Xu hướng tăng điểm đang yếu đi, VN-Index cần tính đến nhịp chỉnh trung hạn?
VN-Index có thể tiếp tục xu hướng tăng điểm và hướng lên vùng đích mục tiêu quanh 1295 (+-20) điểm. Mặc dù vậy, cơ hội tiếp tục mở rộng đà tăng điểm sau đó không được đánh giá cao và rủi ro bước vào một nhịp điều chỉnh trung hạn sẽ cần được tính đến.
Chứng khoán KBSV vừa có báo cáo cập nhật vĩ mô và triển vọng chứng khoán Việt Nam trong tháng 9 với điểm nhấn số liệu kinh tế vĩ mô tháng cho thấy tín hiệu phục hồi của nền kinh tế đang dần được thể hiện rõ nét, có thể nói giai đoạn khó khăn nhất đã qua đi.
TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ QUÝ 3 CHỈ KHỞI SẮC NHẸ 5,6%
Nhiều chỉ số có kết quả khá tích cực, đặc biệt là chỉ số PMI lần đầu đạt ngưỡng trên 50 điểm trong sáu tháng, kim ngạch xuất khẩu tăng 7,7% . Bên cạnh đó, đầu tư công và giải ngân vốn FDI tiếp tục duy trì sự ổn định và được kỳ vọng là động lực chính giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế vào những tháng còn lại của năm 2023. Dù vậy trong bối cảnh nhu cầu cả trong nước và quốc tế đều vẫn yếu, KBSV dự báo tăng trưởng GDP quý 3 sẽ chỉ khởi sắc nhẹ ở mức 5,6% so với năm ngoái.
CPI tháng 8 tăng cao so với tháng trước ở mức 0,88% MoM, chủ yếu do giá xăng dầu tăng mạnh kéo theo CPI nhóm giao thông tăng 3,85% (làm CPI chung tăng 0,37 điểm %).
KBSV điều chỉnh dự báo CPI bình quân năm 2023 lên mức 3,4% do xuất hiện thêm nhiều yếu tố gây áp lực lên lạm phát, bao gồm: (1) Giá gạo, giá thịt lợn gần đây tăng do những biến động về nguồn cung; (2) Giá dầu brent tăng mạnh hơn dự kiến, có thể lên đến mức 95-100 USD/thùng vào cuối năm. Tuy vậy do nhu cầu nội địa vẫn yếu, lạm phát trong năm nay vẫn được kiểm soát tốt ở mức thấp hơn hẳn so với mục tiêu 4,5% mà Chính phủ đề ra.
Thanh khoản hệ thống dồi dào giúp lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm nhẹ và duy trì ở mức thấp trong tháng 8. Tại thị trường 1, các ngân hàng vẫn đang tích cực hạ lãi suất theo định hướng của Chính phủ và NHNN.
Cụ thể theo số liệu từ Wichart, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng giảm 30 – 50 bps so với tháng trước, lần lượt 5,8%, 5,95% và 6,43% tương ứng SoBs, NHTMCP lớn và NHTMCP khác. Ngoài ra, việc NHNN vừa ban hành thông tư mới cho phép các doanh nghiệp đi vay với mục đích để đảo nợ đã tạo điều kiện cho các NHTM cạnh tranh về lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh lạm phát không quá áp lực.
Ở chiều ngược lại, nợ xấu toàn ngành tăng cao và tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn ngành giảm khiến cho lãi suất cho vay khó có thể giảm sâu. Theo đó, dự báo lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục hạ khoảng 25 bps và duy trì ổn định
trong các tháng cuối năm 2023.
Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng bật tăng mạnh 1,7% theo tháng lên 24,085 vào cuối tháng 8: 1) Áp lực từ việc DXY tăng trở lại chạm mốc 104; và 2) Chênh lệch lãi suất USD và VND vẫn duy trì âm kích thích các hoạt động giao dịch carry trade.
Việc thi hành chính sách tiền tệ ngược chiều FED sẽ tiếp tục là yếu tố rủi ro chính dẫn đến sự biến động tỷ giá trong thời gian tới, bên cạnh tình hình kinh tế cải thiện khiến nhu cầu nhập khẩu gia tăng.
Ở chiều ngược lại, nguồn cung ngoại tệ dồi dào đến từ xuất siêu, FDI và kiều hối sẽ giảm bớt áp lực lên tỷ giá. Đồng thời, FED khả năng cao sẽ giữ nguyên mức lãi suất trong cuộc họp tháng 9 tới đây (với tỷ lệ lên tới 93%) và tỏ ra tương đối thận trọng với khả năng tăng lãi suất trong tháng 11 cũng là yếu tố hỗ trợ tỷ giá. Vì vậy, KBSV giữ nguyên mức dự báo về tỷ giá như ở BCVM 2H2023, khi VND mất giá khoảng 2% trong năm nay và đạt 24.100.
XU HƯỚNG TĂNG ĐIỂM CỦA VN-INDEX ĐANG YẾU ĐI
Thị trường chứng khoán trong tháng 9 thường là thời điểm thiếu vắng các thông tin hỗ trợ khi mà báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết đã được công bố.
Diễn biến của thị trường trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các số
liệu vĩ mô của cả trong và ngoài nước. Những chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản, triển vọng nâng hạng cùng với đó là mặt bằng lãi suất dự báo tiếp tục giảm đang là yếu tố hỗ trợ đà tăng điểm cho VN-Index.
Mặc dù vậy, thị trường cũng đang đối diện với cơn gió ngược là rủi ro lạm phát quay đầu tăng trở lại mức 3,8% YoY trong tháng 9 trước diễn biến giá dầu đang đang ngày một mạnh lên nhờ (1) OPEC+ kéo dài việc cắt giảm nguồn cung dầu đến hết năm (2) Trung Quốc tung các gói kích thích nền kinh tế + mùa đông đang đến gần sẽ khiến cho nhu cầu tiêu thụ tăng cao về cuối năm. Theo đó, rủi ro Fed tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11 (đang được dự báo ở mức 53,8%) sẽ ngày một gia tăng, gây ảnh hưởng tiêu cực lên tỷ giá, dòng vốn FDI và thanh khoản trong nền kinh tế.
Xét về yếu tố kỹ thuật, ngưỡng hỗ trợ sâu quanh 1150-1170 đã làm khá tốt nhiệm vụ nâng đỡ thị trường trong tháng 8. Chỉ báo xung lượng ADX hiện đang ở mức 30 điểm cùng với độ dốc hướng xuống cho thấy xu hướng tăng điểm của VN-Index đang có dấu hiệu yếu đi.
Với góc nhìn tích cực, VN-Index có thể tiếp tục xu hướng tăng điểm và hướng lên vùng đích mục tiêu quanh 1295 (+-20) điểm, tương ứng với vùng Fibonacci Retracement 61,8%. Mặc dù vậy, cơ hội tiếp tục mở rộng đà tăng điểm sau đó không được đánh giá cao và rủi ro bước vào một nhịp điều chỉnh trung hạn sẽ cần được tính đến.
Dựa trên so sánh sức mạnh tương đối của các nhóm ngành với VN-Index trong đồ thị dưới đây, nhóm ngành bất động sản, công nghệ thông tin, Vật liệu xây dựng và hàng tiêu dùng không thiết yếu hiện đang là nhóm ngành dẫn dắt chỉ số và nâng đỡ đà tăng chung của toàn thị trường.
Trong khi đó, các nhóm ngành như tài chính và Công nghiệp đang bước vào giai đoạn suy yếu. Đáng chú ý, các cổ phiếu thuộc ngành hàng thiết yếu, bao gồm thực phẩm, chăn nuôi, thủy sản, đang dần có sự cải thiện và được kỳ vọng sẽ là nhóm ngành dẫn dắt thị trường trong thời gian tới.