng như của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp nói riêng là hết sức trọng yếu cho việc triển khai các đề án, chiến lược trọng tâm như Chương trình chuyển đổi số Quốc gia, Chương trình Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử-viễn thông đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam-Make in Viet Nam.

Điều này cũng giúp các bộ, ngành, địa phương nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI, PAR, PAPI, và EBI, đồng thời góp phần giúp Việt Nam nâng cao thứ hạng về Chính phủ điện tử trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EDGI) của Liên hợp quốc.

Trên cơ sở Báo cáo Vietnam ICT Index 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông mong rằng các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp cập nhật được thông tin về thực trạng, thứ hạng về phát triển và ứng dụng tại cơ quan, đơn vị mình, vận dụng sáng tạo các giải pháp công nghệ số đột phá nhằm triển khai thành công Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử-viễn thông tại địa phương.