21:48 04/11/2009

Xử lý tham nhũng: Hiệu quả chưa đi liền với... quyết tâm

Nguyên Hà

Quốc hội thảo luận tại hội trường về các báo cáo liên quan đến công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về các báo cáo liên quan đến công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm: Ảnh: TTXVN.
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về các báo cáo liên quan đến công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm: Ảnh: TTXVN.
Chiều 4/11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về các báo cáo liên quan đến công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; công tác thi hành án.

Những báo cáo này cùng với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã được trình bày tại phiên họp buổi sáng cùng ngày.

Nội dung được nhiều đại biểu tập trung thảo luận là công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Nhiều ý kiến cho rằng, tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận. Song việc giải quyết, xét xử còn quá chậm, chưa đáp ứng sự mong đợi của cử tri. Mặc dù “quyết tâm có thừa” nhưng hiệu quả thì thấp.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), năm nay không còn những vụ án điểm mở đầu rầm rộ như những năm trước, nhưng vẫn có nghi án rất lớn, song quá trình điều tra và xử lý rất chậm chạp và có phần thụ động

Ông Thuyết ví dụ, vụ PCI (vụ Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương của Nhật Bản cho biết có hành vi hối lộ ông Huỳnh Ngọc Sĩ - PV) sau khi đưa ra chất vấn tại Quốc hội đã có chuyển biến. Nhưng suốt hơn một năm qua chỉ làm được một việc là dịch tài liệu.

Ví dụ thứ hai, được ông Thuyết nhấn mạnh, là thông tin điều tra từ một tờ báo Úc về nghi án hối lộ liên quan đến việc in tiền polymer của Việt Nam. “Rất may là gần đây báo chí nước ta đã bắt đầu đăng trả lời phỏng vấn của các đồng chí có trách nhiệm về vụ việc này. Tôi thấy các đồng chí trả lời chững chạc, nghiêm túc, nhưng thiếu lửa nhiệt tình đấu tranh chống tham nhũng. Các đồng chí nói đây là tài liệu tham khảo thôi, vậy thì dân hỏi chúng ta có chủ động đấu tranh phòng chống tham nhũng hay không”, đại biểu Thuyết băn khoăn.

Để chứng minh cho nhận định càng to xử càng nhẹ, ông Thuyết cũng đưa ra hai ví dụ. Thứ nhất, ông Huỳnh Ngọc Sĩ lợi dụng quyền hạn chức vụ để tham nhũng làm thất thoát cả bạc tỷ, bản thân ông nhận 52 triệu đồng hối lộ, tòa xử ba năm tù. "Người dân so sánh với vụ một vài ông nông dân ít học ở Lâm Đồng dùng sức mạnh lấy 2 con vịt nhậu với nhau, tòa xử mỗi anh 4 năm. Vậy sự công bằng trong xét xử thế nào?".

Vụ thứ hai, ông Chủ tịch Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, vi phạm pháp luật về quản lý kinh tế gây thiệt hại tới 78 tỷ đồng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hai lần cảnh cáo vẫn tại chức và gần đây xin về hưu. "Dư luận cũng so sánh việc này không  khác gì một cầu thủ bóng đá hai lần thẻ vàng nhưng vẫn được đá đến phút 89 và rời sân với chấn thương nhẹ. Cách xử lý như thế này rất khó hiểu", ông Thuyết nói.

Chất lượng xử án cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Liên quan đến án oan sai, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) qua phân tích số liệu cụ thể đã chỉ ra còn hàng ngàn vụ án bị hủy, sửa, tuyên án nhưng không thể thi hành do lỗi chủ quan của thẩm phán.

Đại biểu Nghĩa đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao báo cáo trước Quốc hội nguyên nhân có phải chỉ vì trình độ năng lực của cá nhân thẩm phán hay không, đã xử lý trách nhiệm cá nhân thế nào, giải quyết ra sao?

Tại phiên họp sáng mai, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về những nội dung trên.